Tây Ninh đầu tư 35 tỷ đồng lắp đặt camera giám sát ANTT trên địa bàn tỉnh

07:56, 04/09/2020

Thực hiện “Đề án trang bị hệ thống camera giám sát an ninh trật tự tập trung tỉnh Tây Ninh” vừa được thông qua, UBND tỉnh sẽ đầu tư 369 camera giám sát an ninh trật tự trên địa bàn.

Được thực hiện từ năm 2020 đến 2022, Đề án trang bị hệ thống camera giám sát an ninh trật tự tập trung tỉnh Tây Ninh mới ban hành, sẽ được triển khai ở các huyện, thị xã, thành phố và được quản lý, vận hành, lưu trữ tại Trung tâm giám sát điều hành kinh tế xã hội tập trung tỉnh thuộc Sở TT&TT.

Các vị trí lắp đặt camera được quy hoạch theo Quyết định 2932 của UBND tỉnh Tây Ninh về quy định đầu tư, quản lý và phối hợp sử dụng, vận hành hệ thống CNTT và camera giám sát phục vụ phát triển dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh, không trùng với những vị trí các ngành khác trang bị.

Đề án hướng tới mục tiêu trang bị hệ thống camera (camera giám sát, camera quan sát) và lắp đặt hệ thống kỹ thuật giám sát hình tại các khu vực của Tây Ninh.

Theo đó, hệ thống camera sẽ giám sát, quan sát an ninh trật tự tại các điểm thường xuyên xảy ra vi phạm an ninh trật tự, khu vực công cộng… Đồng thời, giám sát, quan sát giao thông, an ninh tại các điểm nút, tuyến giao thông trọng điểm, những tuyến đường cửa ngõ ra vào tỉnh, nơi dễ xảy ra va quẹt, tai nạn giao thông, điểm đen về tội phạm.

Hệ thống camera tại ngã ba đường 30.4 và Hoàng Lê Kha, thành phố Tây Ninh.

Hệ thống camera giám sát an ninh trật tự tập trung tỉnh Tây Ninh được trang bị sẽ có khả năng đảm bảo: Giám sát thời gian thực tình hình an ninh, trật tự, giao thông công cộng tại các vị trí lắp đặt; Lưu trữ dữ liệu hình ảnh phục vụ tra cứu, đối soát; Thống kê lưu lượng, thống kê vi phạm phục vụ công tác quản lý, điều hành, quy hoạch chung; Tăng cường an ninh thông qua các công nghệ thông minh như nhận diện biển số xe, nhận diện khuôn mặt, đo đếm lưu lượng phương tiện lưu thông…

UBND tỉnh Tây Ninh cũng cho biết thêm, 116 vị trí được chọn để lắp đặt 369 camera (gồm 334 camera an ninh, 30 camera nhận diện biển số xe và 5 camera nhận diện khuôn mặt) đã được Công an tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố thống nhất, đảm bảo phát huy hiệu quả và mục tiêu chính là phục vụ cộng đồng.

Cụ thể, trong 116 vị trí được chọn lắp camera giám sát, sẽ có 72 điểm lắp camera an ninh tại các huyện, thành phố của Tây Ninh; 9 điểm lắp camera quan sát chất lượng cao tại các trạm anten viễn thông; 7 điểm lắp camera quan sát chất lượng cao tại cửa ngõ ra vào tỉnh; 16 điểm lắp camera quan sát đường dẫn vào những bãi khai thác cát trong Hồ Dầu Tiếng; 1 điểm lắp camera quan sát dẫn đường vào Cửa khẩu Xa Mát; 1 điểm lắp camera giám sát an ninh khu vực nhà ga cáp treo đỉnh Núi Bà; 2 điểm lắp camera nhận diện khuôn mặt tại cổng chính và cổng phụ khu du lịch Núi Bà; và 8 điểm lắp camera giám sát an ninh sử dụng đường truyền cáp quang tốc độ cao cho các camera PTZ.

Theo tìm hiểu được biết, tổng kinh phí đầu tư cho đề án này hơn 35 tỷ đồng.

UBND tỉnh Tây Ninh giao Sở TT&TT triển khai thủ tục thực hiện dự án theo Nghị định 40/2020/NĐ-CP và Nghị định 73/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và các quy định liên quan khác về đầu thầu.

Sở TT&TT Tây Ninh được giao chủ trì, thực hiện chức năng là cơ quan đầu tư, triển khai những giải pháp quản lý, vận hành hệ thống và phát huy hiệu quả hệ thống sau khi đưa vào sử dụng.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Tây Ninh, Đề án trang bị hệ thống camera giám sát an ninh trật tự tập trung của tỉnh được triển khai thành công sẽ đẩy nhanh tốc độ ứng dụng CNTT vào công tác quản lý, hoàn thiện hệ thống camera phục vụ các yêu cầu về giám sát an toàn giao thông, an ninh trật tự.

Đồng thời, tạo nền tảng hạ tầng đủ mạnh đáp ứng cho các dịch vụ cũng như ứng dụng CNTT của tỉnh Tây Ninh, ướng tới phát triển đô thị thông minh bền vững. Qua đó, từng bước hoàn thiện chức năng giám sát, tổng hợp từ các dữ liệu cảm biến thu thập được.

Đề án được triển khai góp phần đẩy nhanh tốc độ ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, hoàn thiện hệ thống camera phục vụ các yêu cầu về giám sát an toàn giao thông, an ninh trật tự, từng bước hoàn thiện các chức năng giám sát, tổng hợp từ các dữ liệu cảm biến thu thập được, đảm bảo giám sát, điều hành thông suốt giữa chính quyền với người dân, hướng đến hình thành công dân điện tử, chính quyền điện tử, đô thị thông minh.

Minh Thùy (T/h)