VCCI góp ý việc quản lý, kê khai thuế thương mại điện tử

11:26, 25/03/2021

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, một số nội dung liên quan đến quản lý, kê khai thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử cần rõ ràng và thống nhất với các văn bản pháp lý liên quan.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư hướng dẫn một số quy định về quản lý thuế.
Ảnh: Thuỳ Linh

Nên mở rộng đối tượng quản lý

Tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, nội dung về quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) và kinh doanh trên nền tảng số của nhà cung cấp nước ngoài được đánh giá là một trong những nội dung quan trọng nhất bởi sự phát triển khá "nóng" của loại hình kinh doanh này.

Theo ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế, tại dự thảo Thông tư hướng dẫn dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến có riêng 1 chương quy định về quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số. Theo đó, dự thảo hướng dẫn hai trường hợp cụ thể về đăng ký, kê khai và nộp thuế đối với nhà cung cấp nước ngoài là trực tiếp, hoặc ủy quyền và không trực tiếp hoặc không ủy quyền.

Góp ý với nội dung này, VCCI cho rằng, hiện chương này mới đưa ra quy định về quản lý, kê khai, nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số của nhà cung cấp nước ngoài. Tuy nhiên, đối với nhà cung cấp nước ngoài có thu nhập phát sinh ở Việt Nam nhưng không từ hoạt động kinh doanh dựa trên nền tảng số thì chưa được đề cập, ví dụ như hoạt động chuyển nhượng vốn gián tiếp, nhà thầu nước ngoài bán hàng qua kho ngoại quan ở Việt Nam cho các doanh nghiệp nước ngoài khác... Chính vì vậy, VCCI cho rằng nên mở rộng đối tượng nhà cung cấp nước ngoài có thu nhập phát sinh ở Việt Nam để tạo điều kiện cho các nhà đầu nước ngoài có cơ cở kê khai, uỷ quyền kê khai, nộp thuế ở Việt Nam nếu phát sinh các giao dịch này.

Đối với quy định các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong việc đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số, VCCI cho rằng có thể hiểu nhà cung cấp nước ngoài được coi là cơ sở thường trú lại Việt Nam. Tuy nhiên, theo các văn bản hướng dẫn Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp thì mặc dù nội Luật có đưa ra quy định cụ thể về cơ sở thường trú nhưng nguyên tắc chung áp dụng vẫn là "trường hợp Hiệp định tránh đánh thuế hai lần mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết có quy định khác về cơ sở thường trú thì thực hiện theo quy định tại Hiệp định đó". Để đảm bảo tính nhất quán trong các văn bản về thuế, VCCI cho rằng, cơ quan soạn thảo nên cân nhắc áp dụng nguyên tắc chung này trong Thông tư.

"Điều này cũng đảm bảo tính thống nhất với thông tin thể hiện trong Mẫu 02/NCCNN ban hành kèm theo Thông tư này, trong đó có trường hợp thông tin về thuế thu nhập doanh nghiệp được miễn giảm theo Hiệp định", VCCI nhận định.

Cụ thể hơn về mã số thuế

Một trong những nội dung rất quan trọng liên quan đến quản lý thuế TMĐT tại dự thảo Thông tư này là về mã số thuế. Dự thảo quy định, mã số thuế nộp thay 10 số được cấp cho tổ chức, đại lý thuế hoạt động theo pháp luật Việt Nam, được uỷ quyền hoặc ngân hành thương mại, tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chuyển tiền cho nhà cung cấp ở nước ngoài. Về nội dung này, VCCI cho rằng, dự thảo vẫn chưa làm rõ vấn đề: mã số thuế 10 số sẽ được cung cấp cho từng nhà cung cấp nước ngoài mà tổ chức Việt Nam thực hiện khấu trừ, kê khai và nộp thuế thay hay tổ chức Việt Nam đã được cấp mã số thuế nộp thay thì sẽ sử dung mã số thuế nộp thay này để thực hiện kê khai và nộp thuế thay nhà cung cấp nước ngoài. Tương tự như vậy với ngân hàng thương mại và các tổ chức trung gian thanh toán có trách nhiệm khấu trừ, kê khai và nộp thuế đối với các khoản thanh toán của cá nhân mua hàng hoá, dịch vụ của nhà cung cấp nước ngoài.

VCCI khuyến nghị, nên cân nhắc làm rõ các trường hợp có thể phát sinh. Đơn cử như đối với trường hợp nhà cung cấp nước ngoài đã đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan Thuế được cấp mã số thuế 10 chữ số thì tổ chức, cá nhân tại Việt Nam được nhà cung cấp nước ngoài uỷ quyền sẽ sử dụng mã số thuế này để kê khai, nộp thuế thay.

"Việc này sẽ thuận lợi cho cơ quan quản lý theo dõi việc kê khai và nộp thuế của các nhà cung cấp nước ngoài ở Việt Nam cũng như đảm bảo tính minh bạch trong việc thực thi chính sách thuế", VCCI nhận định.

Cụ thể hơn, đối với trường hợp nhà cung cấp nước ngoài không đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan Thuế mà uỷ quyền toàn bộ cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam (ví dụ trong trường hợp nhà cung cấp nước ngoài có ít giao dịch, hoặc chỉ giao dịch với các tổ chức tại Việt Nam vốn đã thực hiện khấu trừ, kê khai, nộp thuế theo cơ chế thuế nhà thầu nước ngoài hiện tại) thì cho phép tổ chức tại Việt Nam sử dụng mã số thuế nộp hộ hiện tại để kê khai và nộp thuế thay. VCCI cho rằng điều này sẽ giảm bớt các thủ tục hành chính phát sinh thêm cho bên uỷ quyền, tạo điều kiện để người nộp thuế dễ dàng đăng ký, kê khai và nộp thuế tại Việt Nam.

Theo haiquanonline.com.vn