Singapore tiên phong ứng dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để truy cập dịch vụ số

08:07, 01/10/2020

4 triệu người dân Singapore hiện có thể truy cập trực tuyến các dịch vụ số của chính phủ bằng cách sử dụng nhận dạng khuôn mặt.

Cơ quan công nghệ của chính phủ Singapore (GovTech) cho biết hệ thống nhận dạng khuôn mặt sẽ là "nền tảng" cho nền kinh tế số của nước này.

Người dân Singapore được xác thực gương mặt khi sử dụng dịch vụ công và tư một cách bảo mật. Theo nhà chức trách, nó sẽ trở thành nền tảng của nền kinh tế số Singapore. Trước đó, chương trình được thử nghiệm với một ngân hàng và đang được triển khai trên toàn quốc. Không chỉ nhận diện một người, nó còn bảo đảm họ thực sự có mặt, không phải là trò lừa đảo bằng ảnh, video hay deepfake.

Công nghệ sẽ được tích hợp vào hệ thống xác thực quốc gia SingPass và cho phép người dân sử dụng các dịch vụ của chính phủ. Theo Andrew Bud, nhà sáng lập kiêm CEO iProov, công ty cung ứng công nghệ, đây là lần đầu xác thực gương mặt nền tảng đám mây được dùng để bảo đảm danh tính của người dùng dịch vụ công.

Nhận diện hay xác thực gương mặt liên quan đến quét gương mặt chủ thể rồi khớp với hình ảnh trong cơ sở dữ liệu có sẵn để thiết lập danh tính của họ. Khác biệt quan trọng là xác thực yêu cầu sự đồng ý từ người dùng và người dùng sẽ được nhận lại một thứ tương xứng, chẳng hạn truy cập điện thoại hay ứng dụng ngân hàng. Ngược lại, nhận diện gương mặt có thể quét gương mặt của tất cả mọi người tại một nhà ga và cảnh báo cho nhà chức trách nếu có tên tội phạm đi ngang qua camera. Ông Bud nhận định nhận diện gương mặt tác động nhiều đến xã hội, còn xác thực gương mặt “lành” hơn.

Tại Mỹ và Trung Quốc, các hãng công nghệ đang tích cực phát triển công nghệ xác thực gương mặt. Chẳng hạn, hàng loạt ngân hàng hỗ trợ Apple Face ID hoặc Google Face Unlock để xác thực. Alibaba cũng có ứng dụng thanh toán Smile to Pay.

Nhiều chính phủ cũng đang sử dụng xác thực gương mặt nhưng ít quốc gia cân nhắc kết hợp công nghệ với mã số căn cước công dân. Trong một số trường hợp, đó là vì họ không dùng thẻ căn cước. Ví dụ, tại Mỹ, hầu hết dùng bằng lái xe làm hình thức định danh chính. Trung Quốc cũng chưa liên kết xác thực gương mặt với số căn cước song năm 2019, nước này thi hành luật yêu cầu khách hàng quét gương mặt khi mua điện thoại mới.

Tuy nhiên, xác thực gương mặt được dùng rộng rãi tại các sân bay. Nhiều bộ ngành cũng dùng nó, chẳng hạn Dịch vụ y tế Anh, Bộ An ninh nội địa Mỹ.

Công nghệ xác thực gương mặt của Singapore đã có mặt trong các văn phòng thuế và ngân hàng DBS để khách hàng dùng nó mở tài khoản. Nó cũng có thể dùng để xác minh tại khu vực an ninh sân bay, thi cử tại trường học. Theo Kwo Quek Sin, Giám đốc cấp cao phụ trách mã số định danh quốc gia tại GovTech Singapore, bất kỳ doanh nghiệp nào muốn sử dụng đều được đăng ký, miễn là đáp ứng yêu cầu của chính phủ. Yêu cầu cơ bản là phải được cá nhân đồng ý và nhận thức được về công nghệ.

Theo GovTech, camera sẽ có khả năng phân tích để đếm và phân tích đám đông cũng như đếm, phân loại và giám sát tốc độ của thiết bị di động cá nhân để cải thiện độ an toàn trong không gian công cộng.

Thanh Tùng (T/h)