Tin học – Thống kê Tài chính hướng tới thiết lập nền tảng Tài chính số vào năm 2025

07:05, 16/04/2022

Chiều 15/4, tại Quảng Ninh, Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) đã tổ chức Hội nghị Đối tác Tin học và Thống kê tài chính năm 2022 nhằm trao đổi, đối thoại giữa các đơn vị triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của ngành tài chính với các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT và thống kê.

Quang cảnh hội nghị đối tác tin học – thống kê tài chính năm 2022.

Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Đại Trí, Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính chủ trì hội nghị; ông Nguyễn Long, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam; lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Tài Chính; ông Đặng Ngọc Minh Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thuế; bà Bùi Thúy Ngọc, Phó Tổng cục Dự trữ nhà nước; lãnh đạo CNTT các đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính, đại diện các bộ ngành trung ương, lãnh đạo ban ngành địa phương, đại diện các doanh nghiệp đối tác của Cục Tin học và Thống kê tài chính.

Phát biểu khai mạc hội nghị ông Nguyễn Đại Trí, Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê Tài chính bày tỏ sự trân trọng và đánh giá cao sự hợp tác giữa Cục Tin học, Thống kê tài chính và doanh nghiệp nói chung, trong lĩnh vực công nghệ thông tin nói riêng, đạt được nhiều kết quả thiết thực ứng dụng CNTT và chuyển đổi số phục vụ công tác lãnh đạo, quản lí và điều hành những nhiệm vụ trọng yếu, đặc biệt là đối với các lĩnh vực NSNN, thuế, hải quan, kho bạc nhà nước… và các lĩnh vực khác đang được Bộ Tài chính tiếp tục coi là nhiệm vụ trọng tâm và triển khai mạnh mẽ, là xương sống xuyên xuốt trong quá trình lãnh đạo, điều hành của ngành Tài chính.

Cũng theo ông Nguyễn Đại Trí, năm 2021 công tác triển khai ứng dụng công nghệ thông tin - thống kê trong toàn ngành Tài chính đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ Bộ Tài chính giao, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công, đảm bảo thực hiện theo quy định của Nhà nước và của Bộ Tài chính.

Ông Nguyễn Đại Trí tin tưởng, việc phối hợp trong triển khai công nghệ thông tin giữa Bộ Tài chính và các đối tác sẽ ngày càng gắn kết chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn, thiết thực hơn. Các đơn vị đối tác cùng với Bộ Tài chính thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

“Để hoàn thành được những mục tiêu đề ra trong năm 2022, giai đoạn 2022 - 2025, mong muốn các đơn vị quản lý triển khai công nghệ thông tin trong ngành Tài chính, các đối tác tập trung trao đổi, đánh giá cụ thể về những vấn đề tồn tại, vướng mắc trong phối hợp, triển khai công nghệ thông tin giữa các đơn vị của Bộ Tài chính với các đối tác. Cụ thể: những vấn đề vướng từ cơ chế chính sách của Nhà nước, của Bộ Tài chính, những vấn đề vướng trong đấu thầu mua sắm, đến những vấn đề trong triển khai thực hiện”. Ông Nguyễn Đại Trí, Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê Tài chính nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Long - Tổng Thư ký Hội Tin Học Việt Nam.

Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính Võ Anh Trung trình bày các nội dung triển khai các giải pháp đề ra tại các kỳ Hội nghị trước, trong năm 2021 các đơn vị ngành tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các đối tác tổ chức triển khai 124 gói thầu về CNTT và Thống kê thuộc các lĩnh vực tư vấn, hạ tầng truyền thông, xây dựng, nâng cấp phần mềm ứng dụng, an toàn bảo mật, hạ tầng phần cứng, bảo dưỡng và hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo CNTT…, đánh giá công tác phối hợp triển khai với các đối tác năm 2021 và kế hoạch triển khai ứng dụng công nghệ thông tin năm 2022; trình bày kế hoạch 5 năm ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Tài chính giai đoạn 2021-2025; cũng như một số bài toán lớn của ngành Tài chính sẽ triển khai trong giai đoạn 2022-2025. Qua đó, các kế hoạch này giúp các doanh nghiệp đối tác hiểu rõ hơn về quy mô hiện trạng, định hướng phát triển của hệ thống công nghệ thông tin ngành Tài chính trong thời gian tới.

Hội nghị cũng xác định 14 mục tiêu cần thực hiện trong giai đoạn 2022 – 2025, trong đó là chủ động áp dụng các thành quả công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xây dựng nền tảng quản trị hiện đại, cung cấp các dịch vụ tài chính số, tham gia tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế số. Năm 2021 cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển Tài chính điện tử và phấn đấu đến năm 2025 cơ bản thiết lập nền tảng Tài chính số hiện đại, công khai, minh bạch dựa trên dữ liệu lớn, dữ liệu tài chính mở, hệ sinh thái Tài chính số đảm bảo tính hiệu quả và an toàn thông tin toàn diện. Ngành Tài chính đóng vai trò kiến tạo, kết nối, chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa, đáp ứng toàn diện nhu cầu giao dịch tài chính công, nhu cầu khai thác sử dụng thông tin số của Chính phủ, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức.

Tại hội nghị, các đơn vị Tổng Cục Thuế, Hải Quan, Kho bạc Nhà Nước cũng đã có các tham luận về công tác triển khai nhiệm vụ năm 2021 và đặt nhiều vấn đề với các đối tác về các vướng mắc và thách thức xây dựng kế hoạch và triển khai trong các năm chuyển đổi tiếp theo. Các Doanh nghiệp đối tác cũng trình bày một số tham luận về các nền tảng công nghệ và dữ liệu sẽ giới thiệu tới ngành Tài chính trong giai đoạn tới.

Là đối tác “đặc biệt” của ngành Tài chính trong CNTT, phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Long – Tổng Thư ký Hội Tin Học Việt Nam ghi nhận các thành quả và nỗ lực của Tin học-Thống kê ngành Tài chính xuyên suốt trong gần 35 năm qua bằng việc Bộ Tài chính luôn dẫn đầu trong Báo cáo Vietnam ICT Index, dẫn đầu về chỉ số Chuyển đổi số 2020-2021. Trong giai đoạn tiếp theo CNTT ngành Tài chính sẽ phải đối mặt với các thách thức chuyển đổi và đổi mới để tiến tới xây dựng nền tảng Tài chính số quốc gia trong 5 năm tới đây.

Các đại biểu tham dự hội nghị chụp ảnh lưu niệm.

Để làm được việc này theo ông Nguyễn Long khẳng định Hội Tin học Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục là đối tác đặc biệt với Tin học và Thống kê Tài chính, cụ thể sẽ đồng hành kiến nghị, tư vấn các vấn đề còn vướng mắc trong các văn bản quy phạm pháp luật về phát triển và ứng dụng CNTT, Chuyển đổi số, sẵn sàng đồng kiến nghị để các Dự án xây dựng nền tảng “lõi” chuyển đổi Tài chính số của ngành có thể áp dụng các cơ chế đặc thù “SandBox” trong khi không được thụ hưởng lợi thế từ các dự án và tài trợ quốc tế mạnh mẽ như 5, 10 năm trước.

“Trong giai đoạn chuyển đổi số xây dựng nền tảng Tài chính số, Hội sẽ chủ động mời các chuyên gia, các nhà khoa học giỏi, có nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực mới, các chuyên gia có 5-10 năm làm việc tại Silcon Valey, tại các trung tâm phát triển tài chính số trên thế giới để trao đổi toạ đàm với Tin học và Thống kê tài chính về các vấn đề mới như: khoa học dữ liệu (Bigdata, Open data), AI, ChatBot, các hệ sinh thái Tài chính số gắn liền với các nền tảng công nghệ Fintech mới (Blockchain, NFT, Web 3, Denfi …) và sớm nhất có thể có tổ chức Toạ đàm đầu tiên vào tháng 7/2022 tới đây”. Ông Nguyễn Long nhấn mạnh.

Tuyển Thủy