Sở TT-TT Vĩnh Phúc đi đúng hướng, đột phá trong quá trình Chuyển đổi số

17:02, 05/08/2022

Thời gian vừa qua, ngành Thông tin và Truyền thông tinhe Vĩnh Phúc đã bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, chương trình công tác đề ra, toàn ngành đã đạt được nhiều kết quả quan trọng tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của ngành tại địa phương.

Về dịch vụ bưu chính, viễn thông đã tiếp cận với thương mại điện tử, cung cấp nhiều dịch vụ mới, phục vụ ổn định, rộng khắp đáp ứng nhu cầu của tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân. Các doanh nghiệp trong ngành cơ bản tuân thủ tốt các quy định của pháp luật và đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt phục vụ chỉ đạo, điều hành.

Về quá trình thực hiện chuyển đổi số (dù mới khởi đầu, thời gian chưa dài) nhưng đã đi đúng hướng, đã lựa chọn được những công việc đột phá, tạo cơ sở, nền tảng phát triển nhanh, mạnh và bền vững như: kho dữ liệu điện tử tập trung; dịch vụ công trực tuyến; ứng dụng di động cho người dân; bản đồ nền địa lý; nền tảng số giáo dục; hỗ trợ thương mại điện tử đến hộ gia đình; du lịch thông minh; trung tâm điều hành đô thị thông minh; hạ tầng số... Thực hiện tốt công tác bảo đảm về an toàn, an ninh, không có sự cố mất ATTT nghiêm trọng nào xảy ra.

Bằng nhiều sự cố gắng, nỗ lực các doanh nghiệp thuộc ngành trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vẫn duy trì tốc độ phát triển, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Tổng doanh thu toàn ngành 6 tháng đầu năm ước đạt 96.650 tỷ đồng, tăng 89% so với cùng kỳ, đạt 85% kế hoạch năm.

Chuyên trang tuyên truyền về Chuyển đổi số trên Cổng Thông tin giao tiếp điện tử tỉnh góp phần chuyển đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Ngoài ra, dịch vụ công trực tuyến iGate của tỉnh chính thức sử dụng từ ngày 01/01/2022 truy cập tại địa chỉ dichvucong.vinhphuc.gov.vn. Đến nay đã kết nối 651 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 với Cổng Dịch vụ công quốc gia (188 dịch vụ công mức độ 3, 463 dịch vụ công mức độ 4). Tính từ đầu năm đến ngày 23/6/2022 đã thực hiện 4.735 giao dịch thanh toán trực tuyến thành công qua nền tảng thanh toán của Cổng Dịch vụ công quốc gia, với tổng số tiền giao dịch hơn 4,2 tỷ đồng. Đã đạt tỷ lệ 100% TTHC có đủ điều kiện được đưa lên cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 4.

Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 10.080 chữ ký số công cộng (7.041 chữ ký số của công ty, doanh nghiệp, 3.039 chữ ký số cá nhân) do VNPT Vĩnh Phúc, Viettel Vĩnh Phúc cung cấp cho người dân, công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng để ký số, xác thực, thực hiện trong các giao dịch điện tử dưới các hình thức cung cấp thiết bị và sử dụng như Token, Sim, HSM, Smart.

Có nhiều ứng dụng, cơ sở dữ liệu thường xuyên được sử dụng, đã tạo ra dữ liệu phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chuyên môn, nghiệp vụ, tiêu biểu như các cơ sở dữ liệu (CSDL): danh mục thuộc nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; người dùng tập trung toàn tỉnh; công báo điện tử; tài liệu lưu trữ lịch sử,....

Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 200 doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghệ thông tin, điện tử; các sản phẩm chủ yếu là thiết bị điện tử, linh kiện điện tử như: phần cứng máy tính, camera điện thoại, sản phẩm cảm biến, anten điện thoại, sạc điện thoại, mô tơ, bản mạch. Trước ảnh hưởng lớn từ đại dịch COVID -19, doanh thu lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử vẫn giữ được mức tăng trưởng khá, doanh thu ước đạt 95.000 tỷ đồng, ước đạt 86% kế hoạch năm 2022.

Đồng thời, Sở TT-TT tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn công tác quản lý nhà nước chuyên ngành ở cấp huyện; nội dung chỉ đạo tập trung triển khai phối hợp trong công tác quản lý tại địa phương và trang bị cho các địa phương các trang thiết bị ứng dụng CNTT phục vụ chuyển đổi số.

Thời gian tới, Sở TT-TT Vĩnh Phúc sẽ Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp trong ngành phát triển hạ tầng mạng lưới và sản xuất, kinh doanh theo đúng quy hoạch và các quy định của pháp luật. Nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng viễn thông, mạng lưới truyền dẫn trong toàn tỉnh; bảo đảm chất lượng đường truyền, tiếp tục mở rộng Internet cáp quang, sẵn sàng phục vụ mọi nhu cầu kết nối trên địa bàn tỉnh. Bám sát sự chỉ đạo, định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông để mỗi gia đình đều có đường Internet cáp quang là nền tảng quan trọng phục vụ chuyển đổi số. Chỉ đạo các doanh nghiệp đẩy mạnh phủ sóng 5G trên địa bàn tỉnh.

Thùy Dung