Tăng cường trao đổi kinh nghiệm chuyển đổi số giữa Việt Nam và Hà Lan

08:03, 13/12/2022

Trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công An Nguyễn Duy Ngọc mong muốn Bộ Nội vụ và quan hệ Vương quốc Hà Lan và các chuyên gia chuyển đổi số của Hà Lan tăng cường quan hệ, phối hợp chặt chẽ, giúp đỡ Việt Nam trong chuyển đổi số, quản lý dân cư và quản lý dữ liệu.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Hà Lan của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngày 12/12 (giờ địa phương), đoàn công tác Đề án 06 của Chính phủ do Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an dẫn đầu đã có buổi làm việc với Văn phòng Quốc gia về Dữ liệu nhận dạng; Phòng Logius; Bộ phận xã hội số (Digital society Department) thuộc Bộ Nội vụ và quan hệ Hà Lan.

Để chuyển đổi số thành công, trách nhiệm được "chẻ nhỏ"

Trong không khí chân tình, gần gũi, tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc và các thành viên trong đoàn công tác đã dành nhiều thời gian cùng lãnh đạo, chuyên gia công nghệ của Bộ Nội vụ và quan hệ Vương quốc Hà Lan trao đổi, tìm hiểu quá trình xây dựng, quản lý và phát triển chuyển đổi số tại Hà Lan.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc trao đổi với các chuyên gia về chuyển đổi số của Hà Lan.

Đoàn công tác cũng dành nhiều sự quan tâm đến những biện pháp bảo mật, phòng chống việc làm giả CCCD, cách thức phát hiện, phòng ngừa ở mức độ cao; việc kiểm soát và vận hành hệ thống; quản lý người dân nước ngoài khi sinh sống, làm việc; quá trình kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, lĩnh vực trong xã hội.

Các đại biểu cũng quan tâm đến việc người dân giám sát quản lý, chia sẻ dữ liệu thông tin một cách công khai, đảm bảo thông tin được chia sẻ đúng, không có sai sót.

Hà Lan dù trước đây là một nước nông nghiệp như Việt Nam nhưng đã nhanh chóng chuyển đổi mô hình quản lý dân cư, đi trước trong quá trình xây dựng những phương pháp quản lý công dân hiện đại dựa trên CCCD, dữ liệu dân cư.

Những thông tin cá nhân, dữ liệu dân cư được số hóa, quản lý ở mức độ cao, đảm bảo các yêu cầu về bảo mật, phục vụ cho sự phát triển nền kinh tế công nghệ, công nghiệp của Hà Lan. Trong đó phải kể đến 3 mô hình đổi mới sáng tạo: Airport (kết nối hàng không); Seaport (kết nối hàng hải) và Brainport (kết nối đổi mới sáng tạo) để phát triển.

Đại diện Bộ Nội vụ và quan hệ Hà Lan cùng các chuyên gia về chuyển đổi số của Hà Lan giới thiệu với Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc và đoàn công tác về việc hướng dẫn người dân trong quá trình xây dựng dữ liệu. Đó là trách nhiệm của tất cả các bộ, ngành, lĩnh vực, nhất là những cán bộ, công nhân viên chức thuộc cơ quan quản lý của Chính phủ.

Ví dụ, một đứa trẻ được sinh ra tại bệnh viện, nhân viên y tế, bác sĩ ở nơi đó phải có trách nhiệm hướng dẫn bố, mẹ cháu bé hoàn tất những thủ tục về "công dân số". Để xây dựng số hóa dữ liệu cũng như chuyển đổi số thành công, trách nhiệm được "chẻ nhỏ", phân rõ tới từng cá nhân trong xã hội.

Tăng cường quan hệ, phối hợp chuyển đổi số, quản lý lý dữ liệu giữa Hà Lan và Việt Nam

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, thay mặt Đoàn công tác Đề án 06 của Chính phủ, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc trân trọng cảm ơn đại diện Bộ Nội vụ và quan hệ Vương quốc Hà Lan cùng các chuyên gia về chuyển đổi số Hà Lan đã dành tình cảm tốt đẹp cho cá nhân đồng chí Thứ trưởng và các thành viên trong đoàn công tác, đồng thời bày tỏ niềm vinh dự được tới thăm và làm việc với Văn phòng Quốc gia về dữ liệu nhận dạng, Phòng Logius, bộ phận xã hội số tại Bộ Nội vụ và quan hệ Vương quốc Hà Lan.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc trao quà tặng các chuyên gia Hà Lan.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc thông tin, trong nhiều năm qua, Chính phủ Việt Nam đã quyết liệt chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp để xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đã đạt được những kết quả quan trọng.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng thông tin, thể chế chính sách và nhiều hệ thống nền tảng cho Chính phủ điện tử đã được Bộ Công an, Chính phủ Việt Nam quan tâm xây dựng. Một số hệ thống lớn đã được tập trung thiết lập, đưa vào vận hành và đạt được kết quả bước đầu khả quan, bắt kịp những thay đổi của thời đại cách mạng công nghệ 4.0.

Cụ thể như Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, Cổng dịch vụ công quốc gia... và đặc biệt đã hoàn thành xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, CCCD, định danh và xác thực điện tử đánh dấu một bước tiến quan trọng mới trong phát triển Chính phủ điện tử, vì đây là một trong những dữ liệu quan trọng nhất, mang tính cốt lõi để tạo nền tảng xây dựng thành công Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

Với những kết quả đó, để thúc đẩy chuyển đổi số, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định: Chính phủ Việt Nam đang chỉ đạo phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, hướng tới phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách tốt hơn, hiệu quả hơn, mang lại lợi ích thiết thực.

Tập trung nghiên cứu triển khai Ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ CCCD gắn chip điện tử vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách linh hoạt, sáng tạo.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, những công việc, nhiệm vụ trên nhằm phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Chính phủ Việt Nam đã triển khai đồng bộ các giải pháp cụ thể như: Triển khai đẩy mạnh dịch vụ công trên toàn quốc, phối hợp với các bộ, ban ngành thúc đẩy quá trình đưa dịch vụ công ở mức độ trực tuyến, người dân thực hiện các dịch vụ công tại nhà mà không phải đến các trụ sở cơ quan hành chính, trong đó sử dụng tài khoản định danh của công dân là then chốt tạo thuận lợi cho người dân sử dụng các dịch vụ công. Hệ thống định danh và xác thực điện tử đi vào hoạt động chính thức, bước đầu hình thành hệ sinh thái công dân số, mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy thanh toán trực tuyến, giao dịch điện tử, thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và nhiều tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp. Công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, bảo vệ bí mật cá nhân luôn được quan tâm, chú trọng. Việc kết nối, chia sẻ giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu các bộ, ngành, địa phương được đẩy mạnh, từng bước hình thành cơ sở dữ liệu lớn, hệ sinh thái công dân số, phục vụ quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội.

Dù đã đạt được nhiều kết quả song hiện nay Việt Nam đang gặp một số thách thức như: Chuyển đổi số là một vấn đề hoàn toàn mới chưa có tiền lệ; nhân lực chuyển đổi số thiết hụt, từ nhà quản lý đến chuyên gia, kỹ sư, công nhân công nghệ số, người dân chưa có đủ kỹ năng số cần thiết; an toàn, an ninh mạng, dữ liệu, dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư cá nhân của con người trên không gian mạng bị đe dọa.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc và đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với đại diện Bộ Nội vụ và quan hệ Vương quốc Hà Lan và các chuyên gia Hà Lan.

Đánh giá trong thời gian tới, trước sự chuyển đổi số mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc mong muốn Bộ Nội vụ và quan hệ Vương quốc Hà Lan và các chuyên gia chuyển đổi số của Hà Lan tăng cường quan hệ, phối hợp chặt chẽ, giúp đỡ Việt Nam trong chuyển đổi số, quản lý dân cư và quản lý dữ liệu. 

Cụ thể, chia sẻ, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu dân cư, tư vấn xây dựng trách nhiệm pháp lý, nhiệm vụ và quyền hạn của các đơn vị bảo vệ dữ liệu. Tư vấn kinh nghiệm triển khai hệ thống nền tảng dùng chung của các đơn vị; quy trình, phương pháp tiến hành số hóa hồ sơ, giấy tờ thủ tục hành chính; cung cấp tài khoản an sinh xã hội. Nghiên cứu, xây dựng phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, thúc đẩy chuyển đổi số.

Kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc tin tưởng việc tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, thúc đẩy chuyển đổi số sẽ góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, tăng cường hiểu biết và cùng phát triển, đồng thời góp phần tạo thuận lợi để hiện thực hóa mong muốn của cả hai bên đưa Việt Nam và Hà Lan trở thành các trung tâm kết nối, tiếp cận thị trường ASEAN và EU rộng lớn và năng động.

 Khôi Nguyên (T/h)