TP. HCM đề xuất thí điểm xe buýt điện từ quý 1/2022

09:40, 02/12/2021

Theo Sở GTVT TP. HCM, việc phát triển xe buýt điện nhằm đa dạng loại hình vận tải hành khách công cộng, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và giảm ô nhiễm môi trường.

Sau khi cùng nhà đầu tư là Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Sinh thái Vinbus (thuộc Tập đoàn Vingroup) nghiên cứu, hoàn chỉnh kế hoạch, Sở Giao thông vận tải (GTVT) kiến nghị UBND TP. HCM cho thí điểm tuyến xe buýt điện từ quý I năm 2022. Thời gian thí điểm dự kiến trong 2 năm và TP sẽ trợ giá 44,1%.

Sở GTVT để xuất hình thức đặt hàng đối với đơn vị cung ứng dịch vụ và áp dụng tạm thời đơn giá dịch vụ vận tải hành khách công cộng dùng nhiên liệu CNG để áp dụng cho loại hình xe buýt điện.

Theo Sở GTVT TP. HCM, việc phát triển xe buýt điện nhằm đa dạng loại hình vận tải hành khách công cộng, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và giảm ô nhiễm môi trường.

Xe buýt điện của VinFast có tầm hoạt động khoảng 220 - 260 km sau khi được sạc đầy.

5 tuyến xe buýt điện để xuất thí điểm gồm: Tuyến VB01 từ Vinhome Grand Park - Trung tâm thương mại Emart (cự ly 27km), tuyến VB02 từ Vinhome Grand Park đến sân bay Tân Sơn Nhất (cự ly 30km), tuyến VB03 từ Vinhome Grand Park đến bến xe buýt Sài Gòn (cự ly 29km), tuyến VB04 đến Bến xe Miền Đông (cự ly 8,5km) và tuyến VB05 đến Khu đô thị Đại học Quốc Gia (cự ly 10km).

Dự kiến có 77 xe hoạt động, sức chứa mỗi xe từ 65 - 70 chỗ, xe chạy bằng điện năng, không phát sinh khí thải, hạn chế tiếng ồn, thân thiện môi trường.

Giá vé dự kiến sau khi có trợ giá của nhà nước là trung bình 7.000 đồng/lượt hành khách các tuyến VB01, VB02, VB03 và 5.000 đồng/lượt hành khách đối với các tuyến VB04, VB05. Riêng học sinh, sinh viên giá vé 3.000 đồng/lượt.

Những tuyến xe trên sử dụng 6 điểm đầu cuối, trong đó 5 điểm đang phục vụ hoạt động của hệ thống buýt tại thành phố gồm: bến xe buýt Sài Gòn (quận 1); bãi hậu cần số 1 (đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp); sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình); bến xe buýt ký túc xá B Đại học Quốc gia và Bến xe miền Đông mới (TP Thủ Đức).

Điểm đầu cuối còn lại nằm trong khu dân cư Vinhome Grand Park, nhà đầu tư xây dựng bến bãi với diện tích 2.000 m2, bao gồm 20 vị trí cho xe đậu và hạ tầng kỹ thuật kèm theo. Ngoài ra, cùng việc chủ yếu sử dụng trạm dừng của mạng lưới buýt hiện hữu, trên lộ trình các tuyến buýt sẽ được bổ sung thêm một số điểm khác để thuận tiện cho khách đi lại.

Sở GTVT đề xuất hình thức đặt hàng đối với đơn vị cung cấp dịch vụ và áp dụng tạm thời đơn giá dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt dùng nhiên liệu sạch (CNG) ở thành phố để áp dụng cho loại hình xe buýt điện. Sau thời gian thí điểm, việc này sẽ được đánh giá lại.

Trước đó, TP. HCM thí điểm 3 tuyến buýt điện loại 12 chỗ do doanh nghiệp khai thác, giá 12.000 đồng mỗi lượt, phục vụ khách tham quan, dân cư ở quận 1 và khu Phú Mỹ Hưng, quận 7. Mới đây, thành phố cũng vừa chấp thuận thí điểm 2 năm cho ôtô dưới 15 chỗ chạy bằng điện ở huyện Cần Giờ, chở khách đến các khách sạn, khu du lịch theo hình thức hợp đồng, du lịch.

TP. HCM hiện có 126 tuyến xe buýt, gồm 90 tuyến trợ giá và 36 tuyến không trợ giá. Những năm qua, thành phố trợ giá trung bình mỗi năm 1.000 tỷ đồng cho xe buýt.

 Khôi Nguyên (T/h)