Vì sao chiến dịch ném bom Hà Nội bằng B-52 của Mỹ lại thất bại?

20:55, 21/05/2016

Trên chuyến bay đến Hà Nội, tôi mở một trang báo của The New York Times để tìm bài viết của Dave Philipps: “Sau 60 năm, B-52 vẫn thống trị hạm đội Mỹ”.

Xác máy bay B-52 bên ngoài bảo tàng Chiến thắng B52 ở Hà Nội. 


Bài viết này đã làm tôi day dứt trong gần 1 tuần khi tôi du lịch tham quan miền Bắc Việt Nam, cố gắng khơi lại trí nhớ đã lãng quên của người Mỹ đối với người dân của đất nước này và về những gì mà họ gọi là “chiến tranh chống Mỹ”.

Tác giả Dave Philipps kết thúc bằng một trích dẫn của một cựu Hải Quân Nam Việt Nam, Thiếu tá Lương Văn Phước: “Công nghệ của Mỹ thật là siêu việt”, ông nói với Philipps. “Đó là một chiếc máy bay tuyệt vời. Ở Việt Nam, chúng tôi đã không tận dụng hết sức mạnh của nó. Đó là lý do tại sao chúng tôi đã thua cuộc”.

Nếu hỏi ai có thể biết rõ về máy bay B-52, thì chỉ có người dân Hà Nội. Những chiếc máy bay ném bom khổng lồ đã dội bom lên họ suốt 12 ngày đêm trong mùa Giáng sinh năm 1972. Hiện nay, ở Hà Nội đã có một bảo tàng dành riêng cho loại máy bay B-52 của Mỹ, và đống đổ nát từ xác một chiếc máy bay vẫn còn nằm trong một cái hồ nhỏ ở giữa lòng thành phố.

Khi tôi cố gắng tưởng tượng điều gì sẽ diễn ra nếu tôi đang sống giữa những tiếng nổ điếc tai, tôi đã tìm thấy một ý tưởng từ một bài viết trước đó trong hàng loạt bài viết của Philipps. Bài viết mô tả một chuyến thăm vào năm 1972 của Telford Taylor – vị tướng này đã trở thành một thẩm phán tại phiên tòa Nuremberg xét xử tội phạm chiến tranh, ca sĩ hát nhạc dân gian Joan Baez, và 2 công dân Mỹ. Họ đã đi đến Hà Nội vào mùa Giáng sinh năm đó để chuyển thư cho các phi công lái máy bay B-52 này. Một số phi công đã sống sót sau khi bị bắn hạ trong lúc đang thả xuống món quà chúc mừng giáng sinh tàn bạo từ Tổng thống Nixon, và sau đó họ đã bị bắt giữ bởi những người mà họ muốn ném bom.

Những vị khách này đã mô tả nỗi sợ hãi của họ khi đứng giữa tâm bão của sự hủy diệt, và sau đó là cuộc hành trình đi xuyên qua Hà Nội cùng với những đống đổ nát. “Cảnh tượng khủng khiếp nhất mà tôi từng thấy trong cuộc đời mình là khi chúng tôi đến thăm các khu dân cư ở phố Khâm Thiên, và những gì mà tôi có thể nhìn thấy là tất cả mọi thứ đều đã bị phá hủy”, như được viết trong lời chia buồn của Michael Allen, phó khoa Thần học Đại học Yale.

30 năm sau, một nhà báo khác của tạp chí Times tên là Laurence Zuckerman, cũng viết về chiếc máy bay mang tính biểu tượng này: “Sức mạnh tâm lý của máy bay B-52: Kẻ thù biết bạn rất đáng sợ”. Zuckerman đã phản ứng lại một tài liệu về B-52 của nhà làm phim Harmut Bitomsky. Bài viết của Zuckerman không hẳn là để ca ngợi chiếc máy bay lâu năm này. Nhưng cũng giống như Philipps, ông không thể hoàn toàn che giấu sự ngưỡng mộ nhất định đối với tuổi thọ lâu dài của nó.

Một chiếc máy bay đang ném bom xuống Hà Nội

Chiếc B-52 được xây dựng vào đầu những năm 1950 với mục đích ban đầu là thả bom hạt nhân vào Liên Xô. Kể từ đó nó mới chỉ mang theo những quả bom “thông thường”, ném chúng lên toàn bộ người dân và nhà cửa tại hàng chục quốc gia khác nhau. “Được đưa vào hoạt động từ năm 1952 và dự kiến ​​sẽ tiếp tục duy trì và phục vụ cho đến năm 2037, tuổi thọ và tính linh hoạt của chiếc máy bay ném bom khổng lồ này thật là đáng kinh ngạc”, Zuckerman bình luận.

Mặc dù cả hai nhà báo này rất cẩn thận khi chú thích rằng, việc ném bom trải thảm đã gây ra những làn sóng phản đối dữ dội ở cả Hoa Kỳ lẫn quốc tế, nhưng rõ ràng có một điều rất thiếu sót trong các bài viết của họ chính là cảm giác của những ai phải hứng chịu những quả bom được thả từ B-52.

Vụ đánh bom Việt Nam vào mùa Giáng sinh là một tội ác chiến tranh. Không một quan chức nào của Mỹ từng bị xét xử và trừng phạt vì tội ác đó, và điều này cũng vô lý như sự tàn bạo của nó. Các cuộc đàm phán để quân đội Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam đã đi đến kết luận chỉ trong vòng một vài tuần. Lẽ nào vài phút đạt được lợi thế trong những cuộc đàm phán đó phải đánh đổi bằng cái chết của hơn 1.000 người Việt Nam?

Người chết sau một đợt ném bom phi nhân tính của B-52 xuống Hà Nội năm 1972

Mỹ đã ném bom miền Bắc Việt Nam trong suốt 8 năm trời đằng đẵng, nhưng chỉ trúng vài mục tiêu quân sự. Philipps trích dẫn lời phát biểu của một viên phi công với lập luận rằng những vụ đánh bom của họ vẫn đạt được một giá trị chiến lược nhất định: “Chúng tôi đâu phải là đi giết khỉ và san bằng những cánh rừng”, viên phi công này tuyên bố. Tuy nhiên, những mục tiêu mà B-52 nhắm đến chính là cộng đồng dân cư và các cơ sở hạ tầng đang nối kết cuộc sống của họ lại với nhau. Máy bay của Mỹ đã tàn phá hàng loạt đê điều nhằm cố gắng gây ra những trận lũ lụt tại Hà Nội và các vùng nông thôn khác. Họ cũng ném bom cầu sắt Long Biên, vì đây là cầu nối vận chuyển lương thực và than vào Hà Nội để mọi người có thể ăn và giữ ấm.

Những chiếc B-52 và phi đội máy bay tiêm kích F-4 và F-14 cũng dội bom vào thị trấn Sapa nhỏ bé nằm trên những ngọn đồi phía bắc của Hà Nội, gần biên giới Trung Quốc. Sapa chỉ là một trung tâm văn hóa của nhiều dân tộc thiểu số Việt Nam. Nó không hề có giá trị quân sự. Vậy tại sao phải đánh bom nơi này, phải chăng mục đích của họ là muốn đe doạ người dân và đòi trả thù những người đã dám kháng cự?

Xác máy bay B52 bị bắn rơi tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Trong chuyến du lịch miền Bắc, đôi khi những người dân bình thường, chủ yếu là những tài xế hoặc người phục vụ trong nhà hàng, sẽ nhiệt tình trả lời câu hỏi của tôi, rằng nơi nào mà tôi cần phải khám phá ở Hà Nội. Đa số họ đều khuyên tôi nên tham quan Bảo tàng Quân đội. Vào một buổi sáng nọ, tôi đã đến nơi này, và tôi đã biết được lý do tại sao [họ phải khuyên tôi]. Ở dưới sân ngay bên ngoài sảnh chính trưng bày rất nhiều những chiếc xe tăng, và một chiếc máy bay trực thăng Huey, cùng với hàng loạt những quả bom. Trong sân, xác những chiếc máy bay bị bắn hạ đã được lắp ráp lại với nhau thành hình một tòa tháp, ở trên cùng là cái đuôi của một chiếc máy bay phản lực Mỹ.

Trẻ con thì tha hồ trèo lên tất cả các loại hiện vật này. Ngay phía cổng vào của bảo tàng, họ trưng bày một chiếc máy bay chiến đấu MiG đời cũ, do Liên Xô chế tạo và gửi tới Việt Nam. Các bậc phụ huynh đặt những đứa bé lên trên một cái thang nhỏ được bắt vít vào chiếc máy bay này, và ở đó, họ dùng điện thoại di động iPhone để chụp hình. Trên thân máy bay là 14 ngôi sao màu đỏ ghi dấu chừng ấy lần các loại máy bay của Mỹ đã bị chiếc MiG này bắn hạ.

Khoảnh khắc đó đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc trái ngược. Tôi rất vui khi thấy các thiết bị giết người dùng trong chiến tranh đang được vây quanh bởi những gia đình rạng ngời hạnh phúc. Nhưng sau đó, tôi lại nghĩ về viên phi công đã lái chiếc máy bay MiG này. Thật là kinh hoàng khi viên phi công này phải xoay sở để bay thoát khỏi tầm bắn của hàng loạt tên lửa phòng không và tên lửa đạn đạo đang khiến cho Hà Nội sáng lòa trong bão lửa. Rồi viên phi công này lại xoay sở tìm cách bắn vào những chiếc B-52, và bắn vào dàn máy bay tiêm kích hộ tống những chiếc máy bay ném bom. Và sau đó, tôi lại nhận ra rằng, cũng thật là kinh hoàng đối với các phi công của Mỹ. 84 chiếc máy bay đã bị bắn hạ trên bầu trời Việt Nam trong vụ đánh bom rải thảm mùa Giáng sinh, trong đó có 34 máy bay ném bom chiến lược Boeing B-52 Stratofortress, con số này do viện bảo tàng cung cấp.

Ngày nay, đối với những cuộc chiến điều khiển từ xa, chỉ tập trung vào việc sử dụng nhiều loại máy bay chiến đấu không người lái được điều khiển từ màn hình máy tính ở Colorado, thì dường như người phi công đã không còn sợ hãi. Nhưng còn những người đang hứng chịu làn mưa bom lửa đạn ấy? Hiện nay, đối với người dân sống ở các thành phố cổ Sana’a hoặc Kunduz, thực tế kinh hoàng ấy cũng ám ảnh không kém gì người dân Hà Nội đã gánh chịu trong vụ đánh bom rải thảm mùa Giáng sinh 1972.

Hà Nội đã được tái thiết từ rất lâu. Tại thủ đô và các vùng lân cận, Việt Nam đang bước vào công cuộc xây dựng, và tác động của chiến tranh thì không còn nhìn thấy được. Những đứa trẻ sinh ra trong vụ đánh bom rải thảm mùa Giáng sinh đã tổ chức sinh nhật lần thứ 43 của mình.

Ga Hà Nội bị tàn phá bởi một đợt ném bom của máy bay Mỹ trong sự kiện Hà Nội 12 ngày đêm

Mọi người lần lượt đi bộ xuyên qua những phòng triển lãm của Bảo tàng Quân đội để tham quan những hình ảnh tái hiện tất cả những hoạt động mà người Việt Nam đã từng làm trong thời chiến đó. Một số hình ảnh cho thấy những cuộc họp của Quân ủy Trung ương đang đưa ra các quyết sách để chiến đấu chống lại người Mỹ. Một số khác là những tấm hình chụp lại cảnh người dân đang tham gia trong các cuộc biểu tình, đặc biệt là ở miền Nam, họ yêu cầu người nước ngoài phải rời khỏi Việt Nam. Một số hình ảnh cho thấy sự cần cù của người dân miền Bắc, đang vận chuyển thực phẩm và binh lính vào miền Nam để đánh Mỹ. Có rất nhiều bức chân dung của những người bị giết, hoặc bị giam cầm trong các chuồng cọp khét tiếng, vì đã chiến đấu với Hoa Kỳ và chính phủ Nam Việt Nam – một chính phủ đã được người Mỹ dựng lên cho đến khi chiếc trực thăng cuối cùng cất cánh từ nóc tòa nhà Đại sứ quán Mỹ vào ngày 1 tháng 5 năm 1975.

Nhưng bất chấp hậu quả của vụ đánh bom cũng như hồ sơ tỉ mỉ về hậu quả kinh hoàng của cuộc chiến , hầu hết những người Việt Nam mà tôi từng gặp đều ít thể hiện sự thù địch hoặc cay đắng. Chỉ vì cuối cùng, họ đã giành được chiến thắng. Những nhà hoạch định cho cuộc chiến này ở Washington sẽ nghĩ như thế nào nếu người Mỹ giành chiến thắng? Người Việt Nam đã không chút chậm trễ trong việc tổ chức nổi dậy. Khó mà nói là họ cù lần hay thờ ơ với chính trị, mặc dù điều này chắc chắn là khuôn mẫu thịnh hành trong Quốc hội và Ngũ Giác Đài thời đó.

Bảo tàng Quân đội chỉ tập trung phản ánh cuộc chiến tranh với Mỹ. Nhưng khoảng 7 – 8 bảo tàng khác ở Hà Nội cũng ghi lại dấu ấn lịch sử vẻ vang của những cuộc cách mạng ở Việt Nam – đây là một tiến trình rất dài lâu mới giành được tự do cho đất nước. Rất nhiều tổ chức chính trị tinh vi phải mất nhiều thập kỷ mới có thể trưởng thành và có nhiều kinh nghiệm. Trước khi có sự can thiệp của Mỹ, người Việt Nam đã trải qua rất nhiều năm kinh nghiệm chiến tranh. Và cuối cùng, kinh nghiệm đó đã dẫn đến sự thất bại của Hoa Kỳ.

Nhằm phỉ báng chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa cộng sản Việt Nam, những người trong Quốc hội Hoa Kỳ đã vận dụng những ngôn từ rất giống với những lời phỉ báng mà họ dành cho những chiến binh Hồi giáo cực đoan thời nay. Rốt cuộc, trong hơn một thế kỷ, khủng bố là một thuật ngữ mà họ dùng để mô tả những người theo chủ nghĩa vô chính phủ và chủ nghĩa xã hội. Ngôn ngữ khủng bố ấy và cuộc Chiến tranh Lạnh đã được sử dụng để tạo ra sự hiếu chiến, từ đó dễ dàng có được một lý do để gửi các cố vấn và sau đó là gửi binh lính Mỹ sang Việt Nam tham chiến, ngay khi người Pháp đã bị đánh bại vào năm 1954. Cuối cùng, nó đã được sử dụng để biện minh cho vụ B-52 đánh bom rải thảm vào mùa Giáng sinh năm 1972. Nó đã khiến cho hàng triệu mạng sống người dân Việt Nam, cũng như hàng chục ngàn binh lính Mỹ bị chết thảm.

Khi Tổng thống Reagan và những đời Tổng thống kế tiếp tìm cách vượt qua “Hội chứng Việt Nam”, để quốc tế chấp nhận sự can thiệp của họ, thì thêm một lần nữa, họ đã sử dụng ngôn từ đó. Thậm chí, đến ngày hôm nay, họ lại biện minh cho việc sử dụng máy bay ném bom B-52, đã được Mỹ sản xuất cách đây 63 năm. Không quân Hoa Kỳ hoàn toàn không có ý định cho về hưu 76 máy bay đang nằm trong phi đội của họ. Trên thực tế, hiện nay, những người nối bước tướng Curtis Lemay (nổi tiếng khi đã tuyên bố “sẽ đánh bom miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”) lại muốn triển khai B-52 ở Syria.

Họ là những người cố tình không muốn nhớ. Vụ đánh bom rải thảm vào mùa Giáng sinh đã không hạ gục được người Việt Nam. Rõ ràng cựu Thiếu Tá Lương Văn Phước đã sai lầm. Nếu có nhiều B52 hơn nữa thì cũng không thể nào giành được chiến thắng trong cuộc chiến đó. Và họ cũng không khi nào giành được chiến thắng nếu muốn phát động bất kỳ cuộc chiến mới nào để chống lại một dân tộc luôn sẵn sàng làm bất cứ điều gì để tồn tại và để giành chiến thắng.

Cầu Long Biên

Khi đi bộ qua các đường phố của Hà Nội, tôi mới biết rõ lý do tại sao. Một buổi sáng nọ, tôi đi ra cầu Long Biên để chụp ảnh lúc bình minh lên. Những đoàn tàu hoả rời khỏi trung tâm thành phố Hà Nội để chạy về hướng bắc khi trời đang mờ sáng. Thật là một thời điểm tuyệt vời khi nhìn thấy chúng hiện ra từ dãy nhà đông đúc sát bên cạnh đường ray, những toa tàu cũ kỹ thoáng xuất hiện băng qua những nhịp cầu nối dài vắt ngang qua sông Hồng.

Long Biên là một cây cầu cũ, và là 1 trong 4 cây cầu lớn nhất của thế giới khi nó được xây dựng vào năm 1902. Một tấm bảng kim loại nằm ngay đầu cầu nhắc nhở hành khách sử dụng xe đạp và xe mô tô biết rằng nó được xây dựng bởi kiến trúc sư Gustav Eiffel, chính là tác giả của ngọn tháp Eiffel nổi tiếng nằm bên sông Seine của Pháp. Trong thời chiến tranh chống Mỹ, nó có lẽ là một trong những cấu trúc mà máy bay ném bom của Mỹ nhìn thấy rõ ràng nhất từ trên cao, và họ đã hủy hoại nó bằng rất nhiều đợt ném bom.

Nằm dưới chân cầu là ngôi chợ đầu mối Long Biên, chủ yếu kinh doanh các loại rau củ quả mua lại từ những nông dân sống tại các tỉnh giáp ranh đem lên Hà Nội. Khi tôi chụp ảnh đoàn tàu và các quầy hàng nằm dưới chân cầu, tôi đã cố gắng tưởng tượng những cột khói, những tiếng gầm đinh tai nhức óc của động cơ phản lực và sau đó là tiếng bom nổ, nhưng tiếng người la hét cùng với tiếng chó sủa và tiếng những chiếc xe ba gác chở dưa đã kéo tôi trở về thực tại.

Khi xe lửa chạy ngang qua, tôi tự hỏi rằng những đầu máy xe lửa này chắc có lẽ đã được sửa chữa khoảng 1.000 lần trong suốt cuộc chiến này. Vì nhìn chúng rất cũ kỹ. Mặc dù Hà Nội nhìn có vẻ rất hào nhoáng với làn sóng mới đầu tư từ nước ngoài, nhưng Việt Nam vẫn là một nước nghèo. Mọi thứ phải được tiết kiệm và được tái sử dụng hết lần này đến lần khác, bao gồm cả đường sắt, xe hơi và những cây cầu.

Tôi cảm thấy sự kiên trì của người Việt Nam như ánh mặt trời tỏa sáng mỗi ngày. Đó là lý do tại sao mà trải qua nhiều đợt ném bom dữ dội, bất chấp sự hủy diệt ghê rợn của nó, cuối cùng thì vụ B-52 đánh bom rải thảm vào mùa Giáng sinh đã hoàn toàn thất bại.

-----------------------------

David Bacon là tác giả của cuốn sách “Những người sống ngoài vòng pháp luật – Chính sách toàn cầu hóa đã tác động như thế nào đối với tình trạng di cư và làn sóng tội phạm nhập cư” (năm 2008), và  “Quyền có nhà để ở” (năm 2013). Bài viết này đã được xuất bản lần đầu tại Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại Mỹ (FPIF).

telecomit.vn theo vietdaikynguyen.com