Vĩnh Phúc tổng kết 20 năm thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”

13:18, 04/11/2021

UBND tỉnh Vĩnh Phúc có báo cáo kết quả Tổng kết 20 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Tuyên dương các danh hiệu văn hóa giai đoạn 2000 - 2020.

Cụ thể, kết quả thực hiện như sau.

Phong trào Đoàn kết giúp nhau “Xóa đói giảm nghèo”

Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” được triển khai sâu rộng.Các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời triển khai, phát động nhiều phong trào thi đua như: phong trào “Tương thân, tương ái”, “Quỹ vì người nghèo“, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”… Các phong trào được tổ chức thường xuyên và thu hút sự hưởng ứng của nhiều lực lượng xã hội; các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo được kịp thời.

Kết quả tổ chức triển khai Chương trình, chính sách giảm nghèo đã thực sự đi vào cuộc sống, có tác dụng thiết thực với các đối tượng thụ hưởng phù hợp với thực tế hiện nay, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế và tăng trưởng bền vững của tỉnh. Chính sách giảm nghèo của tỉnh đã giúp người nghèo, người cận nghèo cải thiện điều kiện sống, từ sinh hoạt đến công tác chăm sóc sức khoẻ, đời sống tinh thần, văn hóa...

Bên cạnh đó, đã có nhiều bộ phận đối tượng tự nỗ lực vươn lên hoà nhập với cộng đồng, như: Hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, Người khuyết tật thuộc diện nghèo tự lực vươn lên tham gia phát triển kinh tế tự nuôi sống bản thân… Công tác giảm nghèo của tỉnh đã gắn chặt với phát triển cộng đồng và phát triển nông thôn. Đầu tư cho giảm nghèo cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực tế và nâng cao năng lực việc làm cho người nghèo, cận nghèo...

Trong thời gian qua, bình quân mỗi năm trợ giúp pháp lý cho trên 2.200 lượt người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số; có tổng số 10.317 hộ nghèo và 10.866 hộ cận nghèo được hỗ trợ đầu thu truyền hình kỹ thuật số; có 277 hộ nghèo được vay vốn làm nhà ở với số tiền trên 6.925 triệu đồng, có 3.227 hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ Tết, kinh phí thực hiện trên 4 tỷ đồng; trao 200 xuất học bổng với trị giá 1 tỷ đồng cho học sinh con hộ nghèo trên địa bàn tỉnh; tổ chức khám bệnh miễn phí cho hàng nghìn lượt người nghèo... Đến 30/6/2019, 110/110 xã hoàn thành tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đến nay chỉ còn dưới 1%.

Công tác giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm tiếp tục được quan tâm thực hiện. Hoạt động hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm được tăng cường. Các dự án vay vốn tạo việc làm, hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài và các chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm được thực hiện hiệu quả.  Các chính sách về lao động, việc làm, nhà ở và cải thiện môi trường, điều kiện sống của người lao động được ban hành và thực hiện.

Các chế độ, chính sách của Nhà nước về an sinh, bảo trợ xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định; ban hành nhiều chính sách đặc thù, mở rộng đối tượng và tăng mức hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng. Chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, nhất là bảo hiểm y tế toàn dân đã đạt được những kết quả quan trọng. Chính sách đối với người có công, gia đình chính sách được đặc biệt quan tâm. Công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đạt nhiều kết quả tích cực. Bình đẳng giới, chống bạo hành có sự chuyển biến rõ rệt. Các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc, vùng tôn giáo được quan tâm thực hiện.

Thực hiện Nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật

Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 9 (khóa XI) và Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, các cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về nội dung, mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần làm cho văn hóa thực sự thấm sâu vào toàn bộ đời sống và các hoạt động xã hội; xây dựng môi trường văn hóa xanh, sạch, đẹp, dọn dẹp vệ sinh khuôn viên cơ quan, trồng cây xanh, tu bổ chăm sóc vườn hoa cây cảnh cơ quan; cải thiện điều kiện môi trường làm việc, văn minh trong ứng xử, khoa học trong công việc... ban hành Quy chế làm việc, Quy chế tiếp công dân, niêm yết công khai các thủ tục hành chính; xây dựng hòm thư góp ý, đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; không để xảy ra ngộ độc thực phẩm đông người, không có tử vong do ngộ độc thực phẩm;tích cực tuyên truyền, hỗ trợ, giúp đỡ các địa phương xây dựng nông thôn mới, giữ gìn, bảo vệ môi trường.

Phong trào thi đua“Vĩnh Phúc chung sức xây dựng nông thôn mới”, được phát động sâu rộng trong toàn tỉnh với tinh thần chủ động, quyết tâm, sáng tạo, quyết liệt và hiệu quả, cơ sở hạ tầng nông thôn ngày một khang trang, góp phần làm cho diện mạo nông thôn khởi sắc, hình thành mô hình cảnh quan xanh - sạch - đẹp... Đến năm 2019, toàn tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 04/09 huyện, thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; dự kiến hết năm 2020, có 100% số huyện, thành phố hoàn thiện thủ tục công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, một số xã/thôn được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Công tác quốc phòng - an ninh được tăng cường, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Phong trào thi đua “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, “Vì an ninh Tổ quốc” với khẩu hiệu thi đua: “Kỷ cương, trách nhiệm, trí tuệ, hiệu quả; Công an Vĩnh Phúc - Tất cả vì sự bình yên của nhân dân” của ngành công an được triển khai mạnh mẽ, nâng cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang, tích cực phòng chống các tệ nạn xã hội, kiềm chế và đẩy lùi tai nạn giao thông; từng bước xã hội hoá công tác phòng, chống tội phạm trong toàn dân, tạo thế trận an ninh nhân dân vững chắc, phòng chống có hiệu quả âm mưu “Diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch; đóng góp to lớn vào việc thực hiện nhiệm vụ giữ vững an ninh ổn định chính trị của tỉnh và quốc gia.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội

Về việc cưới

Hầu hết các đám cưới đã được đơn giản hóa về thủ tục, tổ chức trang trọng, tiết kiệm phù hợp với thuần phong, mỹ tục và điều kiện kinh tế của gia đình; chấp hành nghiêm Luật Hôn nhân và Gia đình, Quyết định 308/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 11-CT/TU của Tỉnh ủy, Quyết định 02/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh, quy ước, hương ước của làng, thôn, tổ dân phố.

Các thủ tục chạm ngõ, ăn hỏi, xin cưới, đón dâu được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ, không phô trương hình thức, không rườm rà, không nặng về đòi hỏi lễ vật, dần hình thành tổ chức đám cưới theo nếp sống mới: Đa số tổ chức trong 1 ngày, không mời khách tràn lan, tổ chức trong phạm vi gia đình, dòng họ, không mời hút thuốc lá, không ăn lại mặt, tổ chức nghi lễ đơn giản, tiết kiệm, đã góp phần giảm gánh nặng chi phí kinh tế cho gia đình (giảm chi phí từ 30 đến 40%). Hàng năm có trên 95% các đám cưới thực hiện nghiêm các Quyết định, Chỉ thị của Trung ương và của Tỉnh.

Về việc tang

Các hủ tục lạc hậu trong việc tang cơ bản đã được loại bỏ như không để linh cữu tại nhà quá 48 giờ; hạn chế việc rải vàng mã, tiền trên đường đưa tang. Việc cử nhạc tang được chấp hành nghiêm chỉnh theo tinh thần Quyết định 308/2005/QĐ-TTg,Quyết định 02/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh: không cử nhạc tang trước 5 giờ sáng và sau 22 giờ đêm, việc tổ chức cúng 49 ngày, 100 ngày, giỗ đầu, giỗ hết, cải táng được tiến hành gọn nhẹ, tiết kiệm. Việc thực hiện vòng hoa luân chuyển từng bước được thực hiện và đạt được kết quả bước đầu.

Về Lễ hội

Trong những năm qua, công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, các địa phương, các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ với Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể, tổ chức xã hội quản lý, hướng dẫn và tổ chức các lễ hội truyền thống đảm bảo đúng nghi lễ, hình thức phù hợp, phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống, ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực, thương mại hóa trong lễ hội như: xóc thẻ, bói toán, chèo kéo khách mua đồ lễ..

Nhiều trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa được khôi phục như: vật dân tộc, cờ người, kéo co, trình diễn nghề… Một số lễ hội phát huy tốt công tác xã hội hóa, tạo nguồn lực tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa và mở rộng, nâng cao quy mô lễ hội, thu hút khách tham quan trong và ngoài nước. Điển hình như: Lễ hội Tây Thiên, Lễ hội Đền Thính, Lễ hội Đúc Bụt, Lễ hội Đền Ngự Dội, Lễ hội Đình Thổ Tang, Lễ hội Chọi trâu Hải Lựu, Lễ hội Cướp Phết Bàn Giản…

Đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân được nâng lên, các hoạt động văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông phát triển, có nhiều đổi mới.Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được quan tâm. Nhiều giá trị văn hóa dân tộc, di tích, di sản được bảo tồn, phát huy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao rõ rệt: Khu di tích danh thắng Tây Thiên và di tích Tháp Bình Sơn được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt; Tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên được công nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; Tháp gốm men chùa Trò được công nhận là bảo vật Quốc gia.

Phương Mai