Những vũ khí tốt nhất của Nga mà Việt Nam đang có

07:22, 16/05/2014

Theo Đài tiếng nói nước Nga, trong vòng 4 năm tới, Việt Nam sẽ là đối tác chính của Nga tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong lĩnh vực hợp tác quân sự - kỹ thuật.

Đó là điều đã được khẳng định tại phiên họp gần đây của Ủy ban liên Chính phủ Nga-Việt về hợp tác kỹ thuật-quân sự.

Tiềm lực quân sự mạnh

Theo dự báo của Trung tâm Phân tích thương mại vũ khí thế giới (TSAMTO), trong giai đoạn 2012 - 2015, cơ cấu xuất khẩu vũ khí của Nga sẽ có thay đổi. Việt Nam chiếm vị trí thứ ba sau Ấn Độ và Venezuela. Trong khi 4 năm trước đây, vị trí thứ hai và thứ ba thuộc về Algeria và Trung Quốc.

Trong mấy năm gần đây, Việt Nam đã mua của Nga 20 máy bay chiến đấu Su-30MK2, một số hệ thống tên lửa phòng không S-300, tổ hợp cơ động ven biển "Bastion - P" với hệ thống tên lửa siêu thanh tự định vị chống tàu "Yakhont" và tổ hợp tên lửa phòng không "Igla". Với những vũ khí hiện đại của Nga, Việt Nam đang củng cố lực lượng hải quân của mình, yếu tố hết sức quan trọng đối với đất nước hiện nay trong bối cảnh tình hình bùng phát căng thẳng trên vùng biển - ông Igor Korotchenko, lãnh đạo TSAMTO nhận định.

Máy bay chiến đấu Su-30MK2.

Ông Korotchenko cho biết thêm: “Trong những năm gần đây, Việt Nam đã mua 12 tàu tên lửa "Molnia" có sức chiến đấu và khả năng tấn công mạnh. 2 tàu được cung cấp từ Nga, còn 10 chiếc khác được cấp phép đóng tại Việt Nam.

Cùng đó là hợp đồng giữa Nga và Việt Nam về việc cung cấp 6 tàu ngầm diesel lớp Kilo 636 cho Việt Nam (hiện đã về Việt Nam 2 tàu), nên vị thế trên biển của Việt Nam cũng khác, trở thành một trong những “thủ lĩnh khu vực” sở hữu thế mạnh về tàu ngầm.

 

Tàu ngầm diesel-điện Hà Nội lớp Kilo của Hải quân Việt Nam mua của Nga. Đến năm 2016, Việt Nam sẽ có hạm đội tàu ngầm với 6 chiếc thuộc lớp Kilo.

Thêm nữa, đó là ký kết thỏa thuận về việc thành lập xí nghiệp liên doanh sản xuất tên lửa chống hạm loại “Uran” giữa hai nước và phương hướng trong hợp tác kỹ thuật-quân sự Nga-Việt là hiện đại hóa phần lớn các vũ khí thời Liên Xô hiện có trong bộ trang bị của Quân đội Việt Nam. Nhờ nâng cấp kịp thời và đúng đắn, thời hạn sử dụng của những trang bị này có thể kéo dài thêm từ 10 đến 15 năm, và hiển nhiên đây là điều mà phía Việt Nam rất quan tâm.

Việt Nam cũng cần hiện đại hóa hệ thống phòng không, mà như thế có nghĩa là phía trước còn những hợp đồng lớn nhắm tới cung cấp những tổ hợp tên lửa chống máy bay S-300 và các chiến đấu cơ của Nga, - chuyên viên Igor Korotchenko dự đoán.

Vũ khí Igla3

Lãnh đạo TSAMTO đánh giá: “Tất cả những công việc này làm Việt Nam trở thành đối tác ổn định và khá cơ bản của Nga”. Đối với Việt Nam, mục tiêu quan trọng hơn hết là nhận được những loại vũ khí tốt nhất của Nga. Đó cũng là những gì mà đất nước đối tác của Nga đang nhận được lúc này và sẽ nhận tiếp trong tương lai.

Trung Quốc: Tức giận vì Nga cung cấp vũ khí cho Việt Nam

Trang mạng quân sự Sina (Trung Quốc) ngày 17/4/2014 dẫn tờ "Kommersant" Nga ngày 17/4 đăng bài viết nhan đề “Nga: Trung Quốc tức giận Nga cung cấp vũ khí cho Việt Nam, lên án hợp tác Nga-Việt ở Biển Đông”. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của bài viết này (nói về tiềm lực quân sự của Việt Nam), nên chỉ lược đăng một số nội dung có liên quan đến quân sự để độc giả tham khảo.

Theo bài báo, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 16/4 đã đến thăm Việt Nam. Moscow coi Hà Nội là đồng minh chiến lược của mình ở Đông Nam Á, công ty Nga tích cực tham gia hợp tác lĩnh vực năng lượng với Việt Nam, Việt Nam mua rất nhiều trang bị quân sự của Nga, Hiệp định Khu mậu dịch tự do liên minh thuế quan mà Việt-Nga có kế hoạch ký kết sẽ đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới.

Trên phương diện quan hệ đối tác chiến lược Việt-Nga, quan trọng nhất là hợp tác kỹ thuật quân sự. Việt Nam hàng năm mua hơn 1,5 tỷ USD vũ khí và trang bị quân sự của Công ty xuất khẩu quốc phòng Nga (Rosoboronexport), từ đó giúp cho Hà Nội đứng vào top 5 nước lớn nhập khẩu vũ khí từ Nga.

Giao dịch quan trọng nhất là mua 12 máy bay tiêm kích Su-30MK2 và 6 tàu ngầm diesel-điện lớp Kilo, lô 2 tàu ngầm đầu tiên đã chính thức bàn giao sử dụng vào đầu tháng 4 năm 2014, lễ bàn giao, thượng cờ đã được tổ chức ở vịnh Cam Ranh - căn cứ hải quân của Liên Xô cũ.

Cũng theo bài báo, hiện Bộ Quốc phòng Việt Nam đang cân nhắc vấn đề khả năng nâng cấp xe tăng T-72 do Liên Xô chế tạo và mua xe tăng T-90 phiên bản mới của Nga.

Thanh Trà (tổng hợp)