Tập đoàn Nam Cường đang “lách luật bán nhà hai giá” tại Khu đô thị Dương Nội?

Minh Hà 16:44, 24/03/2020

Tình trạng “lách luật”, bán nhà "hai giá" đã tái diễn tại dự án khu đô thị Dương Nội của Tập đoàn Nam Cường không chỉ khiến khách hàng đối diện rủi ro mà Nhà nước cũng đứng trước nguy cơ thất thu tiền thuế.

Khu đô thị "ngủ đông" 10 năm chưa “tỉnh giấc”

Tập đoàn Nam Cường từng được biết đến như một “ông lớn” của thị trường bất động sản. Doanh nghiệp này luôn khẳng định thương hiệu và vị thế của mình qua loạt dự án trọng điểm trên quỹ đất khổng lồ, có chất lượng và đội giá lên tới nghìn tỷ đồng.

Có những thời điểm chính vì sở hữu quỹ đất rộng lớn mà Nam Cường là một đối thủ "đáng gờm" trong làng bất động sản. Tuy nhiên, sau khi triển khai các siêu dự án, Tập đoàn Nam Cường lại thực hiện theo kiểu “ôm đất ngủ quên” hàng chục năm khiến dư luận rất bức xúc, tiếc nuối.

Một trong số các dự án đang được Nam Cường “ôm ngủ” phải kể đến khu đô thị Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội). Cụ thể, dự án này được Tập đoàn Nam Cường triển khai khởi công xây dựng từ năm 2008 trên quỹ đất 197ha (đất đối ứng từ dự án đường phía Bắc Hà Đông theo hình thức BT) với quy mô dân số từ 2.5 - 3 vạn người.

Nam Cường rót vốn khoảng 7.600 tỷ đồng vào dự án này với mục tiêu xây dựng nhiều hạng mục như biệt thự liền kề, chung cư cao tầng, công viên, bệnh viện, trường học, khách sạn, trung tâm thương mại, hồ điều hòa…, đặc biệt được phân các khu khác nhau.

Ở thời điểm bàn giao quỹ đất của dự án, cơ quan chức năng áp giá đất với nhà đầu tư khoảng 8,5 triệu đồng/m2. Sau đó, giá đất biến đổi chóng mặt và tăng vọt lên khoảng 30 - 40 triệu đồng/m2, khiến giới bất động sản thêm lần nữa xôn xao bởi Nam Cường “trúng đậm” nhờ bán hàng tốt và hưởng chênh lệch giá đất lớn.

Theo kế hoạch, dự án khu đô thị Dương Nội sẽ hoàn thành toàn bộ vào năm 2015. Thế nhưng đến nay đã 12 năm qua đi, nhiều diện tích đất trên dự án này vẫn chỉ là bãi trống, quây tôn xanh xung quanh để “nuôi” hoa cỏ dại mọc um tùm.

Bên cạnh đó, nhiều biệt thự, nhà liền kề thì xây dựng dở dang theo kiểu nửa đồng, nửa vườn, nửa phố, nửa bỏ hoang…. khiến nhiều người trông chỉ biết tiếc nuối.

Trong khi quỹ đất ở Hà Nội ngày càng bị cạn kiệt thì những bãi đất trống nằm trong KĐT mới Dương Nội bao năm nay khiến nhiều người không khỏi xót xa, thấy lãng phí. Thực tế này cũng phần nào phản ánh được năng lực của chủ đầu tư.

Thu chênh để “lách luật”?

Trong khi đó, hoạt động giao dịch mua bán đất tại dự án này vẫn diễn ra âm thầm với giá trị mỗi lô biệt thự lên tới hàng chục tỉ đồng, cao gấp vài lần giá trước kia.

Theo tìm hiểu, một lô đất biệt thự tại khu đô thị Dương Nội, quận Hà Đông, Tp. Hà Nội của Tập đoàn Nam Cường có giá bán khoảng 13 tỷ đồng nhưng khi khách hàng làm thủ tục mua bán thì số tiền ghi trong hợp đồng chỉ còn 8 tỷ đồng. Số tiền còn lại khách hàng phải nộp trực tiếp cho chủ đầu tư và không có hóa đơn?

 Theo giải thích của các nhân viên sàn giao dịch bất động sản Nam Cường thì đây là cách “lách luật” để giảm thuếcho khách hàng. Nhưng cũng từ hành vi này, số tiền lớn trong giao dịch không được ghi nhận, doanh nghiệp sẽ đút túi số tiền chênh rất lớn, đây cũng được xem là hành vi trốn thuế của doanh nghiệp.

Theo thông tin từ một vài khách hàng có nhu cầu cần mua biệt thự tại khu đô thị Dương Nội, họ cho biết được nhân viên tư vấn của sàn giao dịch bất động sản Nam Cường, có địa chỉ tầng 1, tòa văn phòng Nam Cường, khu đô thị Dương Nội, quận Hà Đông tư vấn tận tình. Nhân viên bán hàng này cho biết, sàn đang phân phối các sản phẩm nhà ở của Tập đoàn Nam Cường. Hiện biệt thự có diện tích 180 m2 đang được bán khoảng 13 -14 tỷ đồng trong đó bao gồm cả tiền xây thô 1,6-1,7 tỷ đồng. Đây là giá bán chính thức của chủ đầu tư.

Nhưng khi thực hiện việc thanh toán sẽ được chia làm hai phần tiền khác nhau. Trên hợp đồng mua bán, giá trị lô biệt thự sẽ ghi 8 tỷ đồng. Việc thanh toán số tiền này được chia thành 6 -7 đợt, mỗi lần đóng 15%, trong thời gian 12 -18 tháng. Phần tiền ngoài còn lại là 5 tỷ đồng, sẽ thanh toán trực tiếp tại văn phòng của chủ đầu tư và không có hóa đơn?!

Một lô đất biệt thự tại khu đô thị Dương Nội của Tập đoàn Nam Cường được bán khoảng 13 tỷ đồng nhưng số tiền ghi trong hợp đồng chỉ ghi 8 tỷ đồng?

Lý giải việc ghi giá hợp đồng thấp hơn thực tế, nhân viên này cho biết, “dự án này đã nộp tiền sử dụng đất từ năm 2009 do vậy chủ đầu tư không muốn dính dáng đến thuế vì hiện giờ thuế đã tăng lên rất nhiều so với thời điểm trước. Hơn nữa, từ trước đến nay, Tập đoàn Nam Cường vẫn thực hiện việc bán hàng và thanh toán theo kiểu này nên chị có thể yên tâm hoàn toàn”.

Tham khảo thêm tại 1 sàn giao dịch không thuộc chủ đầu tư, thực tế khách hàng cũng được nhân viên bán hàng tư vấn cho biết, các lô đất khu đô thị Dương Nội đều ghi giá trên hợp đồng 40 triệu đồng/m2. Còn thực tế toàn bộ khoản tiền chênh, khách đều nộp trực tiếp vào chủ đầu tư và không có hóa đơn hay xác nhận nộp tiền từ chủ đầu tư.

Vậy, số tiền cả chục tỷ đồng chênh lệch giữa hợp đồng và thực tế không được ghi chép vào sổ sách và  nghiễm nhiêm hoàn toàn không có căn cứ tính thuế. Khoản tiền chênh lệch này là doanh thu, thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp, cá nhân bắt buộc phải khai báo để nộp thuế đầy đủ chuyển nhượng bất động sản.

Việc giao dịch bất động sản kiểu “lách luật” này diễn ra khá phổ biến tại các dự án bất động sản. Tuy nhiên, với những dự án chưa chặt chẽ về mặt pháp lý, vô tình đã tạo ra nhiều nguy cơ và hệ lụy khó lường cho khách hàng. Khi dự án xảy ra tranh chấp, nếu khách hàng muốn lấy lại tiền thì sẽ chỉ nhận được khoản tiền ghi trên hợp đồng. Số tiền chênh ngoài sẽ không có đủ căn cứ pháp lý để đòi chủ đầu tư. Bên cạnh đó, việc kê khai giá bán trong hợp đồng thấp hơn giá thực tế sẽ khiến việc nhà nước thất thu thuế rất lớn.

Một điều đáng nói, hơn 10 năm chưa “cán đích” dự án Khu đô thị Dương Nội nhưng đến nay, hàng chục thửa đất tại đây đã bị đem thế chấp ngân hàng.

Năm 2018, thông tin từ phía Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Cường đã thế chấp bằng quyền sử dụng đất các thửa đất số 92, 78, 64, 186, 156, 192, 200, 177, 198, 206, 222, 227, 229, 234, 244, 242, 217, 174, 138, 120, 246, 245, 150, 54, 71, 254, 164 tại KĐTM Dương Nội (khu A) phường Dương Nội, quận Hà Đông.

Tới ngày 18/6/2019, Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có văn bản cho biết, Công ty CP Tập đoàn Nam Cường lại tiếp tục thế chấp 2 thửa đất số 33 và 39 cho Ngân hàng TMCP Quân Đội. Hai thửa đất này nằm tại Khu B của Khu đô thị với tổng diện tích gần 9.000m2. Các ô đất này đều có mục đích để Đầu tư xây dựng các ô Nhà viên Khu đô thị mới (đất ở đô thị).

Theo Luật sư Vi Văn Diện – Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh (Đoàn Luật sư Hà Nội): Việc chủ đầu tư mang dự án đi thế chấp ở ngân hàng chính có thể sẽ dẫn đến việc chậm bàn giao giấy chứng nhận cho cư dân. Trên thực tế điều này đã từng xảy ra rất nhiều, một ví dụ điển hình như dự án Chung cư Westa Hà Đông của chủ đầu tư Công ty CP Coma 18, khiến người dân ở đã 5 năm mà chưa có sổ hồng do Chủ đầu tư cầm cố Dự án từ trước khi bán cho khách hàng. Vì thế, trước khi mua, người mua cần tự tìm hiểu kỹ về dự án và năng lực, uy tín của chủ đầu tư. Còn chưa kể nếu trong trường hợp doanh nghiệp thua lỗ phá sản thì thiệt hại rất lớn cho người dân.

Nếu trong trường hợp, doanh nghiệp mang sổ đỏ đi cầm cố ngân hàng, mà lại tiếp tục bán cho khách hàng. Khi đó, người mua nhà bỗng dưng bỏ tiền ra để mua nhưng lại chỉ là người đi ở nhờ nhà của ngân hàng.

Theo khoản 5 Điều 108 Luật Quản lý thuế quy định hành vi trốn thuế là “Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn”. Các bên ký nhiều hợp đồng (hợp đồng đặt cọc, hợp đồng chuyển nhượng, văn bản thỏa thuận…) mua bán tài sản với số tiền khác nhau, sau đó sử dụng hợp đồng giá thấp để khai thuế được xác định là những tài liệu không hợp pháp.

Người nộp thuế có nghĩa vụ: khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng thời hạn, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế; cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế… Khi cơ quan nhà nước có cơ sở xác định hợp đồng mà người nộp thuế kê khai sai giá chuyển nhượng thực thì hợp đồng đó là không hợp pháp.

Khi công an điều tra có chứng cứ chứng minh giá trị hợp đồng không đúng, các bên cố tình khai gian thì cá nhân, doanh nghiệp sẽ bị xử lý tội trốn thuế theo quy định pháp luật.

 PV T/H