Toạ đàm “Hộ chiếu vaccine và cơ hội kích cầu cho ngành hàng không, du lịch và dịch vụ”

15:13, 16/09/2021

Du lịch, hàng không và dịch vụ cũng chính là những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc khủng hoảng COVID-19. Chủ động và thích nghi với điều kiện mới, bình thường mới, "hộ chiếu vaccine" đang là giải pháp để những lĩnh vực này nối lại các hoạt động, hướng đến khả năng phục hồi.

Chiều 15/9/2021 tại Hà Nội đã diễn ra buổi toạ đàm trực tuyến “Hộ chiếu vaccine và cơ hội kích cầu cho ngành hàng không, du lịch và dịch vụ”. Các doanh nghiệp cho rằng, “Hộ chiếu vaccine”, “thẻ xanh COVID” là bình oxy giúp doanh nghiệp hồi tỉnh”.

Gần 5 tháng kéo dài, làn sóng bùng phát COVID-19 thứ 4 tại Việt Nam đang khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào trạng thái kiệt quệ. Trong đó, du lịch, hàng không và dịch vụ là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc khủng hoảng COVID-19.

Tại buổi toạ đàm, ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai cho biết, kể từ khi tái lập phương tỉnh đến nay, phương châm của tỉnh Lào Cai là “doanh nghiệp phát tài thì Lào Cai phát triển”. Hiện, Lào Cai có 5.000 doanh nghiệp trong đó có có 400 doanh nghiệp du lịch, số lao động hoạt động trong lĩnh vực này là trên 14.000 người. Sau 4 lần dịch COVID-19 ập đến, lao động bị mất việc làm, doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của cả tỉnh. Cả doanh thu và số du khách đến Lào Cai đều sụt giảm nặng nề, từ hơn 10.000 tỷ đồng năm 2019 xuống còn 8.000 tỷ đồng năm 2020 và sang năm nay chỉ còn 3.000 tỷ.

Theo ông Hà Văn Thắng, áp dụng hộ chiếu vaccine tại Phú Quốc là cơ hội thuận lợi cho các địa phương nhất là địa phương có thế mạnh về du lịch.

"Hiện khách hàng cũng rất khát khao đi du lịch và địa phương cũng khát khao đón khách trở lại. Với thẻ xanh COVID-19 và sự mở cửa hàng không, địa phương sẽ có cơ hội để đón khách nội địa và quốc tế quay trở lại" – ông Hà Văn Thắng cho hay.

Dù không phải địa phương có tỷ lệ tiêm cao, nhưng theo ông Hà Văn Thắng, hiện Sapa có trên 20% người tham gia phục vụ du lịch đã đã được tiêm vaccine.

"Đây là cơ hội mở ra nhưng vẫn đặt tiêu chí an toàn lên hàng đầu. Thí điểm tại Phú Quốc cũng sẽ là bài học kinh nghiệm để các địa phương khác. Lào Cai tuy chưa có sân bay nhưng có cửa khẩu quốc tế với khoảng 400 nghìn lượt khách Trung Quốc. Nếu áp dụng cả việc mở cửa hàng không và cửa khẩu thì sẽ thuận lợi cho các tỉnh có cửa khẩu quốc tế đón khách. Các tỉnh thành cần phải có giải pháp thích ứng với điều kiện hiện tại để đảm bảo an toàn cho khách du lịch"- ông Hà Văn Thắng nêu quan điểm.

Còn ông Nguyễn Khắc Huy thì nhận định, việc thí điểm thẻ xanh COVID-19 là tín hiệu rất mừng. Phú Quốc hiện là vùng xanh, điều kiện thuận lợi để thí điểm sớm hồi phục. Về cơ sở hạ tầng, dịch vụ vui chơi, danh lam thắng cảnh đều đã được hoàn thiện, đặc biệt cả quy trình xuất nhập cảnh, đảm bảo y tế.

"Nếu được thí điểm trong năm nay thì điều kiện tiên quyết phải tiêm vaccine cho dân, hiện Phú Quốc mới tiêm được hơn 30%. Để kế hoạch có kết quả thì phải xây dựng quảng bá sự an toàn để loại bỏ sự lo lắng của du khách. Việt Nam đang xếp vị trí thấp về tỷ lệ tiêm chủng, nhân sự trực tiếp phục vụ khách hàng trong ngành du lịch cũng phải được tiêm và đào tạo kỹ năng phòng chống dịch"- ông Nguyễn Khắc Huy nêu.

“Hộ chiếu vaccine”, “thẻ xanh COVID” là bình oxy giúp doanh nghiệp hồi tỉnh”.

Về phía doanh nghiệp dịch vụ lưu trú, ông Trần Đạo Đức, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn CEO cho biết: “Novotel Phú Quốc là khách sạn đầu tiên mở cửa chuyên để đón khách quốc tế tại Phú Quốc nhưng từ khi Việt Nam dừng các chuyến bay quốc tế và sau đó là dừng toàn bộ chuyến bay cả nội địa doanh nghiệp vô cùng khó khăn. Hiện tại khách sạn chỉ dừng lại phục vụ khách tại chỗ để duy trì và giữ chân nhân viên để chuẩn bị cho thời điểm khách quay trở lại. Hàng tháng doanh nghiệp phải bỏ ra chi phí rất lớn để duy trì hoạt động. Thực sự đến giai đoạn này, các doanh nghiệp lữ hành, du lịch rất cần “ống thở”.

Kỳ vọng của doanh nghiệp vào việc áp dụng “thẻ xanh COVID-19”, “hộ chiếu vaccine”, ông Phạm Hà, Chủ tịch tập đoàn Lux Group cho biết, ông mong đợi áp dụng thẻ xanh COVID-19 nhưng thận trọng với tình hình dịch bệnh bởi doanh nghiệp đã tìm đủ mọi cách để tối ưu hóa nguồn tiền, tìm biện pháp giữ chân, số hóa doanh nghiệp,... nhưng bây giờ cần phải trở lại hoạt động bình thường, sống chung với COVID vì đã gần cạn kiệt nguồn lực.

Ông Trần Đạo Đức, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn CEO cũng mong đợi việc áp dụng “thẻ xanh COVID-19” nhưng cần thận trọng. “Chúng ta cần cơ hội hồi phục phát triển tuy nhiên vẫn phải đặt yếu tố an toàn lên trước hết”, ông Đức nhấn mạnh.

PGS. TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng, việc triển khai “hộ chiếu vaccine” hay “thẻ xanh” là một điều kiện để mở ra cách cho người dân được đi lại, được tiếp xúc. Điều này là cần thiết.

Chia sẻ về việc tận dụng “thẻ xanh COVID” và chuẩn bị các kịch bản cho hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian tới, ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group cho biết, thời gian qua dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động, vẫn giữ được bộ máy, đội ngũ nhân sự.

Lux Group cũng đã sẵn sàng để phục vụ khách trở lại bất cứ lúc nào. Đội du thuyền của chúng tôi ở Hạ Long, Nha Trang,… vẫn duy trì bộ máy và bảo dưỡng thường xuyên. Đội ngũ nhân viên cũng đã được tiêm phòng vaccine. Có thể nói, chúng tôi luôn luôn trong trạng thái “ngủ đông” nhưng “ngủ đông” chủ động.

Ông Trần Đạo Đức, Phó tổng giám đốc Tập đoàn CEO cho biết, đối với khách sạn Novetel Phú Quốc cũng đã xây dựng rất nhiều kịch bản. “Cách đây vài tháng chúng tôi đã hiến kế với Sở Du lịch và Tổng cục Du lịch về việc Phú Quốc là một hòn đảo hoàn toàn cách biệt, với dân số khoảng 150.000 người. Để phủ vaccine cho Phú Quốc cần khoảng 200-250 nghìn liều là đủ tiêm cho người dân và người lao động (trừ trẻ em và một bộ phận người cao tuổi). Khi đã tạo được miễn dịch cộng đồng sẽ thực hiện được việc đón khách, đặc biệt là khách du lịch quốc tế”.

“Tôi cảm giác “thẻ xanh COVID” là phao cứu sinh cho các doanh nghiệp từ hàng không, lữ hành, du lịch…”, ông Đức nói.

Có thể thấy, Chính phủ và các địa phương đang nỗ lực xây dựng các giải pháp để vừa đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, vừa đưa hoạt động sản xuất kinh doanh thích nghi với điều kiện mới, bình thường mới. Chủ động và thích nghi với điều kiện mới, bình thường mới, "hộ chiếu vaccine" đang là giải pháp để những lĩnh vực này nối lại các hoạt động, hướng đến khả năng phục hồi.

Chân Hoàn (T/h)