Tiếp tục phát triển các cộng đồng học tập trong đội ngũ nhà giáo

14:49, 27/12/2021

Điểm mới quan trọng và cũng là mục tiêu cuối cùng của mô hình bồi dưỡng năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông là xây dựng các cộng đồng học tập, qua đó phát triển năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo cũng như nâng cao năng lực cho các giảng viên sư phạm.

Tọa đàm “Phát triển các cộng đồng học tập trong đội ngũ nhà giáo để thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới” - Ảnh: VGP/Nhật Nam

Phát triển chuyên môn cho giáo viên hướng đến nâng cao chất lượng giáo dục thông qua cộng đồng học tập trong đội ngũ giáo viên không phải là chủ đề mới bởi từ nhiều năm nay, sinh hoạt tổ chuyên môn tại các nhà trường đã tạo ra những cộng đồng giáo viên hỗ trợ nhau hiệu quả.

Tuy nhiên, việc tạo ra các cộng đồng học tập trên không gian số, cộng đồng học tập của giáo viên có sự gắn kết giữa giảng viên sư phạm và giáo viên phổ thông; giáo viên dạy cùng môn học trong cả nước có thể kết nối với nhau trên môi trường internet... thì mới xuất hiện lần đầu tiên khi triển khai mô hình bồi dưỡng thuộc Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP).

Ngày 27/12, Bộ GD&ĐT, Ban Quản lý Chương trình ETEP tổ chức tọa đàm “Phát triển các cộng đồng học tập trong đội ngũ nhà giáo để thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới” nhằm thảo luận về nội dung duy trì và phát triển các cộng đồng học tập trong đội ngũ giáo viên thời gian tới, đặc biệt là trong bối cảnh dạy-học trực tuyến vì dịch bệnh COVID-19.

Mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ; kết hợp trực tiếp với trực tuyến; biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng có hỗ trợ cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt đã được Bộ GD&ĐT triển khai 3 năm qua thông qua Chương trình ETEP nhằm chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm mới. Điểm mới quan trọng và cũng là mục tiêu cuối cùng của mô hình bồi dưỡng này là xây dựng các cộng đồng học tập, qua đó phát triển năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo cũng như nâng cao năng lực cho các giảng viên sư phạm.

Đó là các cộng đồng học tập theo nhóm có chung mối quan tâm hoặc mục tiêu học tập, cùng tham gia để chia sẻ hoặc chuyển giao tri thức liên quan đến mối quan tâm đó. Đó là cộng đồng học tập giữa giáo viên cốt cán với nhau; giữa các giáo viên trong nhà trường phổ thông, cộng đồng học tập giữa giáo viên theo môn học của các trường phổ thông với nhau; cộng đồng giữa giáo viên với giáo viên sư phạm tham gia bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông và cuối cùng là cộng đồng giữa giáo viên sư phạm trong trường, giữa giáo viên sư phạm theo bộ môn giữa các trường ĐH sư phạm.

Trong 3 năm qua, đã có gần 30.000 giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán thuộc 63 sở GD&ĐT Chương trình. Ở từng trường ĐH sư phạm, khi triển khai bồi dưỡng, các giáo viên cốt cán đã được phân bố theo các môn học, cấp học và theo cụm 2-3 sở GD&ĐT cùng nhau tham gia bồi dưỡng 6 modul với sự hỗ trợ của đội ngũ giáo viên sư phạm chủ chốt. Trong quá trình bồi dưỡng, tự bồi dưỡng, họ đã hình thành nên các nhóm Zalo trao đổi, chia sẻ những nội dung chưa hiểu, chưa rõ liên quan đến các modul bồi dưỡng cũng như những khó khăn gặp phải trong quá trình giảng dạy, trong hỗ trợ đội ngũ đại trà... Sự trao đổi này được duy trì ngay cả khi không diễn ra hoạt động bồi dưỡng trực tiếp. Đội ngũ cốt cán không chỉ được học hỏi, chia sẻ từ các giáo viên sư phạm chủ chốt mà còn nhận được những chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau. Điều này đã có tác động thường xuyên, liên tục đến sự phát triển nghề nghiệp của đội ngũ cốt cán.

Vai trò, nhiệm vụ của giáo viên cốt cán theo mô hình bồi dưỡng mới là hỗ trợ đồng nghiệp tự học, bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới. Đội ngũ giáo viên cốt cán được xem là cánh tay nối dài giữa trường ĐH sư phạm, giảng viên sư phạm với trường phổ thông và giáo viên phổ thông. Cụ thể, giáo viên cốt cán có nhiệm vụ hỗ trợ giáo viên phổ thông truy cập vào tài khoản học tập trên hệ thống quản lý học tập (LMS); hỗ trợ giáo viên phổ thông tự học trên hệ thống LMS hoàn thành khối lượng học tập qua mạng và bài kiểm tra trắc nghiệm; chấm/đánh giá các bài tập hoàn thành modul.

Thầy cô cốt cán cũng là người giải đáp các thắc mắc của giáo viên được phân công hỗ trợ; hướng dẫn giáo viên phổ thông trả lời phiếu khảo sát trực tuyến; đồng thời, tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn, bồi dưỡng trực tiếp khác, trao đổi kế hoạch bài dạy, dự giờ, thảo luận chuyên đề, xây dựng kế hoạch nhà trường, kế hoạch giáo dục năm với đồng nghiệp…, từ đó xây dựng và phát triển cộng đồng học tập. Những hỗ trợ này là thường xuyên, liên tục ngay cả khi đồng nghiệp đã hoàn thành các modul bồi dưỡng hoặc chưa được học tập trên hệ thống LMS, xây dựng và phát triển cộng đồng học tập theo môn học và tại trường của mình. Mục đích của cộng đồng học tập là hỗ trợ lẫn nhau phát triển năng lực nghề nghiệp thường xuyên, liên tục, tại chỗ về các nội dung chuyên môn được thể hiện trong các modul bồi dưỡng.

Cô Trần Huỳnh Nhị, Trường THPT Hòa Ninh, Vĩnh Long cho biết: “Tại Vĩnh Long, mỗi giáo viên khi phụ trách việc học modul cũng lập nhóm với các thành viên mình phụ trách để hỗ trợ giải đáp thắc mắc, hướng dẫn xây dựng kế hoạch... Việc lập nhóm thường gắn với một nhiệm vụ và nội dung cụ thể nhằm đáp ứng yêu cầu nào đó trong bồi dưỡng chuyên môn. Nội dung mà nhóm thường trao đổi là những khó khăn, vướng mắc hoặc chia sẻ những tài liệu chuyên môn”.

Nếu như trước đây, sự gắn kết của giảng viên sư phạm giữa các khoa trong một trường đã được tạo ra trong quá trình đào tạo sinh viên, nghiên cứu khoa học và bồi dưỡng giáo viên về kiến thức khoa học chuyên môn dạy học và giáo dục thì khi tham gia vào các khoá bồi dưỡng các modul, họ đã cùng nhau làm việc từ biên soạn tài liệu đến cùng bồi dưỡng đội ngũ cốt cán do nhà trường phân công.

Bên cạnh đó, các cộng đồng học tập giữa các giảng viên sư phạm cùng chuyên môn của các trường ĐH sư phạm chủ chốt cũng được thiết lập. Họ trải qua 6 modul, cùng nhau tham dự các hội thảo, tập huấn, chuyển giao tài liệu được phân theo các môn học. Trong các buổi tập huấn đó, họ trao đổi, thảo luận, góp ý hoàn thiện các modul bồi dưỡng và từ đây đã thiết lập các mối quan hệ rộng hơn, vượt qua cả các modul bồi dưỡng mà cùng chia sẻ cả về nội dung chương trình đào tạo sinh viên sư phạm, những khó khăn, biện pháp để nâng cao chất lượng đào tạo thuộc các chuyên ngành…

Để có được cộng đồng học tập hiệu quả, cần lưu ý tổ chức triển khai bồi dưỡng các modul trên hệ thống LMS theo hình thức tự học có hỗ trợ của đội ngũ cốt cán và giảng viên sư phạm. Chính việc tự học có hỗ trợ, tương tác này tạo ra sự gắn kết, trao đổi, hình thành và phát triển các cộng đồng học tập giữa giảng viên sư phạm chủ chốt với giáo viên phổ thông/cán bộ quản lý giáo dục phổ thông cốt cán; giữa đội ngũ cốt cán với nhau; đội ngũ cốt cán với giáo viên đại trà và giữa các giáo viên đại trà với nhau.

Cùng với đó, từng thành viên đều phải có nhu cầu tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực nghề nghiệp cho bản thân, qua đó có tác động tích cực, lan tỏa trong cộng đồng học tập. Điều vô cùng quan trọng, cần cơ chế quản lý, sự vào cuộc của các cấp quản lý, từ tổ chuyên môn, trường phổ thông đến phòng/sở GD&ĐT, kiên trì mục đích phát triển năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo tại cơ sở.

Theo/baochinhphu.vn