Sửa đổi Luật Giao dịch điện tử để thúc đẩy phát triển kinh tế số

05:06, 20/09/2022

Sáng 19/9, tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Mục đích của Dự Luật là tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ cho việc chuyển đổi sang môi trường số ở các ngành, lĩnh vực.

Tạo hành lang pháp lý cho việc chuyển đổi sang môi trường số

Trình bày tờ trình về Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Luật Giao dịch điện tử được Quốc hội khóa XI thông qua năm 2005 đã tạo hành lang pháp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế cho giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vnChủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Các quy định của luật đi vào cuộc sống đã góp phần thúc đẩy sự phát triển giao dịch điện tử, đồng thời tạo tiền đề quan trọng trong việc thúc đẩy chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Tuy nhiên, sau 17 năm thực hiện, Luật đã bộc lộ một số bất cập cần được sửa đổi, bổ sung.

Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) có 8 chương và 56 điều, trong đó, các nội dung sửa đổi, bổ sung bám theo 9 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 3/12/2021 của Chính phủ về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11/2021.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, mục đích quan trọng của Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) là tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực nhằm chủ động, tích cực và công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Đồng thời, khẳng định giá trị pháp lý cho giao dịch điện tử, công nhận giao dịch điện tử có giá trị pháp lý giống như giao dịch trong môi trường thực. Ưu tiên, khuyến khích thực hiện giao dịch điện tử bằng các chính sách giúp thực hiện giao dịch điện tử với thời gian nhanh hơn, chi phí thấp hơn, tiếp cận dễ dàng hơn, được bảo đảm an toàn, tin cậy hơn.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trình bày Dự Luật tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vnBộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trình bày Dự Luật tại phiên họp.

Thẩm tra Dự Luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy cũng lưu ý,  Dự Luật không quy định nội dung giao dịch, chỉ quy định những nguyên tắc chung làm cơ sở pháp lý cho việc chuyển đổi các giao dịch trực tiếp truyền thống sang môi trường điện tử. Đồng thời, Dự Luật có mối quan hệ với rất nhiều pháp luật khác có liên quan, do đó, cần hết sức chú trọng đến tính đồng bộ, thống nhất. Các nội dung có liên quan đến an ninh, an toàn mạng và thông tin mạng cần được quy định đầy đủ, chặt chẽ nhưng bảo đảm nguyên tắc không làm phát sinh thêm các thủ tục hành chính, gây khó khăn, cản trở các giao dịch điện tử.

Cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp tục rà soát cẩn trọng, kỹ lưỡng, toàn diện dự thảo luật, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành.

Thúc đẩy phát triển kinh tế số

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề cập đến một vấn đề như: Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; thông điệp dữ liệu; dịch vụ tin cậy; giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử; giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử…

Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vnTrưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhất trí với các ý kiến cho rằng, cơ quan soạn thảo cần rà soát, chỉnh lý nội dung giải thích từ ngữ bảo đảm chính xác, dễ hiểu, thống nhất với luật mẫu về thương mại điện tử của Ủy ban Liên hợp quốc về Luật Thương mại quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về sử dụng chứng từ trong hợp đồng quốc tế.

Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, dịch vụ chứng thực chữ ký số đóng vai trò là hạ tầng định danh và xác thực của giao dịch điện tử. Tuy nhiên, việc sử dụng chữ ký số hiện nay chưa phổ biến, chi phí sử dụng dịch vụ còn cao, phạm vi áp dụng hạn chế. Do đó, đề nghị nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung để các quy định có liên quan đến nội dung này trong Dự Luật có tính khả thi.

Các ý kiến cũng cho rằng, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ trong những năm gần đây, việc thực hiện các giao kết, hợp đồng điện tử trở nên rất phổ biến. Tuy nhiên, việc áp dụng hợp đồng điện tử vẫn còn gặp nhiều hạn chế do những khó khăn trong việc xác định giá trị pháp lý, phạm vi trách nhiệm để giải quyết khi xảy ra tranh chấp giữa các bên...

Nhiều đại biểu đề nghị nghiên cứu, cân nhắc bổ sung trong Dự Luật quy định về các giai đoạn giao kết hợp đồng điện tử; hiệu lực của hợp đồng điện tử; điều kiện để hợp đồng điện tử có hiệu lực; thời điểm có hiệu lực của hợp đồng; các trường hợp xác định hợp đồng điện tử vô hiệu; các loại hợp đồng điện tử mẫu trong các trường hợp giao dịch khác nhau; hoạt động chứng thực giao dịch và hợp đồng điện tử.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành Dự Luật cơ bản đủ điều kiện để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022). Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, hoàn thiện Dự Luật, góp phần chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện, phát triển kinh tế số, xã hội số… dựa trên nền tảng số và không gian mạng...

Theo Báo Kinh tế & Đô thị