Tàu ngầm không người lái mới nhất của Nga

09:02, 30/08/2021

Nhiệm vụ chính là nghiên cứu thủy văn, địa hình đáy biển, đo độ dày của băng, độ mặn, nhiệt độ, áp suất nước và các chức năng cần thiết khác, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí.

Các nhà khoa học Nga đã phát triển tàu ngầm không người lái ANPA-M cho Hải quân Nga, đại diện nhà sản xuất Alexey Blinkov cho biết.

Phát biểu tại diễn đàn Army-2021, ông Blinkov cho biết, nhiệm vụ chính của tàu ngầm không người lái này là nghiên cứu thủy văn, địa hình đáy biển, đo độ dày của băng, độ mặn, nhiệt độ, áp suất nước và các chức năng cần thiết khác, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí. Các mô đun có thể lắp thêm hoặc giảm bớt, thêm ngăn chứa pin để tăng thời gian hoạt động.

Ông cũng nói thêm, chính những công nghệ mới này đã làm Tổng tư lệnh Hải quân quan tâm, và báo cáo với Bộ trưởng Quốc phòng Liên bang Nga.

Nga giới thiệu tàu ngầm không người lái hoạt động theo nhóm tại diễn đàn Army-2021.

Blinkov giải thích rằng thời gian hoạt động của thiết bị là hai giờ, nhưng với ngăn chứa pin bổ sung, có thể được tăng lên. ANPA-M thuộc loại thiết bị di động nhỏ gọn, nặng chưa đến 10 kg, di chuyển với tốc độ 2,5 hải lý / giờ và lặn ở độ sâu 50 mét.

Thiết bị mới có thể hoạt động trong một nhóm các hệ thống tương tự, dựa trên nền tảng robot hàng hải.

Cũng tại Army-2021, Nga đã giới thiệu tổ hợp không người lái dưới nước mới nhất dùng để phá mìn.

Theo ông Maxim Umansky, Giám đốc dự án nhà máy đóng tàu Sredne-Nevsky (SNSZ), tổ hợp, bao gồm một robot dưới nước để tìm kiếm thêm mìn và một số thiết bị phá mìn nhỏ dùng một lần, được đặt tên là Yantar.

Ông Umansky giải thích thiết bị quét có thể phân loại rõ ràng tới 85% các vật thể được cho là giống mìn. Để phân loại lại và nếu cần, tiêu hủy 15% còn lại, các tàu ngầm không người lái mới sẽ được sử dụng. Sau khi cả tổ hợp thiết bị đi qua và lùi về khoảng cách an toàn, chúng sẽ được thả theo hướng ngược lại.

Tổ hợp chính được trang bị một camera và ba hệ thống định vị. Ngoài thiết bị phá mìn, còn có một chiếc máy cắt mìn (dây cáp gắn mìn vào neo giữ chúng ở một chỗ).

"antar di chuyển với tốc độ lên đến 6 hải lý / giờ và khởi hành từ tàu ở khoảng cách 1,5 km, có thể hoạt động ở độ sâu 300 mét. Hệ thống được điều khiển từ xa, trên mỗi tàu quét mìn sẽ có vài hệ thống, tải trọng lên đến 14 kg.

Nếu thiết bị đến một điểm nhất định và nhận thấy trên thực tế không có mìn hay thủy lôi phía trước, nó có thể được đưa về trạng thái chờ và kéo trở lại tàu quét mìn bằng dây cáp.

Hệ thống Yantar có thể được trang bị trên các tàu mới Dự án 12700 Alexandrite, sẽ được đóng theo hợp đồng với Bộ Quốc phòng, và cả trên những tàu đã hoàn thành và tiếp nhận vào hạm đội.

"Giai đoạn thử nghiệm cuối cùng diễn ra vào tháng 9, sau đó, chúng tôi hy vọng Hải quân sẽ ký hợp đồng sản xuất hàng loạt các phương tiện dưới nước này", ông Umansky nói.

Khôi Nguyên (T/h)