Ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước: Gần mà… xa

06:08, 04/07/2009

Đã không ít Hội nghị, Hội thảo chuyên đề bàn về triển khai, phát triển việc ứng dụng CNTT trong khối các cơ quan Nhà nước. Nhiều giải pháp, với lộ trình gần, mục tiêu khả thi cho đến năm 2010, hay 2015. Nhưng, thực tế, đường đi sao cứ ngày càng xa mãi…

Từ một ví dụ

Nghệ An là một trong những tỉnh có lộ trình phát triển CNTT - truyền thông khá bài bản và đã giành được không ít thành công. Rất nhiều dự án CNTT đã và đang được triển khai, từ các đề án cơ bản nhằm tăng cường ứng dụng CNTT trong nhà trường, các cơ sở y tế, các doanh nghiệp…
 
Đến những Đề án chiến lược như: Xây dựng thành phố Vinh thành Trung tâm CNTT-TT của khu vực Bắc Trung Bộ, hay đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT tỉnh Nghệ An đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020...
 
Tuy vậy, hiện ở Nghệ An, nhận thức của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị về lợi ích của mạng Internet, về ứng dụng CNTT chưa thực sự tốt. Số người sử dụng thành thạo Internet phục vụ cho yêu cầu công việc chưa nhiều; Các nội dung giao dịch qua mạng còn nghèo nàn, thiếu cơ sở dữ liệu quan trọng để đáp ứng yêu cầu của dân; dịch vụ công qua mạng còn hạn chế…

Ông Hồ Quang Thành, Giám đốc sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An cho biết: “Có thể nói, việc ứng dụng và phát triển CNTT-TT tại Nghệ An vẫn được tiến hành bài bản, trôi chảy. Hầu hết các khâu tác nghiệp đã được ứng dụng CNTT, hoạt động trên môi trường mạng với khả năng đáp ứng và cung cấp tốt các dịch vụ viễn thông, Internet.
 
Vì vậy, bên cạnh việc thúc đẩy các ứng dụng thì việc tăng cường phát triển hạ tầng, mở rộng các ứng dụng, tăng cường đào tạo, phát triển công nghiệp nội dung số, đầu tư và phát triển nguồn nhân lực có hiệu quả là những nhiệm vụ cơ bản nhưng quan trọng và cần thiết”. Tuy vậy, các triển khai, ứng dụng lại chưa thể hiện được sự đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật, phần mềm ứng dụng, và nguồn nhân lực. Và chưa có các giải pháp quyết liệt trong quản lý để bắt buộc ứng dụng CNTT…”.

Những thực tế

Thực tế cho thấy, hạ tầng kỹ thuật CNTT của các cơ quan Nhà nước vẫn chưa đảm bảo được tính đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu trao đổi thông tin giữa các cơ quan với nhau. Thêm nữa, đầu tư cho mạng diện rộng của Chính phủ triển khai chậm, các cơ sở dữ liệu quốc gia, các hệ thống bảo đảm an toàn, bảo mật đang trong quá trình hình thành.
 
Hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành, quản lý chưa thực sự hình thành; mức độ, hiệu quả ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước còn thấp; các dịch vụ hành chính công trên mạng phục vụ người dân và doanh nghiệp vẫn còn đang ở giai đoạn khởi động; nội dung thông tin trên các website không được cập nhật thường xuyên, chưa đáp ứng được nhu cầu thông tin cơ bản của người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc hệ thống các tổ chức chuyên trách CNTT chưa mang tính hệ thống, không rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ nên hoạt động chưa hiệu quả. Việc đào tạo cán bộ, công chức về ứng dụng CNTT chưa gắn với thực tế sử dụng (rất nhiều kỹ sư CNTT, tài năng CNTT trẻ ra trường mà chưa tìm được môi trường làm việc thích hợp). Cơ chế quản lý, đầu tư chưa phù hợp, thiếu hạng mục chi cho ứng dụng CNTT trong ngân sách nhà nước, thiếu định mức kinh tế-kỹ thuật cho xây dựng và phát triển các hệ thống phần mềm, xây dựng cơ sở dữ liệu...

Từ việc đầu tư chưa đúng định hướng, và những mục tiêu cần phát triển chưa thực sự được cụ thể hóa, cùng với việc bố trí nguồn nhân lực chưa hợp lý… đã góp phần làm cho con đường hiện thực hóa phát triển, ứng dụng CNTT ngày càng dài hơn. Và viễn cảnh xã hội hóa CNTT vẫn đang là một bức tranh trừu tượng mà thôi.

Q.D
TIN LIÊN QUAN