Thanh Hóa: Ứng dụng khoa học công nghệ thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính

22:08, 08/11/2021

Cải cách hành chính để đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở Thanh Hóa.

Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa

Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa

Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch hành động thực hiện hiệu quả khâu đột phá về đẩy mạnh CCHC, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn giai đoạn 2021-2030 của Tỉnh ủy Thanh Hóa đề ra, một trong những mục tiêu trong giai đoạn tới của tỉnh Thanh Hoá là phấn đấu đến 2025 các chỉ số về CCHC (PARINDER), chỉ số hài lòng (SIPAS), chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI), chỉ số quản trị hành chính công (PAPI) của tỉnh đứng trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.

Nhìn lại quá trình chỉ đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị và cơ sở thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ mới vào CCHC, những năm qua tỉnh Thanh Hóa đã thu được những kết quả tương đối khả quan. Sau gần 5 năm thực hiện chấm điểm chỉ số SIPAS, năm 2020, Thanh Hóa vượt qua nhiều tỉnh, thành phố và "về đích" ở vị trí 13/63 trên bảng xếp hạng của cả nước. Sự thay đổi đáng phấn khởi này đã phản ánh sự nỗ lực và bứt phá của Thanh Hóa trong xây dựng nền hành chính công, lấy sự hài lòng của người dân là trung tâm phục vụ.

 Thanh Hóa: Ứng dụng khoa học công nghệ thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính ảnh 1

Công dân đến giải quyết TTHC tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa

Giai đoạn 2017-2019, chỉ số PARINDEX của tỉnh Thanh Hóa tụt giảm đáng kể, luôn xếp ở nhóm cuối của cả nước 61/63 (năm 2017), xếp thứ 57/63 (năm 2018) và thứ 43/63 (năm 2019). Chính sự "tụt dốc" này đã thôi thúc lãnh đạo Tỉnh hành động quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành về CCHC. Đặc biệt tập trung cao hơn nữa nguồn nhân lực của cả hệ thống chính trị thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong CCHC.

Vì thế, năm 2020 các lĩnh vực đều có sự cải thiện vượt bậc so với năm 2019. Trong đó, lĩnh vực hiện đại hóa hành chính được 13,71/15 điểm. Trong hiện đại hóa nền hành chính, các phần mềm ứng dụng CNTT đóng vai trò trụ cột của chính quyền điện tử đã được đầu tư xây dựng. Trục tích hợp liên thông văn bản LGSP của Thanh Hóa đã kết nối, liên thông với hệ thống quốc gia, phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp từ TƯ đến cấp xã, phường.

Thanh Hóa cũng là địa phương nằm trong tốp đầu của cả nước triển khai hiệu quả việc xử lý văn bản trên môi trường điện tử và chữ ký số, mỗi năm tiết kiệm gần 63 tỉ đồng chi phí hành chính của các cơ quan nhà nước.

Mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới xây dựng chính quyền số có bước đột phá quan trọng khi cán bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã, phường, thị trấn đã thay đổi nhận thức, thay đổi phương thức , lề lối, thói quen làm việc từ hành chính, giấy tờ sang chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc hoàn toàn trên môi trường điện tử.

Thanh Hóa cũng là tỉnh có hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến thuộc diện lớn nhất trong cả nước với 348 điểm cầu tại các sở, ban, ngành, huyện, thị, thành, xã, phường, thị trấn góp phần triển khai nhiệm vụ nhanh chóng, kịp thời, tiết kiệm chi phí cho các cuộc họp và rất phù hợp trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid -19.

Việc ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp cũng được Thanh Hóa thúc đẩy mạnh mẽ. Cổng dịch vụ công, hệ thống "một cửa" điện tử cấp tỉnh, huyện, xã, phường, thị trấn đã công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Thanh Hóa là 1 trong 8 Bộ, ngành, địa phương đầu tiên của cả nước kết nối, tích hợp Cổng dịch vụ công của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia, hiện đang cung cấp 2.079 TTHC trong đó có 831 TTHC cấp độ 3 và 4, phục vụ người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ mọi lúc mọi nơi, tiết kiệm thời gian và công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC.

Khi chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, Thanh Hóa đã đã bắt nhịp, hòa mình cùng sự chuyển đổi tích cực ấy. Dù không phải là địa phương đi tiên phong, nhưng Thanh Hóa xác định sẽ làm và phải làm thành công...

Hướng tới nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước

Trở lại với chương trình đã định cho giai đoạn 2021-2030, trên nền tảng của những kết quả đã đạt được, Thanh Hóa tự đặt ra cho mình mục tiêu phấn đấu đứng trong nhóm 10 tỉnh dẫn đầu cả nước về CCHC.

Để thực hiện thành công nhiệm vụ này, các mục tiêu cụ thể khác được đề ra ở mức cao, đó là duy trì tỷ lệ giải quyết TTHC đúng hạn từ 98% trở lên; 100% hồ sơ TTHC đủ điều kiện được giải quyết trực tuyến mức độ 3, 4 và được số hóa kết quả giải quyết; mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp, tổ chức về giải quyết TTHC đạt tối thiểu 95%. Ít nhất 90% hồ sơ giải quyết TTHC được luân chuyển trong nội bộ giữa các cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc các cơ quan có liên quan được thực hiện bằng phương thức điện tử; tối thiểu 80% TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính, được triển khai thanh toán trực tuyến; 80% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công TTHC trước đó...

Để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu trên, Thanh Hóa đề ra 7 nhóm nhiệm vụ về: Cải cách thể chế; Cải cách TTHC; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; Cải cách chế độ công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; Cải cách tài chính công; Xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số; Xây dựng văn hóa, hỗ trợ, đồng hành cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Cùng với đó là 6 nhóm giải pháp về tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành việc triển khai thực hiện CCHC bao gồm: Thúc đẩy công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp và xã hội; Bố trí đủ nguồn tài chính và nhân lực cho CCHC; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với tạo động lực cải cách trong đội ngũ cán bộ, công chức viên chức; Đổi mới phương pháp theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện CCHC: Đo lường sự hài lòng của người dân; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ.

 Thanh Hóa: Ứng dụng khoa học công nghệ thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính ảnh 2

Trung tâm điều hành TP Sầm Sơn là kết quả trong việc thực hiện đề án "chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ TP thông minh trên địa bàn Thanh Hóa.

Có thể thấy, các mục tiêu cụ thể, các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã bám sát tình hình thực tiễn và có sự dự báo về thuận lợi, thách thức của Thanh Hóa trong giai đoạn tới, bảo đảm các yếu tố khoa học, khách quan, hiệu quả.

Điểm nhấn nổi bật của hành động đó là đẩy mạnh CCHC theo hướng toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách, hiện đại hóa, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy cơ quan hành chính Nhà nước từ tỉnh đến cơ sở.

Điểm mấu chốt của CCHC vẫn là yếu tố con người, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ trình độ, năng lực, chuyên nghiệp, có tinh thần trách nhiệm, tận tâm, tận lực, hết lòng phục vụ vì sự nghiệp chung của Thanh Hóa.

Đồng thời, với mục tiêu xuyên suốt là lấy sự hài lòng của tổ chức, người dân là trung tâm phục vụ, tạo mọi điều kiện thuận lợi, giảm thiểu chi phí về thời gian, kinh phí của người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC, nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, bình đẳng, minh bạch, thông thoáng, hấp dẫn để huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển...

Có thể nói, những năm gần đây, nhất là từ đầu năm 2021 đến nay, mặc dù cả đất nước nói chung và Thanh Hóa nói riêng phải "gồng mình" phòng, chống dịch Covid-19, nhưng nhờ việc đầu tư và ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ trong CCHC mà công tác chỉ đạo sản xuất kinh doanh, phòng chống dịch bệnh ở địa phương đã đạt được hiệu quả thiết thực...

Theo/viettimes.vn