Vi phạm tiết lộ bệnh án ở bệnh viện Hoà Bình (Hải Dương)

23:05, 20/05/2019

(THĐS) - Cơ quan chức năng cần vào cuộc? Thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2008, sau nhiều năm hoạt động không hiệu quả, năm 2018, các cổ đông của bệnh viện Hoà Bình (BVHB) đã tiến hành cơ cấu lại nhân sự và đầu tư nâng cấp hiện đại hoá BV. Tuy nhiên cũng từ đó, hàng loạt các vấn đề mâu thuẫn nảy sinh. Thậm chí trong quá trình khiếu kiện, một số cổ đông đã tiết lộ cả bệnh án của bệnh nhân, vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật.

Các vấn đề nổi cộm đã gây xôn xao dư luận gần đây và được báo chí nhắc tới ở BVHB là sa thải người trái pháp luật, thuê xã hội đen đòi nợ, xúi giục bệnh nhân gửi đơn khiếu nại bệnh viện sai sự thật, phẫu thuật gây chết người... Các thông tin thất thiệt trên ít nhiều đã gây ảnh hưởng đến hoạt động của bệnh viện và hoang mang trong dư luận. 

Có hay không việc thuê xã hội đen đòi viện phí?

Nổi cộm trong việc kiện tụng và khiếu nại của bệnh nhân là trường hợp bệnh nhân Vũ Đình Sang. Ông Vũ Đình Sang là bệnh nhân bị dính khớp háng hơn 10 năm. Tháng 8/2018 ông Sang bị ngã và gẫy liên mấu chuyển xương đùi và đã được phẩu thuật tại BVHB. Ông Sang được cho là đã có đơn khiếu nại BVHB về các nội dung liên quan đến viện phí.

Tuy nhiên, các tài liệu do cơ quan công an cung cấp lại có nội dung hoàn toàn khác. Công An xã Hà Thanh, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương sau khi xác minh các thông tin về việc bác sỹ, Tiến sĩ Vũ Văn Khoa (là bác sỹ làm việc tại BVHB) gặp gỡ, đòi tiền viền phí và đe doạ bệnh nhân đã ra kết luận hôm 5/4/2019. Theo kết luận này, không thấy bằng chứng nào cho việc bác sỹ Vũ Văn Khoa đòi tiền hay đe doạ bệnh nhân Vũ Đình Sang.

Bác sỹ, Tiến sĩ Vũ Văn Khoa hiện đang công tác tại bệnh viện Việt Đức – Hà Nội. Bác sỹ Khoa đồng thời ký hợp đồng làm việc ngoài giờ hành chính với BVHB thuộc lĩnh vực Chấn thương – Chỉnh hình. Bác sỹ Khoa là người trực tiếp thực hiện phẫu thuật thay khớp háng cho ông Sang tại BVHB. Sau mổ bệnh nhân đi lại tốt. Theo kết luận của cơ quan công an, ông Sang cũng xác nhận, không hề có khiếu nại hay kiện tụng gì bệnh viện và cá nhân bác sỹ Khoa tới các cơ quan chức năng. 

Mâu thuẫn từ việc cơ cấu nhân sự

Đối với vấn đề mâu thuẫn nội bộ tại BVHB, đại diện bệnh viện cho biết, sau khi bệnh viện này thay đổi cổ đông, thay đổi vốn và minh bạch công tác quản lý đã tạo ra mâu thuẫn giữa các cổ đông.

Việc Bệnh viện cơ cấu lại bộ máy nhân sự khiến một số người buộc phải điều chuyển hoặc chấm dứt hợp đồng. Trong số đó có một số trường hợp như ông Phạm Hải Dương tốt nghiệp Học viện Trung Y Quảng Tây (Trung Quốc) hoặc ông Nguyễn Đức Hùng (tốt nghiệp ĐH Trung y dược – Quảng Tây (Trung Quốc))…, liên quan đến ngành y học cổ truyền. Phía bệnh viện Hoà Bình cho biết, những người nói trên được đào tạo chuyên môn là y học cổ truyền nên không phù hợp với hoạt động làm bác sĩ điều trị tại khoa Nội. Đối với việc khám chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế mà BVHB đang triển khai, Bộ Y tế cũng đã có văn bản số 1659 BYT-PC (về việc chấn chỉnh việc cấp bổ sung, thay đổi phạm vi hoạt động chuyên môn), đã quy định rất rõ và nghiêm ngặt đối với nội dung này. 

Sai phạm về tài chính

Công ty CP Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, tiền thân là Công ty CP Khám chữa bệnh đa khoa Hòa Bình, thành lập tháng 11/2002. Cổ đông sáng lập (CĐSL) gồm 3 cá nhân Phạm Thị Chiển, Trần Văn Thắng và Nguyễn Đức Huân.Tính đến thời điểm 31/12/2007 (theo báo cáo kiểm toán của Công ty TNHH Kiểm toán - Tư vấn định giá ACC Việt Nam), vốn góp chủ sở hữu từ ba cổ đông trên là 7,1 tỷ đồng.Công ty đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng thửa đất 5.350,95 m2 với giá 2,9 tỷ đồng từ Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng đô thị Nam Cường để mở rộng bệnh viện.

Từ tháng 1/2007 đến tháng 2/2008, Công ty đã huy động thêm 9,6 tỷ đồng vốn góp của 4 cổ đông khác. Tổng cộng số vốn thực góp của tất cả các cổ đông là 16,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Công ty lại đăng ký vốn điều lệ 27,735 tỷ đồng, cao hơn 11,035 tỷ đồng so với vốn thực góp. Để bù phần chênh lệch, 3 cổ đông sáng lập ban đầu đã tự định giá thửa đất 5.350,95 m2 thuộc quyền sử dụng của Công ty có giá trị 18,135 tỷ đồng. Sau khi trừ đi 7,1 tỷ đồng vốn góp ban đầu, 3 cổ đông sáng lập đã tự coi giá trị chênh lệch 11,035 tỷ đồng là vốn góp bổ sung của mình. Việc “đánh bùn sang ao”, biến của chung thành của riêng và “góp vốn khống”, đã không được các cơ quan chức năng chấp nhận.

Gây rối và vi phạm bảo mật thông tin bệnh nhân

Hình ảnh gây rối tại bệnh viện

Đại diện bệnh viện Hoà Bình cho biết:  “Nhiều ngày nay, nhóm cổ đông của công ty như cổ đông Phạm Thị Chiển, Phạm Hải Ninh, Phạm Hải Dương, Đàm Minh Hồng ... trong đó cổ đông Phạm Hải Ninh (người đã bị bãi nhiệm thành viên ban kiểm soát công ty từ 24/12/2018, gần đây bị miễn nhiệm chức trưởng phòng Maketing) đã dùng nhiều biện pháp gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín và hoạt động của BVHB. Các cổ đông này đã liên lạc với nhiều bệnh nhân được khám và điều trị tại bệnh viện để khai thác thông tin về khám, chữa bệnh của bệnh nhân, kích động, lôi kéo một số người tổ chức gây rối tại bệnh viện và cung cấp thông tin không đúng sự thật cho báo chí. Gần đây nhất, ngày 11/05/2019 là vụ việc gây mất trật tự tại bệnh viện của một nhóm người và hành vi trên tiếp tục tái diễn 14/05/2019.Hiện nay, Công An tỉnh Hải Dương đang điều tra, làm rõ mục đích và vai trò chủ mưu của nhóm gây rối trên”.

Từ việc các cổ đông của BVHB khiếu kiện do mâu thuẫn nội bộ, không ít thông tin từ bệnh án của một số bệnh nhân đã bị tiết lộ tràn lan. Điều đáng nói là hành vi này lại được thực hiện bởi chính các cổ đông của bệnh viện và trong đó không ít người đang hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực Y tế. Hành vi nói trên đã vi phạm nghiêm trọng Luật Khám chữa bệnh hiện hành và xâm hại trực tiếp đến quyền lợi của người bệnh.

Hình ảnh đơn kiện của các cổ đông (01)

Hình ảnh đơn kiện của các cổ đông (02)

Ngoài ra, hiện có nhiều thông tin cho rằng có hiện tượng lôi kéo bệnh nhân từ bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) về phẫu thuật tại BVHB. Tuy nhiên tới nay, chưa có bằng chứng xác thực nào hoặc kết luận cụ thể từ cơ quan chức năng cho các thông tin nói trên. Thiết nghĩ vụ việc lùm xùm ở Bệnh viện Hoà Bình (Hải Dương) rất cần các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để để bảo vệ quyền lợi cho Bệnh viện, bệnh nhân và tránh các dư luận xấu gây ảnh hưởng tới lĩnh vực y tế. 

Luật khám chữa bệnh

Điều 59. Hồ sơ bệnh án 

Khoản 4. Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định việc cho phép khai thác hồ sơ bệnh án trong các trường hợp sau đây:

a) Sinh viên thực tập, nghiên cứu viên, người hành nghề trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được mượn hồ sơ bệnh án tại chỗ để đọc hoặc sao chép phục vụ cho việc nghiên cứu hoặc công tác chuyên môn kỹ thuật;

b) Đại diện cơ quan quản lý nhà nước về y tế trực tiếp quản lý cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, thanh tra chuyên ngành y tế, cơ quan bảo hiểm, tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần, luật sư được mượn hồ sơ bệnh án tại chỗ để đọc hoặc sao chép phục vụ nhiệm vụ được giao theo thẩm quyền cho phép;

c) Người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh được nhận bản tóm tắt hồ sơ bệnh án theo quy định tại khoản 1 Điều 11 của Luật này.

Khoản 5. Các đối tượng quy định tại khoản 4 Điều này khi sử dụng thông tin trong hồ sơ bệnh án phải giữ bí mật và chỉ được sử dụng đúng mục đích như đã đề nghị với người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh...

Minh Giác.

TIN LIÊN QUAN