Vỏ ta, ruột Tàu: Đâu là gốc thương hiệu Việt?

00:00, 08/11/2010

Hai năm trở lại đây, thị trường điện thoại di động bỗng ồ ạt xuất hiện tới gần chục thương hiệu Việt Nam. Nhưng khi mở máy, đập ngay vào mắt là sẽ là dòng chữ “made in China”. Không ít người băn khoăn, trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này, đâu sẽ là cái gốc cho thương hiệu Việt Nam?

Thương hiệu Việt: giá rẻ đi đôi với “ruột” Trung Quốc

“Mác Việt” nhưng “ruột Trung Quốc” đang là một xu hướng khá phổ biến trong nhiều mặt hàng tiêu dùng được coi là của Việt Nam như tivi, tủ lạnh, điều hòa, máy tính và cả hàng dệt may, thời trang.

Theo chuyên viên kinh doanh của các siêu thị điện máy, nổi bật trong dòng điện thoại di động Việt phải kể đến Q-Mobile, Mobistar, Fmobile, Hitech, Connspeed, mới đây có FPT, Viettel, Vinaphone… Sự nhen nhóm và bắt đầu bùng phát dòng điện thoại Việt giá rẻ này cũng chỉ mới xuất hiện trong 2 năm trở lại đây.

Giá của những chiếc điện thoại này hầu hết đều chỉ dưới 1 triệu đồng/chiếc. Cũng có nhãn hiệu, có model cao cấp hơn nhưng giá cũng chỉ không quá 2 triệu đồng/chiếc.

Chỉ cần tháo vỏ một chiếc máy điện thoại di động như Q- Mobile, hay Vinaphone, khách hàng có thể dễ dàng nhìn thấy xuất xứ Trung Quốc được in rõ trên thân máy, và pin.

Điện thoại Việt Nam hầu hết dưới 1 triệu đồng/chiếc (ảnh: Phạm Huyền)

Trầm ngâm trao đổi về câu chuyện này, ông Trần Quang Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội điện tử Việt Nam, cho hay, trong một chiếc điện thoại như vậy, doanh nghiệp Việt Nam hầu như không làm gì mà chỉ có cái tên.

Nói về điều này, anh Nguyễn Quang Tùng, phụ trách maketing miền Bắc, Công ty Viễn thông An Bình, đơn vị sở hữu điện thoại Q- Mobile, cho biết, doanh nghiệp không sản xuất ở Việt Nam mà đều đặt gia công ở Trung Quốc.

Theo ông, Trung Quốc là công xưởng gia công của thế giới, trong khi ở Việt Nam, với công nghiệp phụ trợ kém thì không thể làm từ A-Z một chiếc điện thoại.

Anh Tùng kể, trong giới kinh doanh, đã có trường hợp một doanh nghiệp nhập hẳn dây chuyền của Motorola về với tham vọng sản xuất một chiếc điện thoại di động “thuần” Việt Nam.

Nhưng rồi sau đó, chính doanh nghiệp đã phải đóng cửa ý tưởng này, vì xét về giá thành để sản xuất điện thoại ngay tại Việt Nam vẫn khó lòng cạnh tranh với điện thoại nhập khẩu hay đặt gia công.

Lý giải thêm, anh Phạm Anh Xuân, phụ trách Nhóm hàng thiết bị số và điện thoại của siêu thị điện máy Trần Anh, cho biết, các doanh nghiệp chọn Trung Quốc làm gia công điện thoại bởi chỉ có nước này mới có “loại” công nghệ tiện ích: 2 sim, 2 sóng, giá thành lại rẻ.

Lịch sử hình thành dòng điện thoại Việt giá rẻ này dường như… rất đơn giản. Theo anh Xuân, xuất phát điểm hầu hết của các công ty sở hữu điện thoại Việt, đều từng là các công ty phân phối cho các nhãn hàng nước ngoài. Ví dụ như công ty FPT mới tung ra dòng di động giá rẻ FPT vốn là nhà phân phối điện thoại Samsung, Nokia, Motorola, HTC.

Với công ty An Bình, chủ của nhãn hiệu Q-Mobile thì ban đầu cũng là nhà phân phối cho Simen, HTC, hay như công ty P&T với nhãn hiệu di động Mobistar vốn nhà phân phối của Sony Ericson…

Cách đi của những doanh nghiệp đều là đặt gia công ở Trung Quốc và công ty chỉ còn việc “đăng ký thương hiệu” và làm marketing cho thương hiệu đó.

Vỏ Việt Nam, ruột "made in China" - ảnh  Phạm Huyền.

Tuy nhiên, cho đến nay, thị trường mới chỉ ghi nhận sự thành công của Q-Mobile, khi doanh số tiêu thụ ở Việt Nam lớn thứ 2, ngay sau “đại gia” Nokia. Thương hiệu này cũng đã được An Bình đăng ký bảo hộ 50 năm.

Doanh nghiệp Việt Nam “chẳng có gì”!

Có những mặt hàng điện tử, tin học một thời khiến người ta tự hào, với những slogan quảng cáo đầy kiêu hãnh là “hàng Việt”, nhưng bản chất câu chuyện thật lại “không đẹp đẽ” như vậy.

Máy tính Việt Nam, một sản phẩm đòi hỏi trình độ công nghệ cao, cũng đã có tới 20 thương hiệu đã ra đời như Thánh Gióng, G6, Sing PC, VTB, Mê Kông xanh… nhưng “trụ” lại tới nay, chỉ có 3 thương hiệu tiêu biểu là CMS, Hanel, FPT Elead. Thị phần tập trung ở vùng sâu, xa.

Với tivi, chỉ còn có 3-4 “nơi” làm và tập trung trong miền Nam như có tivi VTB, Hanel.

Ông Trần Quang Hùng cho hay, ngoại trừ điện thoại di động, các thương hiệu Việt trên đều có mặt trên dưới 10 năm trên thị trường.  Hầu hết, các doanh nghiệp này đều xuất thân là doanh nghiệp Nhà nước, rồi cổ phần hóa, và dưới sức ép của thị trường, phải vận động mà có sản phẩm mang thương hiệu Việt.

Với thị trường máy tính, anh Phạm Anh Thắng, Công ty máy tính Tùng Dương cho rằng, cũng có lúc bùng lên những tham vọng hình thành dòng máy tính Việt Nam giá rẻ, nhưng thực tế đã chứng kiến sự thất bại thảm hại khi không thể “cạnh tranh” nổi với những máy tính “ngoại”.

Máy tính Việt Nam vắng bóng ở siêu thị điện máy (ảnh: Phạm Huyền)

Và đến nay, có những chiếc máy tính Việt gần như “biến mất”. Đơn cử như máy tính Thánh Gióng là “đứa con chung” của FPT và CMS, ra đời năm 2004, được quảng bá là dành cho sinh viên, giá chỉ dưới 4 triệu đồng, nhưng giờ đã không còn ai nhớ tới.

Máy tính G6 là “ý tưởng bắt tay nhau” của 6 đơn vị là công ty Trần Anh, Mai Hoàng, Vĩnh Trinh, Ben, Hà nội Computer, Phúc Anh và đến nay, chẳng mấy người tiêu dùng nào biết tới sự tồn tại của nó.

Hay tương tự như máy tính Elead của công ty FPT,  tuy vẫn tồn tại nhưng tuyệt nhiên vắng bóng trong hệ thống siêu thị điện máy lớn.

Anh Thắng nói: “Tuy gọi là máy tính Việt nhưng Việt Nam có làm gì đâu. Tất cả linh kiện đều đi nhập khẩu hết".

Cắt nghĩa cho sự thất bại này, anh Thắng cho rằng, chiếc máy tính có đặc thù khác biệt với những sản phảm tiêu dùng khác. Đó là máy phục vụ công việc nên đòi hỏi độ bền ổn định. Với những người giàu có, nhu cầu chất lượng máy tính cao, thì bao giờ cũng cố bỏ tiền mua một chiếc máy tính có thương hiệu, để tránh rủi ro về mất dư liệu, hỏng hóc.

Còn với những người ít tiền, như giới sinh viên thường mua linh kiện theo nhu cầu và đặt lắp ráp. Do đó, máy tính Việt Nam không “bật lên nổi” và chỉ có thể bán ở vùng sâu xa hoặc “lọt” vào trong các dự án của Nhà nước.

Xác nhận điều này, ông Hùng cho rằng, các doanh nghiệp máy tính Việt đều là thành viên của Hiệp hội điện tử cả, thương hiệu ấy vẫn sống, nhưng vì thị phần quá bé nên rất ít người biết.

Cũng như điện thoại di động, hầu hết các thương hiệu Việt trong ngành này đều dựa trên cơ sở là “ruột” ngoại mà chủ yếu là “ruột” Trung Quốc.

“Bởi vì, chúng ta chẳng làm được cái gì cả! Chúng ta chỉ mua về, lắp theo thiết kế yêu cầu trong nước, test, chỉnh sửa và lấy nhãn của mình vào”, ông Hùng nói.

Theo Hiệp hội Điện tử Việt Nam, tính đến nay, chỉ có máy giặt, điều hòa như của Hòa Phát đạt tỷ lệ nội địa hóa gần 40%, còn lại, tivi, máy tính… hầu hết chỉ đạt 10-30% nội địa hóa.

Năm 2007, Công ty thép Việt Ý đặt gia công 10.000 tấn thép xây dựng ở Trung Quốc rồi gắn mác VIS (thương hiệu Việt - Ý) để bán tại thị trường nội địa. Khi đó, câu chuyện “thép Trung Quốc” dán mác Việt Nam đã gây phản ứng mạnh trong cộng đồng doanh nghiệp và nổ ra một cuộc tranh cãi lớn: cách đi của doanh nghiệp đó là đúng hay sai? Liệu, cách đi ấy có là “gian dối”, có phù hợp với đạo đức doanh nghiệp?

Trong khi các công ty khác lo đầu tư, xây dựng nhà máy thì thép Việt Ý lại đi “tắt” bằng việc gia công thuê ở Trung Quốc. Điều gì sẽ xảy ra nếu như tất cả các doanh nghiệp cũng đóng cửa nhà máy và đi thuê gia công của Trung Quốc như vậy?

Thế nhưng giờ đây, nhiều doanh nghiệp  lại đang đi theo con đường như thép Việt Ý năm xưa.

Dù không sai luật, nhưng câu chuyện này đã gợi lên một nỗi niềm lớn cho nền công nghiệp Việt Nam: chúng ta không chỉ nhập khẩu nguyện liệu, linh kiện phụ tùng từ bên ngoài mà còn nhường hẳn sản xuất cho bên ngoài, vậy thì, còn lại gì cho thương hiệu Việt Nam?

Theo vef.vn

TIN LIÊN QUAN