Thu hút, trọng dụng nhân tài hoạt động khoa học và công nghệ

08:24, 05/01/2021

Bộ Khoa học và Công nghệ đang dự thảo Thông tư hướng dẫn một số nội dung về thu hút, sử dụng và trọng dụng nhân tài để lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định.

Theo đó, dự thảo Thông tư nhằm Hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 27/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ và Nghị định số 87/2014/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam (sau đây gọi tắt là Nghị định số 27/2020/NĐ-CP), gồm:

Bài báo khoa học đã được công bố trên tạp chí khoa học uy tín trong nước và quốc tế; báo cáo khoa học tại hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế được in trong kỷ yếu hội thảo đã được xuất bản; sách chuyên khảo đã được xuất bản theo quy định của pháp luật. Yêu cầu về bài báo khoa học và  sách chuyên khảo thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư số 01/2020/TT-BKHCN ngày 20/01/2020 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV ngày 01/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khoa học và công nghệ.

Giải thưởng khoa học và công nghệ trong nước, quốc tế được xác định theo quy định tại Nghị định số 78/2014/NĐ-CP ngày 30/7/2014 của Chính phủ về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ, Nghị định số 60/2019/NĐ-CP ngày 05/7/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2014/NĐ-CP ngày 30/7/2014 của Chính phủ về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Bên cạnh đó, cá nhân đạt giải thưởng khoa học và công nghệ trong nước, quốc tế, cá nhân có sáng chế, giải pháp hữu ích, có giống cây trồng đã được cấp văn bằng bảo hộ hoặc đã được ứng dụng có hiệu quả trong thực tiễn, cũng nằm trong tiêu chí này.

Ngoài ra, thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh và được nghiệm thu ở mức đạt trở lên, thực hiện dự án, công trình, đồ án thuộc chuyên ngành kỹ thuật, kinh tế-kỹ thuật.

Những cá nhân này sẽ được xét tiếp nhận vào viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động khoa học và công nghệ, được hưởng 100% mức lương của chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ tương ứng với vị trí việc làm được tuyển dụng. Đặc biệt sẽ được nâng lương vượt bậc nếu có thành tích như chủ trì nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia được nghiệm thu và ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, được tặng danh hiệu anh hùng lao động...

Đồng thời, xét đặc cách bổ nhiệm vào hạng chức danh khoa học, chức danh công nghệ cao hơn không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc năm công tác nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm liền kề thời điểm xét và không trong thời gian thi hành kỷ luật hoặc không trong thời gian chờ kết luận về việc xem xét kỷ luật của cơ quan có thẩm quyền.

Những ưu đãi sẽ giúp người hoạt động khoa học công nghệ có điều kiện phát huy tài năng.

Trao đổi với PV báo Thanh niên, PGS-TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Công nghệ sinh học, Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, nhìn nhận nếu thực hiện theo dự thảo thì những nhân tài đang hoạt động khoa học công nghệ sẽ được tạo điều kiện làm việc trong một môi trường thuận lợi để phát huy tối đa tài năng cũng như sự cống hiến của mình.

“Bản thân tôi và một số thầy ở Trường ĐH Quốc tế TP.HCM được mời theo cơ chế vị trí công việc, trả lương và phụ cấp thỏa đáng, được ĐH Quốc gia TP.HCM ưu tiên đầu tư phòng thí nghiệm để nghiên cứu theo định hướng nghiên cứu của mình... Hiện nay các trường thành viên trong ĐH Quốc gia cũng đang bước vào thực hiện như Bách Khoa, Kinh tế - luật, Công nghệ thông tin… nhằm thu hút các cá nhân có năng lực trong hoạt động khoa học công nghệ về làm việc”, PGS-TS. Thuận chia sẻ.

Tiến sĩ Nguyễn Trần Hải (Viện Nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng tại TP.HCM, Trường ĐH Duy Tân) cũng cho rằng những chế độ, chính sách thu hút, sử dụng và trọng dụng như trên sẽ khuyến khích, động viên, thúc đẩy những tài năng khoa học công nghệ, giúp họ an tâm cống hiến.

"Tuy nhiên, theo tôi cần đưa vào thêm một tiêu chí nữa, đó là những cá nhân có đóng góp cho cộng đồng khoa học thông qua vai trò nhà bình duyệt cho các tập san uy tín trong nước và quốc tế. Đồng thời, có cơ chế đãi ngộ khác như chính sách hỗ trợ nhà ở, giảm giờ giảng dạy (hoặc cho phép bù đắp hoàn toàn bằng các công trình khoa học quốc tế uy tín) đối với những người đang là giảng viên ở trường ĐH khi xem xét PGS hoặc GS. Bên cạnh đó, giảm thuế thu nhập cá nhân khi thực hiện các đề tài/dự án có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, tạo điều kiện tham gia vào thành viên hội đồng khoa học các cấp như Hội đồng khoa học của quỹ Nafosted, địa phương...", tiến sĩ Hải nhìn nhận.

Minh Thùy (T/h)