Thẻ căn cước công dân gắn chíp: Xu hướng của thế giới?

16:30, 28/02/2021

Thẻ căn cước công dân gắn chip là một xu thế mà nhiều nước trên thế giới áp dụng vì tính tiện dụng cũng như tạo sự thuận lợi cho công dân. Hai hình thức định danh số phổ biến nhất hiện là định danh thông qua căn cước điện tử và định danh thông qua thiết bị di động. Mỗi cách đều có những ưu, nhược điểm riêng và một số quốc gia áp dụng nhiều phương thức cùng lúc.

Các nước định danh số công dân thế nào?

Công dân nhiều nơi trên thế giới được định danh số bằng chip điện tử gắn trên thẻ căn cước, mã QR trên smartphone hoặc thẻ sim. Trong số đó, e-ID (thẻ căn cước điện tử) là hình thức định danh số công dân phổ biến trên thế giới.

Năm 2002, Estonia tiên phong trong việc gắn chip mã hoá vào thẻ căn cước công dân. Ngoài thông tin cá nhân được lưu trữ, e-ID còn được dùng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như bảo hiểm y tế, thanh toán điện tử, ký kết hợp đồng, mã khoá điện tử, mua tàu điện và thậm chí là bỏ phiếu. Thông qua thẻ căn cước điện tử, chính quyền Estonia có thể cung cấp 600 dịch vụ điện tử công và 2.400 dịch vụ điện tử cho doanh nghiệp.

Tới năm 2007, Estonia ra mắt Mobile-ID - tiện tích mở rộng của căn cước điện tử, cho phép định danh, xác thực giao dịch trực tuyến... trên điện thoại mà không cần đầu đọc thẻ. Hệ thống hoạt động dựa trên thẻ sim đặc biệt do nhà mạng cung cấp. Các mã khoá cá nhân được lưu trên sim cùng một ứng dụng có chức năng xác thực và chữ ký số. Mobile-ID tiện lợi vì dùng được trên cả điện thoại, máy tính bảng, máy tính, tương thích với điện thoại phổ thông lẫn smartphone.

Sau Estonia, hàng loạt quốc gia châu Âu cũng định danh số công dân bằng căn cước điện tử. Ở châu Á, nhiều nước như Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc... cũng sớm phát hành thẻ căn cước điện tử với cách thức hoạt động tương tự.

Đơn cử như tại Trung Quốc, song song với thẻ căn cước điện tử, năm 2018, Chính phủ nước này đã hợp tác với nền tảng ví điện tử Alipay để thí điểm cấp thẻ căn cước số và mã QR tại một số thành phố lớn của tỉnh Chiết Giang, sau đó mở rộng ra nhiều nơi khác. Bằng cách quét mã QR trên điện thoại, người dân có thể đặt phòng, mua vé tàu, sử dụng các dịch vụ công mà không cần mang theo thẻ căn cước cứng hoặc ví tiền. Theo Xinhua, dù mất điện thoại, người dân cũng ít khả năng bị lộ thông tin cá nhân vì các thao tác như mở ứng dụng Alipay hoặc quét mã QR đều yêu cầu trải qua bước quét vân tay hoặc nhận diện khuôn mặt.

Để kích hoạt mã QR, người dân cần tới trụ sở công an địa phương, quét nhận diện khuôn mặt để nhận căn cước số và mã QR vào tài khoản AliPay trên điện thoại. Định danh công dân qua thiết bị di động được đánh giá hoạt động khá hiệu quả ở Trung Quốc. Mỗi người muốn sử dụng các dịch vụ, ứng dụng Internet phổ biến đều cần một số điện thoại để kích hoạt. Từ số điện thoại này, cơ quan quản lý có thể tra cứu và kiểm soát nhiều thông tin quan trọng của người dùng, từ tài khoản mạng xã hội cho đến ví điện tử...

Lợi ích của thẻ căn cước điện tử là chính quyền dễ dàng tra cứu, định danh công dân và triển khai các dịch vụ số. Người dân có thể nhanh chóng tiếp cận tiện ích xã hội, từ y tế đến giáo dục, giảm đáng kể thủ tục giấy tờ truyền thống.

Tuy nhiên, căn cước điện tử chưa thực sự phổ biến trên toàn cầu do cần đầu tư nhiều về cơ sở hạ tầng và nền tảng công nghệ. Định danh điện tử cũng kéo theo những vấn đề khác về lưu trữ, bảo mật cũng như phát triển hệ sinh thái ứng dụng đi kèm.

Bên cạnh đó, rủi ro lớn nhất là vấn đề bảo mật, vì người dùng phải tự bảo vệ dữ liệu trên điện thoại của mình. Nguy cơ từ những ứng dụng, phần mềm lừa đảo trên smartphone ngày càng nhiều.

Thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử hỗ trợ chuyển đổi số quốc gia

Tại Việt Nam, Chủ trương đầu tư dự án sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân gắn chip đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào đầu tháng 09/2020 tại Quyết định 1368/QĐ-TTg. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Công an quyết định mẫu, chất liệu thẻ căn cước công dân có gắn chip điện tử theo thẩm quyền, trong đó cần áp dụng công nghệ tiên tiến, bảo đảm an ninh, an toàn, có khả năng tích hợp triển khai thuận lợi các giao dịch điện tử, tiết kiệm chi phí cho người dân và xã hội. Đồng thời, hỗ trợ và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, hướng đến xây dựng Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Từ tiền đề cơ sở pháp lý này, Bộ Công an đưa ra dự kiến sẽ cấp Căn cước công dân gắn chip từ tháng 11/2020. Tuy nhiên, sau đó Bộ này chốt lại là sẽ cấp từ ngày 01/01/2021, lùi lại 02 tháng so với dự kiến trước đó, do cần nhiều thời gian để đầu tư máy móc, thiết bị mới và đợi các văn bản hướng dẫn cụ thể.

Dự kiến, đến ngày 1/7/2021, khoảng 50 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử sẽ được cấp cho người dân. Thẻ căn cước công dân gắn chip về cơ bản cũng giống như thẻ căn cước công dân mã vạch. Tuy nhiên, trên thẻ công dân sẽ không có các dòng trạng thái thể hiện mã vạch và nó sẽ thay thế bằng chíp có mức độ bảo mật cao, các thông tin định danh của công dân được lưu trên chip không thể thay đổi. Con chíp được sử dụng trên thẻ căn cước công dân có dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm có thể bổ sung các thông tin của các ngành, lĩnh vực khác.

Dự kiến trong tương lai, ngoài dữ liệu do ngành công an đang quản lý gồm có 20 trường thông tin về họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, quê quán, dân tộc, quốc tịch, nơi thường trú,... có thể bổ sung tích hợp thêm các dữ liệu của các ngành như ngành thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, GPLX...vào thẻ căn cước công dân có gắn chip.

Đặc biệt, loại thẻ căn cước công dân có gắn chip sẽ lưu trữ những đặc điểm nhận dạng bằng hình ảnh, vân tay, và sinh trắc học. Đó chính là những dữ liệu mà thẻ căn cước công dân mã vạch không lưu được.

Thẻ căn cước công dân mẫu mới.

Đặc biệt hơn, độ bảo mật của chip điện tử sẽ được thiết kế chống làm giả và chống cài đặt trái phép. Khi thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử có tích hợp được đầy đủ các thông tin, lúc đó người dân khi đi giao dịch và làm các thủ tục sẽ không phải xuất trình nhiều loại giấy tờ khác mà chỉ cần dùng thẻ căn cước công dân gắn chip thì sẽ thực hiện các giao dịch.

Theo phân tích của Bộ Công an, việc tích hợp chip điện tử trên thẻ căn cước công dân cũng đem lại tính linh hoạt khi cần bổ sung hoặc sửa đổi thông tin trên thẻ sau khi phát hành bởi cơ quan Công an. Dữ liệu trên chip có thể được truy cập ngay lập tức mà không bị phụ thuộc vào kết nối mạng thông qua các thiết bị cho phép đọc thông tin trên chip. Vì thế, sẽ giúp cho việc xác thực danh tính được thực hiện ngay, hạn chế tối đa việc giả mạo danh tính.

Hiện chưa có mô hình định danh số công dân nào hoàn hảo, có thể áp dụng cho mọi quốc gia. Mỗi nước, tuỳ vào đặc thù riêng về mặt bằng dân số, cơ sở hạ tầng, điều kiện kinh tế sẽ lựa chọn những hình thức phù hợp.

Theo Economist, việc định danh số công dân cần dựa trên ba phương diện: sự sẵn sàng của nền tảng số bao gồm cơ sở hạ tầng, hệ sinh thái ứng dụng, cũng như những vấn đề về bảo mật, an toàn thông tin; sự phối hợp liên ngành và hợp tác trong khu vực công - tư và quan trọng nhất là sự tham gia của người dân.

Thành Nam