Tin tặc sẽ tấn công người dùng theo nhiều hướng

00:00, 10/01/2011

PandaLabs - Trung tâm nghiên cứu và phát hiện virus do hãng bảo mật Panda thành lập đã nhận diện những mối đe dọa từ malware trong năm ngoái và cho cả năm nay.

Báo cáo thường niên mới nhất của PandaLabs cho biết, trong năm ngoái có hơn 1/3 các phần mềm độc hại (malware) ở dạng biến thể đã được tạo ra dựa trên malware có sẵn.

Đây không phải là tin tức quá xấu, vì kể từ năm 2003 thì mối đe dọa malware cứ tăng lên gấp đôi theo từng năm. Tuy nhiên, trong năm 2010 số lượng các malware chỉ tăng khoảng 50% so với các năm trước đó. PandaLabs cảnh báo về khuynh hướng malware sẽ gia tăng sự “hiện diện” của mình ở các trang web xã hội, đặc biệt tại Facebook, Twitter mặc dù PandaLabs cũng chỉ ra vài kiểu tấn công dựa vào malware ở các trang web khác như LinkedIn hay Fotolog.


PandaLabs cho biết tin tặc (hacker) sẽ dùng một vài thủ thuật để “lừa phỉnh” người dùng, chẳng hạn như hacker sẽ chiếm quyền kiểm soát nút ‘Like” trên Facebook, sau đó tin tặc sẽ tạo ra những thông điệp mạo danh từ các nguồn đáng tin cậy và phát tán các ứng dụng giả mạo.

PandaLabs cũng chỉ ra mô hình tấn công theo dạng các hacker tự nhận mình là một tin tặc hoạt động chính trị (hacktivist) đang có xu hướng phát triển, ví dụ nhóm “Vô danh” ủng hộ Wikileaks. Ngoài ra, các cuộc tấn công qua DDoS cũng giúp hacker đột nhập vào thông tin tài khoản trên các thẻ quốc tế như Mastercard, Visa, giao dịch trực tuyến PayPal.

Một khuynh hướng tấn công khác mà hacker quan tâm là máy tính Mac của Apple. Cách đây vài năm, những người dùng Mac luôn tự tin với sự “miễn nhiễm” các loại malware trên máy của Apple, nhưng giờ đây điều này đang bị “lung lay”. Dù PandaLabs chưa có con số thống kê chính xác có bao nhiêu malware hiện phát tán trên Mac, nhưng với thị phần của Apple ngày càng “phình” ra thì đồng nghĩa có nhiều cơ hội để hacker chú ý hơn.

Cảnh báo cuối cùng mà PandaLabs đề cập là mã độc Trojan trong các giao dịch tài chính. Trojan là malware có lượng phát tán mạnh nhất, chiếm hơn 56% số lượng tất cả malware hiện có. Bên cạnh đó, hiện nay cũng xuất hiện phần mềm chống virus giả mạo bắt đầu nổi lên dù dạng này không hề có trong suốt 5 năm qua. Cụ thể, chỉ tính riêng từ giữa tháng 1 và tháng 11 năm ngoái đã có khoảng 2,3 triệu phần mềm chống virus giả mạo trong tổng số khoảng 5,7 triệu phần mềm virus giả mạo. PandaLabs cho biết Thái Lan là nước có số lượng máy tính bị nhiễm malware lớn nhất với gần 70.000 máy, kế đến là Trung Quốc và Đài Loan.

PandaLabs dự báo rằng các khuynh hướng tấn công của các hacker được đề cập ở trên sẽ tiếp tục “tái diễn” cho năm nay và cũng sẽ tăng mạnh hơn vào các hoạt động tấn công theo dạng tội phạm mạng toàn cầu, mạng xã hội. Song song đó là các loại hình tấn công trên các thiết bị di động, máy tính bảng và các máy tính Mac của Apple. Ngoài ra, các công nghệ mới xuất hiện cũng là đích nhắm mới của hacker, ví dụ như tấn công trên hệ điều hành Windows 7 hoặc khai thác lỗ hổng trên HTML5.

ST (theo PCW VN)

TIN LIÊN QUAN