Tàu New Horizons của NASA bay xa hơn 7,5 tỷ km từ Trái Đất

10:37, 20/04/2021

Sau 15 năm, khi được phóng từ Trái Đất ở tốc độ kỷ lục, tàu New Horizons sắp đạt cột mốc mới về quãng đường bay mà chỉ có 4 tàu thăm dò khác từng vượt qua.

Vào 8h42 ngày 18/4 theo giờ Hà Nội, tàu New Horizons sẽ bay cách Mặt Trời 50 đơn vị thiên văn (AU), tức gấp 50 lần khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trời (7,5 tỷ km). Ở khoảng cách này, tín hiệu truyền từ con tàu sẽ mất hơn 6,5 giờ để truyền tới Trái Đất nếu di chuyển ở vận tốc ánh sáng.

Mô phỏng tàu New Horizons bay trong vũ trụ. Ảnh: NASA.

New Horizons là tàu vũ trụ bay xa thứ 5 tính từ Trái Đất. Tàu Pioneer 10 phóng vào năm 1972 là tàu vũ thăm dò đầu tiên vượt qua vành đai tiểu hành tinh và bay qua sao Mộc, đạt khoảng cách 50 AU vào ngày 22/9/1990. Hiện nay, con tàu đang ở cách Trái Đất khoảng 129 AU. Mẫu tàu đàn em của nó là Pioneer 11 đạt mốc 50 AU một năm sau, năm 1991. Con tàu phóng vào năm 1973. Ngoài bay qua sao Mộc, đây là tàu thăm dò đầu tiên quan sát trực tiếp sao Thổ. Hiện phương tiện đã bay cách hành tinh của chúng ta 105 AU.

NASA phóng tàu Voyager 1 vào ngày 5/9/1977, 16 ngày sau khi phóng phiên bản song sinh của nó là tàu Voyager 2. Voyager 1 nghiên cứu sao Mộc và sao Thổ, trong khi Voyager 2 thăm dò sao Thiên Vương và sao Hải Vương. Hiện nay, Voyager 1 và Voyager 2 đang ở cách Trái Đất lần lượt là 152 và 127 AU. Khác với Pioneer 10 và Pioneer 11 đã ngừng hoạt động cách đây vài năm, bộ đôi tàu Voyager vẫn còn tồn tại. Ở thời điểm hiện tại, các tàu Pioneer và Voyager đều không ở gần New Horizons. Tàu thăm dò gần nó nhất là tàu vũ trụ Juno của NASA.

Để làm nổi bật quãng đường Voyager 1 đã bay qua, NASA chĩa camera của con tàu về phía vành trong hệ Mặt Trời khi nó ở cách Trái Đất xấp xỉ 40,11 AU. Kết quả là bức ảnh mang tên "Chân dung gia đình", ghi hình 6 hành tinh gồm sao Kim, Trái Đất, sao Mộc, sao Thổ, sao Hải Vương và sao Thiên Vương. Tuy nhiên, với khoảng cách 50 AU tính từ Mặt Trời, tàu New Horizons không thể làm như vậy.

"Thuật toán cho thấy hoạt động đó sẽ làm cháy camera bởi chúng tôi chĩa về phía Mặt Trời", Alan Stern, nhà nghiên cứu chính của dự án New Horizons ở Viện Nghiên cứu Southwest tại Boulder, Colorado cho biết. "Ngay cả với khoảng cách lớn như vậy, Mặt Trời vẫn quá sáng đối với máy chụp phạm vi dài, vốn được hiệu chỉnh để phù hợp với ánh sáng mờ từ sao Diêm Vương. Vì vậy, chúng tôi sẽ không làm thế cho tới khi vượt qua vành đai Kuiper sau nhiều năm nữa". Thay vào đó, Stern và cộng sự hướng New Horizons và phía tàu Voyager 1, đánh dấu lần đầu tiên một tàu vũ trụ trong vành đai Kuiper chụp hình vị trí con tàu khác ở xa hơn đang di chuyển trong không gian liên sao.

Mốc 50 AU có nghĩa tàu New Horizons đã vượt qua tuổi thọ dự kiến theo thiết kế. New Horizons bay qua sao Diêm Vương, gửi về ảnh chụp cận cảnh của hành tinh này cùng với các Mặt Trăng của nó vào tháng 7/2015, khi con tàu cách Mặt Trời 39,2 AU. Các nhà nghiên cứu hy vọng có thể tìm ra mục tiêu khác trước khi tàu New Horizons cạn nhiên liệu. Dù lấy điện từ pin hạt nhân, nguồn cung cấp điện từ plutonium của con tàu sản sinh ít hơn 33 watt sau mỗi thập kỷ. Tính đến cuối thập niên 2030, khi New Horizons bay cách Mặt Trời gần 100 AU, nó có thể còn quá ít nhiên liệu để vận hành.

Phương Linh (T/h)