Việt Nam đang phụ thuộc 100% nguồn cung chip bán dẫn từ nước ngoài

07:56, 22/10/2022

Ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu, đa phần các cơ sở sản xuất mới chỉ thực hiện các công đoạn lắp ráp thành phẩm có giá trị gia tăng thấp trong chuỗi cung ứng.

Ngày 21/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền Thông) phối hợp Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chính Minh (SHTP) tổ chức Hội thảo “Giải pháp và cơ chế chính sách phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam”.

Các đại biểu cho rằng, vi mạch bán dẫn được xem là nền tảng của tính toán hiện đại, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thế giới bước sang giai đoạn bùng nổ nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các công nghệ mới như: AI, IoT, 5G, Big Data…

Việt Nam hiện đang phụ thuộc 100% nguồn cung chip bán dẫn từ nước ngoài.

Các hoạt động nghiên cứu, thiết kế, sản xuất vi mạch bán dẫn hiện được hưởng các ưu đãi cao trong hệ thống chính sách của Chính phủ. Tình hình kinh tế, chính trị ổn định đã nâng cao uy tín và mở ra cơ hội để Việt Nam trở thành điểm đến thu hút nguồn vốn FDI của một số tập đoàn công nghệ bán dẫn hàng đầu thế giới, như: Samsung, Amkor Technology Inc, Hana Micron (Hàn quốc); Intel, Synopsys (Mỹ); Renesas Electronics (Nhật bản); USI Electronic của Đài Loan (Trung Quốc)…

Tuy nhiên, ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam chưa có chiến lược, giải pháp, kế hoạch đầu tư bài bản tầm quốc gia để phát triển. Nhìn chung, ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu, đa phần các cơ sở sản xuất mới chỉ thực hiện các công đoạn lắp ráp thành phẩm có giá trị gia tăng thấp trong chuỗi cung ứng.

Theo Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, đối với thiết kế vi mạch, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu có VHT và FPT Semiconductor tham gia với khoảng 200 nhân viên. Còn lại khoảng 30 công ty nước ngoài đến từ Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Hàn Quốc đã đầu tư tại Việt Nam cùng với với đội ngũ nhân lực ước tính khoảng 5.000 kỹ sư, có thể đảm nhận công việc ở tất cả các mảng việc trong khâu thiết kế. Trong đó, phân bổ nhân lực tập trung nhiều nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh (85%), Hà Nội (8%) và Đà Nẵng (7%).

Việt Nam hiện đang phụ thuộc 100% nguồn cung chip bán dẫn từ nước ngoài: Broadcom, Hitachi, Qualcomm, Samsung, SK Hylix... Các công ty trong nước chỉ có VHT và FPT tham gia với công đoạn thiết kế chip; các công ty trong nước có vốn đầu tư nước ngoài đa phần thực hiện các công đoạn gia công thiết kế vi mạch, lắp ráp, kiểm định.

Ngoài ra, hội thảo tập trung thảo luận các vấn đề về: Định hướng phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam; chính sách, giải pháp để nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị công nghiệp vi mạch bán dẫn thế giới; trao đổi các giải pháp, cơ chế chính sách đặc thù của Nhà nước cần thực hiện để phát triển ngành, thúc đẩy các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực vi mạch bán dẫn…

Uyên Thư (T/h)