Việt Nam xây dựng mô hình dự báo bão sớm 3 ngày

09:52, 07/11/2021

Mô hình động lực đo được sự phát triển và di chuyển của xoáy thuận nhiệt đới trên Biển Đông giúp cảnh báo sớm bão, áp thấp nhiệt đới.

Sáng 6/11, tại hội nghị tổng kết chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia "Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ quản lý biển, hải đảo và phát triển kinh tế biển" (KC.09 giai đoạn 2016-2020), Ban Chủ nhiệm chương trình đã nêu nhiều kết quả sau 5 năm thực hiện. Toàn chương trình có 41 nhiệm vụ nghiên cứu đã triển khai.

Đề tài "Dự báo sự hình thành, phát triển, di chuyển của xoáy thuận nhiệt đới trên Biển Đông và ảnh hưởng đến sóng và thời tiết các khu vực biển Việt Nam hạn 3 ngày" do GS. TS Trần Tân Tiến, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, chủ nhiệm đề tài là một trong số nhiệm vụ điển hình. Ông cho biết, từ nghiên cứu này, các nhà khoa học đã xây dựng được các mô hình dự báo. Mô hình động lực 4 công nghệ dự báo số lượng và vùng hoạt động của bão, thời tiết và sóng biển trên Biển Đông và khu vực ven biển, làm cơ sở để cảnh báo sớm sóng, khí tượng thủy văn, sử dụng làm dự báo và phát báo độc lập, tai biến tự nhiên.

Mô hình này chi tiết hơn những dự báo hiện có, từ quỹ đạo, cường độ và dự báo thời tiết... Nhóm cũng xây dựng phương trình dự báo nhiệt độ tối cao, độ ẩm tương đối, lượng mưa ở 15 trạm khí tượng ven biển. "Mô hình hoạt động ổn định trên cơ sở điều hành dự báo đúng việc hình thành và hướng phát triển của xoáy thuận nhiệt đới để đưa ra cảnh báo đúng, sớm nhằm giảm nhẹ thiên tai", GS Tiến cho biết.

Ứng dụng mô hình vào thực tế, nhóm nghiên cứu đã cài đặt và thử nghiệm tại bốn trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn cho mùa bão năm 2020, thực hiện dự báo cho 4 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Kết quả cho thấy các cơn áp thấp được dự báo hầu hết đều sớm hơn thực tế. Theo GS Tiến, việc giảm bớt sai số trong dự báo cũng giúp đưa công nghệ dự báo tiệm cận với công nghệ trong khu vực, phục vụ thực tế dự báo thời tiết, sóng.

Vị trí và dự báo hướng đi của bão Côn Sơn ngày 10/9. Đồ họa:NCHMF.

Vị trí và dự báo hướng đi của bão Côn Sơn ngày 10/9.

Ở nhiệm vụ nghiên cứu phát triển, ứng dụng các công nghệ tiên tiến để tạo chuỗi sản phẩm có giá trị cao từ nguồn lợi hải sản do TS Trần Quốc Toàn, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, làm chủ nhiệm đã đưa ra công nghệ tận dụng được nguyên liệu từ vỏ và ruột hàu thành các sản phẩm ứng dụng trong điều trị kháng viêm, chữa vảy nến hay bột nano canxi, phụ gia dược phẩm.

Sau 5 năm thực hiện, các nhiệm vụ thuộc chương trình KC.09 tập trung nghiên cứu, tìm ra giải pháp sử dụng hợp lý tài nguyên phát triển kinh tế biển; tài nguyên môi trường, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai và đảm bảo an ninh trật tự, ổn định dân cư phục vụ phát triển kinh tế xã hội bền vững trên các đảo Việt Nam. Theo báo cáo chương trình, 36 nhiệm vụ đã nghiệm thu, 4 đề tài khác chưa nhiệm thu do dịch bệnh và một đề tài dừng thực hiện.

GS.TSKH Phạm Hoàng Hải, chủ nhiệm chương trình cho biết, chỉ tiêu về trình độ khoa học đạt cao, trong đó có 163 bài báo trong nước và 76 bài báo quốc tế. Ông cũng nhấn mạnh, chương trình lần đầu tiên có đề tài tự chủ nghiên cứu về biển sâu, giúp tìm ra vùng có triển vọng khoảng sản, phục vụ khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên biển...

Chương trình đề xuất các giải pháp hiệu quả cho khai thác sử dụng, phục hồi nguồn lợi, tài nguyên biển, phát triển các mô hình quy hoạch không gian đới bờ và vùng biển, đảo xa bờ; ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong dự báo, cảnh báo và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển và bảo vệ môi trường.

Theo GS Hải, nhiều đề tài KC.09 cũng nghiên cứu các vấn đề liên quan xây dựng luật biển, sử dụng biển, qua đó xây dựng hồ sơ pháp lý phục vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. Các nghiên cứu đã thu thập, hệ thống hóa thông tin, tài liệu phục vụ hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về biển, cơ sở khoa học và thực tiễn.

Ông Lê Quang Thành, Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội Nhân văn và Tự nhiên (Bộ Khoa học và Công nghệ) đánh giá KC.09 là chương trình có độ liên tục, trải dài suốt 45 năm qua, từng giai đoạn có những nhiệm vụ riêng. Ở giai đoạn mới, với đề án tái cấu trúc chương trình, ông nhấn mạnh về việc phát triển bền vững kinh tế biển, xây dựng cơ sở pháp lý phục vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên bảo tồn đa dạng sinh học, đưa các ứng dụng khoa học công nghệ trong nghiên cứu, dự báo các dạng tai biến thiên nhiên, ứng phó biến đổi khí hậu.

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng đánh giá KC.09 đã tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị ứng dụng cao, được thương mại hóa, mô hình công nghệ được ứng dụng thực tế. Kết quả từ các đề tài góp phần giải quyết nhiều vấn đề nhiệm vụ cấp bách, trong đó nổi bật khai thác sử dụng tài nguyên biển, bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai, bảo đảm quốc phòng an ninh. "Những kết quả ứng dụng mang tính dự báo rất quan trọng, việc đưa ra kiến nghị đề xuất về chính sách là tiếng nói giúp trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành", ông nói.

Một số nội dung mô hình, công nghệ và khai thác nuôi trồng chế biến nguồn lợi sinh vật, công trình chống xói lở bờ biển, Thứ trưởng mong muốn được đẩy mạnh hơn. Các nhà khoa học cũng phải tính toán được hiệu quả kinh tế từ việc áp dụng các công nghệ, mô hình, sản phẩm, khi đó sẽ thu hút và có sự phối hợp với doanh nghiệp ứng dụng.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiên cứu về biển, Thứ trưởng cho biết phía Bộ cam kết quan tâm và đầu tư, tiến hành tái cơ cấu khung chương trình, xây dựng chiến lược tầm nhìn trên cơ sở xem xét tổng thể các lĩnh vực, ngành, địa phương.

Theo/vnexpress.net