Tiếp tục triển khai 3G 900MHz & 4G 1800MHz

15:45, 19/01/2016

Cục Tần số vô tuyến điện đã tổ chức làm việc với các DN viễn thông về chuyển đổi CNTT di động IMT tại các băng tần 800/900/1800 MHz vào ngày 15/1/2016 tại HN.

20160119 M2


Tham dự cuộc họp có đại diện các đơn vị tham mưu và các Trung tâm Tần số Vô tuyến điện khu vực thuộc Cục Tần số Vô tuyến điện, đại diện lãnh đạo và chuyên viên các doanh nghiệp viễn thông: Tổng Công ty Mạng lưới Viettel - Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, Tổng Công ty Hạ tầng mạng (VNPT-Net), Tổng Công ty Viễn thông Mobifone.

Mục đích của cuộc họp nhằm lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp viễn thông về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư số 04/2015/TT-BTTTT ngày 10/3/2015 quy định triển khai hệ thống thông tin di động IMT trên các băng tần 824-835 MHz, 869-915 MHz, 925-960 MHz, 1710-1785 MHz, 1805-1880 MHz, cụ thể là quá trình triển khai công nghệ 3G UMTS tại băng tần 900 MHz đã được cấp phép sử dụng cho doanh nghiệp.

Theo đó, tại cuộc họp, đại diện các doanh nghiệp viễn thông cho biết: Theo hướng dẫn của Cục Tần số Vô tuyến điện, thời gian qua, các doanh nghiệp đã tiến hành triển khai công nghệ 3G UMTS sử dụng băng tần 900 MHz tại các khu vực thành thị, nông thôn và miền núi để đánh giá khả năng và tính kinh tế của công nghệ này. Báo cáo của các doanh nghiệp tại buổi làm việc cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại, việc triển khai công nghệ 3G UMTS tại băng tần 900 MHz đạt kết quả tốt, đặc biệt tại các khu vực ngoại ô và nông thôn, cho phép mở rộng vùng phủ sóng 3G do khả năng đâm xuyên tốt, đồng thời gánh bớt lưu lượng dữ liệu cho mạng 3G hiện có. Ngoài ra, theo thống kê của các nhà mạng, trên thị trường hiện nay có khoảng 70% đến 80% thiết bị đầu cuối di động hỗ trợ công nghệ 3G trên băng tần 900 MHz - Đây là một điểm thuận lợi lớn khi triển khai công nghệ này. Tuy nhiên, theo đại diện của một doanh nghiệp viễn thông cho biết, trong quá trình triển khai công nghệ 3G trên băng tần 900 MHz đã gặp phải những khó khăn nhất định về vấn đề nhiễu nội mạng và nhiễu ngoại mạng tại khu vực thành phố lớn, nơi có mật độ sử dụng cao. Phần lớn nguồn nhiễu được xác định là xuất phát từ thiết bị kích sóng di động do chủ thuê bao mua và tự ý lắp đặt sử dụng. 

Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Văn Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện đánh giá cao sự phối hợp của các doanh nghiệp viễn thông với cơ quan quản lý nhà nước trong thời gian qua. Việc triển khai thành công dịch vụ 3G trên băng tần 900 MHz tại vùng nông thôn, miền núi góp phần rất lớn vào việc mở rộng vùng phủ sóng và nâng cao chất lượng dịch vụ 3G tới vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Phó Cục trưởng cũng cho biết, trong thời gian tới, Cục Tần số Vô tuyến điện sẽ tiếp tục hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp tiếp tục triển khai dịch vụ 3G trên băng tần 900 MHz và dịch vụ thông tin di động 4G trên băng tần 1800 MHz, góp phần vào sự phát triển dịch vụ thông tin di động băng rộng tại Việt Nam trong giai đoạn tới.
 

 


TIN LIÊN QUAN