Thuốc bào chế bằng trí tuệ nhân tạo được thử nghiệm ở người

11:34, 06/02/2020

Áp dụng trí thuệ nhân tạo vào việc bào chế thuốc có thể sẽ tạo ra tất cả các loại thuốc mới, rút ngắn thời gian thử nghiệm, giảm chi phí và nhân công ngành y tế.

Nhờ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), Công ty khởi nghiệp Exscientia của Anh và Công ty dược phẩm Nhật Bản Sumitomo Dainippon Pharma đã “phát minh” một phân tử thuốc có thể thử nghiệm ở người.

Đây là lần đầu tiên trên thế giới công nghệ máy học được áp dụng trong ngành dược, hứa hẹn đẩy nhanh tiến độ bào chế thuốc so với quy trình truyền thống.

Sản phẩm này sẽ được sử dụng để điều trị cho những bệnh nhân mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD).

Đài BBC cho biết, phân tử thuốc này được gọi là DSP-1181, tạo ra bằng cách sử dụng các thuật toán sàng lọc thông qua các hợp chất tiềm năng, kiểm tra chúng dựa trên cơ sở dữ liệu khổng lồ về các tham số.

Thông thường, việc phát triển một loại thuốc mất khoảng 5 năm để đưa vào thử nghiệm, nhưng thuốc do AI tạo ra chỉ mất 12 tháng.

 

Hiện tại, trí tuệ nhân tạo vẫn đang được sử dụng để chẩn đoán bệnh nhân và phân tích dữ liệu tình trạng bệnh tật, nhưng đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu sử dụng trực tiếp AI trong việc tạo ra một loại thuốc mới.

DSP-1181 sẽ bước vào thử nghiệm giai đoạn một tại Nhật Bản trên bệnh nhân mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Nếu thành công sẽ được theo dõi bằng các thử nghiệm mang tính toàn cầu.

Hiện phía Exscientia và Sumitomo Dainippon Pharma cũng đang nghiên cứu các loại thuốc tiềm năng để điều trị ung thư và bệnh tim mạch với hi vọng sẽ có một phân tử thuốc khác sẵn sàng cho các thử nghiệm lâm sàng vào cuối năm nay.

Dự kiến đến cuối thập kỷ này, Al có thể tạo ra tất cả các loại thuốc mới, rút ngắn thời gian thử nghiệm, giảm chi phí và nhân công ngành y tế.

Hằng Nguyệt