Thủ tướng yêu cầu phải sử dụng CNTT, họp từ xa để chống dịch bệnh COVID-19

13:58, 10/03/2020

Thủ tướng vừa kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19, bế mạc vào gần 13h chiều nay, 9/3.

Sau khi nghe ý kiến từ Ban Chỉ đạo quốc gia và các bộ, ngành liên quan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định cuộc chiến chống dịch COVID-19 bắt đầu sang một giai đoạn mới và “chúng ta cần nhìn nhận trạng thái mới của dịch bệnh COVID-19 ở nước ta một cách bình tĩnh”. Chúng ta đã có sự chuẩn bị tốt cho tình huống này và sẽ làm tốt hơn nữa các kịch bản.

Chính phủ luôn nắm rõ mọi tình hình, vào cuộc khẩn trương, quyết liệt, có phương án, kịch bản chủ động, phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế, các bộ, ngành có liên quan để hành động. Sẵn sàng hi sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất sức khỏe của nhân dân.

“Việt Nam đủ năng lực, đủ nguồn lực và tinh thần, kinh nghiệm để kiểm soát dịch bệnh”, Thủ tướng nêu rõ, sức khỏe của người dân là quan trọng nhất. Chính phủ sẽ không bị động, bất ngờ trên mặt trận bảo vệ sức khỏe của nhân dân, người dân không chỉ nâng cao kiến thức y tế mà cần phải nâng cao ý thức bảo vệ chính bản thân gia đình, bảo vệ cộng đồng. Phải chuẩn bị mọi điều kiện kịp thời, kể cả con người, phương tiện, cơ sở vật chất để sẵn sàng chiến đấu kịp thời, đặc biệt tăng cường năng lực y tế cả Trung ương và địa phương.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần hiểu rõ, hiểu đúng, hành động đúng, bình tĩnh nhưng không được lơ là, chủ quan, không để dịch bệnh lây lan, thiếu kiểm soát, không để đội ngũ phòng chống bệnh, đội ngũ quản lý cách ly hay người dân tại khu vực cách ly bị khó khăn, bị thiếu thốn hay có tâm lý hoang mang, mệt mỏi.

Thủ tướng yêu cầu cần phải xử lý nghiêm trường hợp khai báo không trung thực hoặc không khai báo theo pháp luật. Thủ tướng giao Bộ Tư pháp và Bộ Y tế xem xét những trường hợp cụ thể để xử lý theo đúng pháp luật, cần có thái độ dứt khoát để răn đe chung những cá nhân vi phạm, không trung thực khai báo khi đã biết mình có bệnh.

Trước hết, cần phải truy tìm và cách ly tất cả khách du lịch trong chuyến bay VN0054 đủ 14 ngày. Việc công bố thông tin liên quan dịch COVID-19 phải bảo đảm minh bạch, kịp thời, truy tìm nguồn lây một cách nhanh nhất, những người tiếp xúc phải cách ly đầy đủ.

 

Các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Hà Nội, Bộ Công Thương, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, tập đoàn tư nhân đã đóng góp vào bình ổn thị trường. Các địa phương cũng phải chuẩn bị cơ số cần thiết, không để thiếu hàng, sốt giá. Nhà nước tiếp tục kiểm soát chặt chẽ giá cả, không để tình trạng lợi dụng tình hình dịch bệnh nâng giá hàng hóa quá đáng. Phải xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, tích trữ, nâng giá trái pháp luật.

Thủ tướng đề nghị lực lượng khoa học công nghệ, kể cả Bộ Khoa học và Công nghệ, các trung tâm nghiên cứu, các giáo sư bác sĩ đầu ngành, các viện tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu phương thức phòng, chống và chữa bệnh, gồm cả chẩn đoán, xét nghiệm, phác đồ điều trị, vaccine. Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính sẵn sàng ưu tiên ngân sách xứng đáng cho công tác này.

Các cơ quan truyền thông, các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ TT&TT thông tin kịp thời, minh bạch và chuẩn xác, kiên quyết chống lại, xử lý nghiêm minh thông tin sai lệch, thất thiệt, gây phức tạp xã hội. Phải làm công tác tuyên truyền thông tin đến nhân dân tốt hơn, tích cực hơn, như không những thông tin về dịch mà cả phương pháp chống dịch, mô hình tốt, cách làm tốt, nhất là những động lực tốt, hôm qua truyền hình đã làm việc này.

Thủ tướng cũng đồng ý việc hạn chế họp hành, tụ tập đông người, không tổ chức các cuộc họp không cần thiết, tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, áp dụng mạnh mẽ công nghệ trong họp, chỉ đạo điều hành, học tập, khai báo điện tử, dạy qua truyền hình…

Thủ tướng yêu cầu hạn chế họp hành, tụ tập đông người, tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, áp dụng mạnh mẽ công nghệ trong họp, chỉ đạo điều hành, học tập, khai báo điện tử, dạy qua truyền hình… để chống dịch bệnh COVID-19.

Hồi cuối tháng 1/2020, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ cần coi đây là thách thức, đồng thời là trách nhiệm của mình đối với xã hội, khẩn trương vào cuộc, đưa ra những giải pháp, ứng dụng công nghệ số sáng tạo vào cuộc sống, góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch.

Hưởng ứng lời kêu gọi này, nhiều doanh nghiệp công nghệ đã đưa ra giải pháp để hỗ trợ người dân, Chính phủ phòng chống dịch bệnh COVID-19. Các mạng di động đã đưa ra chương trình nhắn tin thông báo, miễn cước data cho khách hàng truy cập thông tin tìm hiểu về dịch bệnh COVID-19, thiết lập cầu truyền hình tại các bệnh viện… Bên cạnh đó các doanh nghiệp viễn thông đã miễn phí các giải pháp đào dào tại trực tuyến, truyền hình hội nghị để hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Thanh Tùng/TH