Sở TT&TT tỉnh Lạng Sơn nâng cao hiệu quả hoạt động phục vụ kinh tế-xã hội phát triển

11:31, 06/02/2022

Lời tòa soạn: Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn đã ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TU ngày 28/9/2021 về chuyển đổi số tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với 5 trụ cột chính là chuyển đổi số trong cơ quan Đảng, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, cửa khẩu số. Nghị quyết đã đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp tổng thể và toàn diện gắn kết giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân, trong đó đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 tỉnh Lạng Sơn nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Nhân dịp năm mới Nhâm Dần, Tạp chí Tin học và Đời sống đã có cuộc trao đổi với Ông Nguyễn Khắc Lịch, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Lạng Sơn về một số kết quả chuyển đổi số mà Sở TT&TT đã triển khai thành công và những hướng đi của năm mới 2022.

Ông Nguyễn Khắc Lịch, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Lạng Sơn.

PV: Được biết vào ngày 31/12/2021, Sở Thông tin và Truyền thông (Sở TT&TT) tỉnh Lạng Sơn đã khai trương trợ lý ảo“iSee Lạng Sơn” hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công. Là một tỉnh biên giới phía Bắc có cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh, mỗi ngày có hàng nghìn xe tải chở hàng thông quan sang nước bạn Trung Quốc, xin ông cho biết trong năm qua Sở TT&TT tỉnh Lạng Sơn đã làm được những gì để phục vụ kinh tế xã hội phát triển?

Ông Nguyễn Khắc Lịch: Như đã biết, tỉnh Lạng Sơn vừa khai trương trợ lý ảo hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính với tên gọi “iSee Lạng Sơn”, được xây dựng trên các nền tảng công nghệ tiên tiến, hiện đại (AI, BigData…) có thể hiểu, giao tiếp với người dùng bằng giọng nói ở nhiều ngữ cảnh khác nhau với ngôn ngữ tự nhiên. Đồng thời, đây cũng là ứng dụng có khả năng nhận dạng giọng nói với độ chính xác cao (trên 99,8%). Bên cạnh đó, iSee Lạng Sơn còn cho phép người dùng tùy chọn giọng nói và tốc độ nói khi giao tiếp. Nhờ sự cải tiến trong các phần mềm, đặc biệt là công nghệ AI, iSee Lạng Sơn có thể tiến hành phân tích dữ liệu người dùng, từ đó đưa ra những gợi ý phù hợp với nhu cầu của người dùng và còn có thể dự đoán trước nhu cầu người dùng trong tương lai. Đặc biệt với tính năng tự học, iSee Lạng Sơn sẽ tự hoàn thiện thông qua các câu hỏi của người dùng và các kết quả tra cứu để xác định được câu trả lời chính xác nhất theo nhu cầu của người dùng.

Để triển khai Trợ lý ảo “iSee Lạng Sơn”, Sở TT&TT đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị cung cấp được trên 12.000 câu hỏi chính xác, câu hỏi gần đúng và các từ đồng nghĩa liên quan đến thủ tục hành chính công; liên quan đến các cơ quan, đơn vị giải quyết thủ tục hành chính và các câu hỏi mở rộng khác…

Để có thể sử dụng “iSee Lạng Sơn”, người dùng tải ứng dụng trên CH Play/App Store với tên “iSee Lạng Sơn” và tiến hành cài đặt trên máy.

Việc triển khai trợ lý ảo iSee Lạng Sơn sẽ giúp người dân, doanh nghiệp tra cứu, thực hiện hơn 1.700 thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh một cách đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện, đồng thời giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính và phòng chống dịch Covid-19.

PV: Ông cho biết cụ thể hơn về một vài kết quả lớn mà Sở TT&TT đã thực hiện thành công?

Ông Nguyễn Khắc Lịch: Trong năm 2021, chúng tôi đã triển khai thực hiện rất nhiều các mặt công tác, như: Công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành và nỗ lực hoàn thành xuất sắc ba nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra.

Về ba nhiệm vụ trọng tâm gồm: Thứ nhất là hoàn thiện thí điểm Trung tâm chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh; Thứ hai là tiếp tục thực hiện Đề án Chính quyền điện tử tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2019-2025 theo lộ trình đã được phê duyệt; Giữ vững và phấn đấu cải thiện vị trí xếp hạng xây dựng Chính quyền điện tử so với các địa phương khác trong cả nước tăng từ 1-2 bậc. Thứ ba là tham mưu xây dựng Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động TT&TT cơ sở giai đoạn 2021-2030. Có thể khẳng định cho đến nay chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc ba nhiệm vụ trọng tâm trên.

Về nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất, chúng tôi đã triển khai thí điểm Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành kết nối các nền tảng ứng dụng hiện có, tổng hợp, phân tích, khai thác dữ liệu theo thời gian thực phục vụ công tác lãnh đạo, nâng cao hiệu quả của cơ quan nhà nước. Ứng dụng các dịch vụ thông minh tương tác giữa chính quyền với người dân nhằm giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp trong công tác quản lý, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh cập nhật số liệu theo thời gian thực từ các nền tảng số qua đó phân tích số liệu, theo dõi, so sánh số liệu của các huyện, thành phố, các sở, ngành để kịp thời chỉ đạo điều hành với các nội dung: Phát triển kinh tế - xã hội, văn bản điều hành điện tử, dịch vụ hành chính công, giám sát an toàn giao thông, thông tin báo chí trên mạng, an toàn thông tin, hệ thống giáo dục, thông tin du lịch, trả lời các kiến nghị của người dân và doanh nghiệp. Hiện Trung tâm đang tiếp tục bổ sung kết nối các nền tảng số khác, như: Cửa khẩu số, thông tin quy hoạch đất đai, kinh tế số nông nghiệp nông thôn, để kịp thời phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Về nhiệm vụ thực hiện Đề án Chính quyền điện tử tỉnh, triển khai nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh (Data center) đồng bộ, trang thiết bị hiện đại, đảm bảo an toàn thông tin, là nơi tập trung các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh, quản lý vận hành thống nhất trong toàn tỉnh. Góp phần quan trọng trong việc phát triển Chính quyền điện tử tỉnh. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, Cổng dịch vụ công của tỉnh cung cấp 1.775 DVCTT, trong đó có 484 DVCTT mức độ 2; 315 DVCTT mức độ 3 và 976 DVCTT mức độ 4. Tỉnh Lạng Sơn đã hoàn thành sớm chỉ tiêu đưa 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021, hoàn thành trước thời hạn 7 tháng, Lạng Sơn là một trong 3 tỉnh, thành phố trong cả nước hoàn thành sớm mục tiêu này.

Theo Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam năm 2020 do Bộ TT&TT, Hội Tin học Việt Nam công bố thì chỉ số ICT- Index năm 2020 của tỉnh Lạng Sơn xếp thứ 21/63 tỉnh, thành phố, tăng 01 bậc so với năm 2019. Chỉ số chuyển đổi số của tỉnh xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố, kinh tế số xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố.

Về nhiệm vụ tham mưu xây dựng Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin và truyền thông cơ sở giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu của Đề án này nhằm hiện đại, đồng bộ cơ sở hạ tầng, mạng lưới thông tin từ tỉnh đến cơ sở; đa dạng hóa phương thức cung cấp thông tin ở cơ sở; chuyển đổi công nghệ truyền thanh hữu tuyến, vô tuyến FM sang truyền thanh ứng dụng công nghệ số, nền tảng số; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực để ngày càng nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ thông tin cơ sở, đảm bảo chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đảm bảo thông tin hai chiều từ tỉnh đến cơ sở nhằm giải quyết những thắc mắc, bức xúc trong dân, góp phần tạo sự đồng thuận và niềm tin của người dân. Đây là Đề án mang tính đột phá đối với hoạt động thông tin ở cơ sở, giải quyết được nhiều khó khăn, vướng mắc lâu nay; đã đánh giá được khái quát thực trạng, đề ra mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025. Hiện nay chúng tôi đã xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện đề án. Riêng trong năm 2021, Sở TT&TT đã tham mưu để thiết lập mới 20 xã có đài truyền thanh ứng dụng viễn thông, công nghệ thông tin.

Về phát triển kinh tế số nông nghiệp nông thôn: Phát triển được 116.301 cửa hàng số cho hộ gia đình chiếm tỉ lệ 60% tổng số hộ gia đình trên địa bàn tỉnh(tăng gấp 116 lần so với thời điểm phát động triển khai); 102.043 tài khoản thanh toán điện tử chiếm tỉ lệ 53% (Tăng gấp 322 lần so với thời điểm phát động có 301 tài khoản); Thành lập 1.702 tổ công nghệ công đồng với 6.214 người.

Về chuyển đổi số cho ATM (gọi là ATM mềm) đến 100% các xã thực hiện chức năng nạp, rút tiền mặt các tài khoản ngân hàng của công chức, viên chức, người dân thông qua nền tảng công nghệ số tại điểm bưu điện văn hóa xã. Giải quyết khó khăn cho 20.000 giáo viên và người dân có tài khoản điện tử không phải đi hàng chục km đường rừng, núi rút tiền; Thúc đẩy sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức 4; Thúc đẩy phát triển kinh tế số Nông nghiệp nông thôn. Việc triển khai ATM mềm cho 200 xã tiết kiệm được 300 tỷ đồng trong 05 năm kinh phí đầu tư, triển khai, duy trì.

Hoàn thành triển khai sử dụng Nền tảng số dùng chung cho công tác quản lý dạy và học cho 674/674 trường; 100% giáo viên (khoảng 20.000 người) được cấp chữ ký số miễn phí để tạo ra học bạ điện tử và bảng điểm điện tử, tăng gấp 10 lần so với trước đây. Việc sử dụng nền tảng số dùng chung và chữ ký số trong 05 năm tiết kiệm được 130 tỷ đồng ngân sách. Hoàn thành chỉ tiêu 100% các trường học sử dụng nền tảng số, công nghệ số trong công tác quản lý dạy và học trước 4 năm so với chỉ tiêu Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Lễ khai trương Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành thông minh tỉnh Lạng Sơn.

PV: Xin Ông nói rõ hơn về Nền tảng cửa khẩu số?

Ông Nguyễn Khắc Lịch: Triển khai xây dựng Nền tảng cửa khẩu số là 1 trong 5 trụ cột chuyển đổi số được xác định trong Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, để quản lý tổng thể và toàn diện hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu dựa trên công nghệ số, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo, cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu tốt hơn.

Tỉnh Lạng Sơn có 231 km đường biên giới trên địa bàn 21 xã, thị trấn và trên địa bàn 5 huyện: Tràng Định, Văn Lãng, Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập; có 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu song phương. Kinh tế cửa khẩu có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn, năm 2021 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh ước đạt 4.270 triệu USD (trong đó xuất khẩu 1.370 triệu USD, nhập khẩu 2.900 triệu USD). Tỉnh Lạng Sơn đặt mục tiêu phát triển nhanh, bền vững kinh tế cửa khẩu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2021-2025, tạo môi trường thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa thuận lợi. Chính vì vậy, tỉnh Lạng Sơn cần phải chuyển đổi số toàn diện và tổng thể hoạt động tại cửa khẩu, thí điểm chuyển đổi số tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh.

Triển khai nền tảng cửa khẩu số để quản lý tổng thể và toàn diện hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu dựa trên công nghệ số, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo, cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu tốt hơn.

-  Những ưu điểm nổi bật của Nền tảng cửa khẩu số:

+ Áp dụng các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, cơ sở dữ liệu tập trung, kết nối liên thông chia sẻ dữ liệu.

+ Tự động hóa quy trình, giảm thiểu thời gian cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, công khai, minh bạch, tránh ùn tắc hàng hóa và tiêu cực trong công tác quản lý, phục vụ doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tốt hơn.

+ Tăng cường công tác quản lý, giám sát của các cơ quan nhà nước, tạo kênh thông tin kết nối đa chiều giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.

+ Các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp bến bãi cùng tham gia sử dụng một nền tảng số duy nhất.

+ Nền tảng cửa khẩu số được kết nối liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu ngành Hải Quan, cơ sở dữ liệu đăng kiểm Bộ Giao thông vận tải, các cổng thanh toán trực tuyến, để loại bỏ hoàn toàn việc kê khai thông tin thủ công trên giấy như trước đây.

- Lạng Sơn là tỉnh đầu tiên trong cả nước ứng dụng công nghệ số trong quản lý tổng thể và toàn diện hoạt động cửa khẩu. Sau khi hoàn thành giai đoạn triển khai thí điểm sẽ áp dụng cho tất cả cửa khẩu trong tỉnh và xem xét để nhân rộng áp dụng với cửa khẩu ở địa phương khác trong cả nước.

Thông quan hàng hóa tại Cửa khẩu Tân Thanh.

PV: Xin ông cho biết nhiệm vụ trong năm 2022 của Sở TT&TT Lạng Sơn?

Ông Nguyễn Khắc Lịch: Trong năm 2021, chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc một số nhiệm vụ trên do được sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TT&TT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp tích cực của các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố nên công tác quản lý nhà nước về TT&TT ở tỉnh Lạng Sơn có chuyển biến mạnh mẽ. Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm Nhâm Dần 2022, chúng tôi tập trung vào bảy nhiệm vụ trọng tâm như sau:

1. Phát triển 5G trên địa bàn tỉnh, mỗi doanh nghiệp viễn thông khảo sát, lập kế hoạch, xây dựng phương án và triển khai thí điểm 5 trạm BTS 5G trên địa bàn thành phố và các cửa khẩu: Tân Thanh, Hữu Nghị, Chi Ma.

2. Phát triển thuê bao Internet băng rộng cáp quang đến 80% hộ gia đình; Xóa trắng sóng ở 295 thôn bản chưa có sóng di động hoặc sóng 3G, 4G không đảm bảo chất lượng.

3. Nâng tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến đạt tỷ lệ trên 30% hồ sơ xử lý trực tuyến qua dịch vụ công mức độ 4.

4. Xây dựng Nền tảng điện toán đám mây để phục vụ công cuộc chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số của tỉnh.

5. Xây dựng Nền tảng số, cơ sở dữ liệu dùng chung của các ngành: Tài nguyên và Môi trường; Tài chính, Kế hoạch đầu tư; Giao thông vận tải, Xây dựng; Nông nghiệp và Nông thôn; Văn hóa, thể thao và du lịch.

6. Tiếp tục chỉ đạo, phối hợp, định hướng báo chí truyền thông dẫn dắt dư luận cả nước tích cực theo dõi về tình hình phát triển xuất nhập khẩu, chuyển đổi số, phòng chống Covid-19 của tỉnh. Bảo đảm chất lượng, trọng tâm, chuyên sâu và hấp dẫn hơn.

     PV: Xin cảm ơn Ông.

 Thực hiện: Phúc Bồng