Chiến hạm lớp Gepard của Việt Nam, những “quái vật biển”

07:10, 31/05/2014

Trong các loại tàu chiến của Hải quân Nhân dân Việt Nam (HQVN), 2 tàu HQ-011 Đinh Tiên Hoàng và HQ-012 Lý Thái Tổ đang được giới truyền thông trong nước và thế giới quan tâm, chú ý.

HQ-011 Đinh Tiên Hoàng (HQ-011) và HQ-012 Lý Thái Tổ (HQ-012) là 2 chiến hạm lớp Gepard 3.9, được đánh giá là một trong số những tàu hộ vệ tên lửa hiện đại nhất khu vực. Tàu có chiều dài 102m, rộng 13,7m, lượng giãn nước 2.100 tấn, mớn nước 5,3m, vận tốc tối đa 28 hải lý/giờ. Tầm hoạt động của các tàu này trong vòng 7.000km, có thể hoạt động liên tục suốt 15 ngày với 98 thủy thủ đoàn trên tàu.

Việt Nam ký hợp đồng mua 4 chiếc Gepard, đã nhận 2 tàu HQ-011 và HQ-012 kể trên. Sau khi nhận về và “vẫy vùng” trên biển, cả 2 chiến hạm này đã chứng tỏ uy lực và sức mạnh, thực sự như những “vị vua không ngai” trên Biển Đông. Theo hợp đồng đã ký, 2 chiếc sẽ nhận sau còn “khủng” hơn, là biến thể chống tàu ngầm và có hệ thống phòng không được hiện đại hóa thêm một bước.

Hai chiến hạm HQ-011 Đinh Tiên Hoàng và HQ-012 Lý Thái Tổ trên biển.

HQ-011 và HQ-012 được trang bị hệ thống thiết bị điện tử và vũ khí hiện đại, gồm: 1 pháo AK-176M 76,2mm với 500 viên đạn; 2 pháo phòng không cao tốc AK-630M 30mm, cơ số đạn mỗi khẩu là 2.000 viên; 8 tên lửa hành trình chống hạm KH-35 Uran-E; 1 hệ thống CIWSPalma gồm 2 pháo phòng không 6 nòng AO-18K cỡ 30mm, 8 tên lửa phòng không 9M311 Sosna-R; hệ thống phóng mồi bẫy PK-10...

Vũ khí đáng gờm nhất của hai chiến hạm này là tên lửa KH-35 Uran-E, có tầm bắn 130km, tốc độ hành trình Mach 0,8. Khi tấn công mục tiêu, tên lửa này có thể hạ cao độ (góc bắn) xuống cực thấp, chỉ cách mặt biển 3-5m, để tiêu diệt những mục tiêu trên biển. Thêm vào đó, tên lửa này còn sở hữu cả công nghệ tàng hình và chống nhiễu hiện đại, có thể hạ gục nhanh những tàu mặt nước có lượng giãn nước lên tới 5.000 tấn. Bởi thế, KH-35E được mệnh danh là “sát thủ ẩn mình sau ngọn sóng”.

Hệ thống trinh sát, tác chiến điện tử trên hai chiếm hạm HQ-011 và HQ-012 gồm: Radar quét pha 3 chiều Pozitiv-ME1, có thể quan sát được cả mục tiêu ở trên không và trên biển; Radar kiểm soát hỏa lực Mineral-ME, chuyên để dẫn đường cho tên lửa đối hạm; Radar MR-123 chuyên dùng để điều khiển các loại pháo từ 30mm tới 76mm, được tích hợp với hệ thống Palma.

Và không thể không kể đến phần đuôi của chiến hạm còn có cả bãi đáp cho trực thăng Kamov Ka-28 - một trong những loại trực thăng chống ngầm hiệu quả nhất thế giới.

Điểm nổi bật nữa của Gepard 3.9, là tàu có thiết kế “tàng hình”: Lườn và thân tàu được chế tạo từ thép, nhằm đảm bảo chắc chắn, bền vững, nhưng phần thượng tầng (phần nổi bên trên) làm bằng hợp kim nhôm-magiê, có khả năng hấp thụ sóng radar (công nghệ stealth). Nhờ vậy, trong quá trình di chuyển, tàu và máy bay của đối phương sẽ khó nhận ra. Ngoài ra, thân tàu - với các mặt phẳng truyền thống - nhưng được thiết kế gồm 12 khoang không thấm nước. Theo đó, tàu vẫn có khả năng hoạt động bình thường trong điều kiện bị trúng đạn tới 3 khoang, nhưng không liên tiếp nhau.

Thêm nữa, đó là khả năng tích hợp các loại vũ khí khác nhau của Gepard 3.9, để tạo nên nhiều biến thể với tính năng đa dạng, và điều này giúp HQVN hiện thực hóa ý tưởng xây dựng những biên đội tàu chiến tương hỗ cho nhau. Bởi, nếu như HQ-011 và HQ-012 thiên về khả năng chống hạm và tuần tiễu thì 2 tàu tiếp theo lại thiên về cấu hình chống ngầm. Và như thế, chỉ cần 2 chiến hạm cùng lớp nhưng với những sức mạnh khác nhau của Gepard 3.9 cũng đủ sức khống chế đối phương cả trên không, trên biển lẫn dưới biển.

Từ những tàu chiến nhỏ bé, vũ khí lạc hậu của thế kỷ trước, đến khi sở hữu 2 tàu Gepard 3.9 hiện đại là một bước tiến rất dài của HQVN. Và cùng với các chiến hạm Gerpard 3.9, tàu ngầm Kilo 636, và những vũ khí khác, chúng ta có đầy đủ sở cứ để tin rằng chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Việt Nam sẽ được giữ vững. Và có thể nói rằng, các chiến hạm Gepard sẽ đóng vai trò “sứ giả hòa bình”, trở thành những điểm tựa sức mạnh của HQVN nới riêng và người Việt Nam nói chung.

Thanh Trà (tổng hợp)