Dụng dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính sẽ áp dụng từ 1/7

23:09, 04/06/2020

Để vận hành dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia vào ngày 1-7 tới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng yêu cầu cần sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý và hạ tầng kỹ thuật đảm bảo thuận tiện và bảo mật cao.

Sáng 4/6, tại trụ sở Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia chủ trì phiên họp đầu tiên của Tổ công tác và các bộ, cơ quan liên quan về xây dựng hệ thống chứng thực bản sao từ bản chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, với tình hình chuẩn bị hiện nay, dự kiến ngày 1/7/2020, dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia sẽ khai trương và triển khai đồng loạt trên toàn quốc, thực hiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 8-4-2020 về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để hỗ trợ cho chính quyền các cấp trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đây sẽ là bước tiến lớn trong xây dựng chính phủ điện tử.

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, nhu cầu công chứng, chứng thực giấy tờ của người dân rất lớn khi trong năm 2019, có hơn 102 triệu hồ sơ phải chứng thực, công chứng. Mỗi lần thực hiện mất tối thiểu nửa ngày chờ đợi kết quả. Theo biên chế, mỗi UBND cấp xã chỉ có 1 cán bộ tiếp nhận chứng thực nên không phải lúc nào cũng đáp ứng đúng thời hạn nêu trên, nhất là khi khối lượng hồ sơ chứng thực lớn.

Chính vì vậy, Chính phủ đã đồng ý triển khai dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Theo đó, bản sao điện tử được chứng thực có giá trị như bản chính, có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác).

Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), khi triển khai dịch vụ chứng thực bản sao điện tử sẽ kèm tiện ích đặt lịch hẹn người dân, doanh nghiệp đến thực hiện chứng thực nhằm giúp giảm thời gian chờ đợi, quy trình giải quyết nhanh hơn.

Người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng bản sao điện tử để thực hiện nhiều thủ tục hành chính đã được cung cấp trên môi trường điện tử và loại bỏ tình trạng phải nộp bản sao chứng thực/xuất trình bản giấy để xác minh lại hồ sơ như cách làm truyền thống hiện nay.

Bản sao điện tử có giá trị sử dụng thay cho bản chính, có thể thực hiện trực tuyến hoàn toàn đối với đa số các thủ tục hành chính đã được cung cấp trên môi trường điện tử, loại bỏ tình trạng nộp bản sao chứng thực, xuất trình bản giấy để xác minh. Bản sao chứng thực điện tử cũng được ký số, đóng dấu và được sử dụng lại nhiều lần.

Tuy nhiên, ông Phan cũng cho hay là có khó khăn trong triển khai, đó là một số văn bản pháp lý liên quan như mẫu bản sao điện tử được chứng thực, yêu cầu kỹ thuật với bản sao điện tử hiện chưa được quy định.

Đối tượng thực hiện dịch vụ cấp bản sao điện tử chứng thực từ bản chính gồm nhiều cơ quan, tổ chức hành nghề công chứng, nên việc quản lý cần chặt chẽ, đảm bảo quản lý tài khoản, phân vai, phân quyền tương đối phức tạp.

Kết luận, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng đây là vấn đề mới và khó trong việc quản lý, phân cấp, sử dụng... nên vấn đề chứng thực, xác thực như thế nào để ra một hồ sơ công chứng là một vấn đề quan trọng.

"Cần có một quy trình thống nhất từ trung ương đến địa phương và có một trình tự hợp lý để thực hiện để tiến tới áp dụng trên toàn quốc. Do đó các bộ ngành cần phối hợp cùng với Văn phòng Chính phủ xây dựng tài liệu, hướng dẫn việc chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, cung cấp cho tất cả các cơ quan có thẩm quyền chứng thực để thúc đẩy hiệu quả, tiến độ tập huấn trên toàn quốc trong thời gian tới" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Để đạt mục tiêu sẽ đưa vào vận hành dịch vụ này từ ngày 1-7, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan cần hoàn thiện cơ sở pháp lý, có thông tư hướng dẫn cụ thể hóa những quy trình thủ tục thực hiện.

Ông nhấn mạnh, hồ sơ này có giá trị pháp lý vô cùng quan trọng nên nếu không làm chặt chẽ ảnh hưởng quyền lợi và lợi ích người dân doanh nghiệp, đảm bảo an toàn, bảo mật. VNPT sẽ xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và Văn phòng Chính phủ sẽ thuê lại để triển khai vận hành.

Sau khi người dân gặp cơ quan có thẩm quyền chứng thực và cung cấp bản chính hợp lệ, cơ quan thực hiện chứng thực kiểm ra và sử dụng dịch vụ chứng thực bản sao trên Cổng dịch vụ công quốc gia để nhập lời chứng, ký số, đóng dấu theo thẩm quyền và trả cho người dân doanh nghiệp.

Người dân, doanh nghiệp sẽ nhận bản chứng thực điện tử có đầy đủ thông tin, dữ liệu chữ ký, con dấu của cơ quan có thẩm quyền tại tài khoản của mình trên cổng hoặc nhận qua mail.

Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp, trong năm 2019 số lượng bản sao chứng thực được thực hiện là trên 102 triệu bản, nếu sử dụng lại được 30% kết quả chứng thực, chi phí xã hội sẽ tiết kiệm được trên 428 tỉ đồng mỗi năm.

Minh Thùy (T/h)

TIN LIÊN QUAN