TP.HCM: Đơn vị đi đầu trong Chương trình Chuyển đổi số

19:19, 22/07/2020

Ngày 22/7, buổi công bố chương trình Chuyển đổi số của UBND TP.HCM đã diễn ra với sự tham dự của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong... cùng đại diện các sở, ngành TP; các hiệp hội ngành nghề và cộng đồng doanh nghiệp số.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định TP.HCM là địa phương đầu tiên công bố chương trình chuyển đổi số, TP.HCM sẽ hướng tới mục tiêu gia tăng năng suất lao động, giảm chi phí, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Anh Đức cho rằng: Chuyển đổi số không chỉ là một xu thế về công nghệ trên toàn cầu, mà còn tác động vô cùng sâu rộng lên các lĩnh vực của kinh tế, xã hội.

Quang cảnh hội nghị công bố Chương trình chuyển đổi số và hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của TP.HCM.

Trong khi đó, TP.HCM là thành phố (TP) lớn, năng động, là đầu tàu kinh tế của cả nước nên cũng sẽ không nằm ngoài xu hướng chuyển đổi số. Chương trình chuyển đổi của TP.HCM được xây dựng dựa trên Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh (ĐTTM) giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và Kiến trúc Chính quyền điện tử TP.

Bên cạnh đó, Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết đã phối hợp ngay từ đầu với Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) để xây dựng chương trình chuyển đổi số cho thành phố, xác định vai trò đi đầu trong cả nước. Ngay sau 1 tháng kể từ khi Chính phủ ban hành quyết định thì TP.HCM cũng có Quyết định 2393 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số của thành phố.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM trình bày về Chương trình Chuyển đổi số của thành phố.

Ông Đức khẳng định chương trình đặt mục tiêu là TP.HCM trở thành đô thị thông minh, sáng tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt nhất, đồng thời đặt lên hàng đầu năng suất và hiệu quả công việc của chính quyền, người dân, doanh nghiệp.

Song song với đó, một số lĩnh vực sẽ được ưu tiên phát triển nhanh chóng để mang lại lợi ích cho người dân, chủ yếu là y tế và giáo dục. Những lĩnh vực như giao thông, tài chính ngân hàng, du lịch - vốn đã có thành tựu nhất định -  sẽ được tiếp tục tạo môi trường đi lên.

Bên cạnh những hạng mục đã triển khai thành công, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết vẫn còn khó khăn trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu người dân. Việc nhập dữ liệu hộ tịch tương đối ổn nhưng quá trình triển khai cơ sở dữ liệu người dân bị tắc trong một năm qua. Ông Đức đề xuất Bộ TT&TT hỗ trợ hoàn thành công việc này.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Chương trình Chuyển đổi số ngay sau khi Thủ tướng ban hành Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đã kết tinh nhiều chương trình lớn của ngành TT&TT như: Make in Vietnam; Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam; Xây dựng hạ tầng số quốc gia; Phát triển hạ tầng bưu chính chuyển phát; Phát triển hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam; Chuyển đổi số Quốc gia bao gồm chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; Báo chí truyền thông với sứ mệnh khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng; Bộ TT&TT là đầu mối một cửa cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Chia sẻ tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Chuyển đổi số là thời kỳ dám ứng dụng công nghệ mới, dám thay đổi mô hình quản trị, dám thay đổi mô hình kinh doanh, dám chấp nhận các mô hình mới quan trọng hơn là sáng tạo công nghệ. Sáng tạo công nghệ là câu chuyện toàn cầu, còn ứng dụng là câu chuyện dám hay không dám của địa phương, của lãnh đạo địa phương. Ứng dụng công nghệ để đổi mới sáng tạo sẽ là câu chuyện chính."

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề nghị TP.HCM tăng mức chi ngân sách cho chuyển đổi số. Hiện mức chi ngân sách cho CNTT tại TP.HCM vào khoảng 0.4%. Trong khi đó trung bình các quốc gia dành cho CNTT trung bình 1% ngân sách. Riêng một số nước phát triển, đặc biệt như Hàn Quốc - hiện dẫn đầu thế giới về chính phủ điện tử - đã chi 2% ngân sách cho CNTT.

Hội nghị công bố Chương trình Chuyển đổi số của TP.HCM.

Theo phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết: TP đặt ra tầm nhìn, mục tiêu chuyển đổi số là đến năm 2030, TP trở thành ĐTTM với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp (DN) số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số. Mục tiêu cơ bản đến năm 2025, tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; tối thiểu 90% người dân và DN hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính. Thông tin của người dân, DN được số hóa và lưu trữ tại Trung tâm dữ liệu TP. Kinh tế số chiếm 25% GRDP, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%. Tỷ lệ người dân và DN có tài khoản thanh toán điện tử trên 60%. Hạ tầng băng thông rộng phủ trên 95% hộ gia đình. Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh.

Mục tiêu cơ bản đến 2030, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. Hình thành đầy đủ nền tảng dữ liệu của ĐTTM phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Kinh tế số chiếm 40% GRDP, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 9%. Tỷ lệ người dân và DN có tài khoản thanh toán điện tử trên 85%.

Bí Thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định việc chuyển đổi số tại TP.HCM hướng tới mục tiêu gia tăng năng suất lao động, giảm chi phí, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Để thực hiện mục tiêu trên, TP triển khai các nhiệm vụ và giải pháp chuyển đổi số của TP. Theo đó, đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức về chuyển đổi số (cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp TP). Phát triển hạ tầng số (bao gồm hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin, hạ tầng Internet vạn vật, hạ tầng dữ liệu). Phát triển nền tảng số (bao gồm các nền tảng như nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu, nền tảng Internet vạn vật, nền tảng trí tuệ nhân tạo, nền tảng kết nối dịch vụ số hóa, nền tảng chuỗi khối (blockchain), nền tảng định danh điện tử. Đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.

Đáp lời Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cảm ơn Bộ đã đồng hành ngay từ đầu để giúp TP.HCM là địa phương đầu tiên của cả nước xây dựng Chương trình Chuyển đổi số.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định việc chuyển đổi số tại TP.HCM hướng tới mục tiêu gia tăng năng suất lao động, giảm chi phí, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tổng kết hội nghị.

Về đề xuất của một số doanh nghiệp trong việc kết nối với kho dữ liệu của TP.HCM, ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định thành phố đang xây dựng trung tâm dữ liệu để doanh nghiệp kết nối. Ông cũng đề xuất thành lập một trung tâm trưng bày các sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số để bất kỳ ngành nghề nào cũng được "mắt thấy tai nghe", có thể trải nghiệm và dùng thử sản phẩm.

Phát biểu tổng kết, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết sẽ cụ thể hoá các ý kiến của Bí thư Thành ủy và Bộ trưởng Bộ TT&TT để đưa vào chương trình chuyển đổi số của thành phố.

Về nhiệm vụ và giải pháp xây dựng chính quyền số gồm: Nhóm nhiệm vụ nhằm phục vụ người dân và DN. Nhóm nhiệm vụ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của TP.HCM LGSP). Triển khai Kho dữ liệu dùng chung. Phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở của TP. Thực hiện số hóa và sử dụng dữ liệu hiệu quả trong hoạt động của chính quyền.

Về nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế số gồm: Nhóm nhiệm vụ chung cho các DN (bao gồm phổ biến kiến thức về chuyển đổi số, hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số tại các DN). Sứ mệnh của các doanh nghiệp CNTT-TT trong quá trình chuyển đổi số của TP. Thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Triển khai chính quyền số phục vụ phát triển kinh tế số.

Đồng thời, chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực như: Chuyển đổi số trong y tế, chuyển đổi số trong giáo dục, chuyển đổi số trong giao thông vận tải, chuyển đổi số trong tài chính - ngân hàng, chuyển đổi số trong du lịch, chuyển đổi số trong nông nghiệp, chuyển đổi số trong logistics, chuyển đổi số trong môi trường, chuyển đổi số trong năng lượng, chuyển đổi số trong đào tạo nhân lực.

Thùy Dung (T/H)