WHO muốn đánh giá dữ liệu an toàn về vaccine COVID-19 của Nga

13:38, 12/08/2020

Tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh, bất kỳ chứng nhận nào của tổ chức này đối với vaccine ngừa COVID-19 cũng sẽ đòi hỏi quy trình đánh giá khắt khe về dữ liệu an toàn.

Khẳng định trên của WHO được đưa ra sau khi Nga vào ngày 11/8 tuyên bố rằng, nước này đã chính thức phê duyệt vaccine ngừa COVID-19. Tổng thống Vladimir Putin cho biết, Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên phê duyệt vaccine cung cấp "khả năng miễn dịch bền vững" chống lại virus SARS-CoV-2.

Trong một cuộc họp báo trực tuyến tại Geneve, Thụy Sĩ, Người phát ngôn của WHO Tarik Jasarevic nói với các phóng viên: "Chúng tôi đang liên hệ chặt chẽ với giới chức y tế Nga. Những cuộc thảo luận đang diễn ra liên quan đến việc WHO thông qua trước về chất lượng vaccine. Việc đánh giá bất kỳ loại vaccine nào đều bao gồm xem xét và đánh giá nghiêm ngặt tất cả dữ liệu về độ an toàn và tính hiệu quả theo yêu cầu".

WHO muốn đánh giá dữ liệu an toàn về vaccine COVID-19 của Nga - Ảnh 1.

Vaccine Sputnik V của Nga.

Theo Deccan Herald, Vaccine Sputnik V của Nga được phát triển bởi viện nghiên cứu Gamaleya phối hợp với Bộ Quốc phòng nước này. Theo báo cáo tổng quan mới nhất do WHO đưa ra vào ngày 31/7, có tổng cộng 165 loại vaccine đang được nghiên cứu trên khắp thế giới. Trong số này, 139 vaccine vẫn đang trong quá trình đánh giá tiền lâm sàng. 26 vaccine còn lại đang trong các giai đoạn thử nghiệm khác nhau trên người, trong đó 6 loại đang ở giai đoạn 3 đánh giá lâm sàng. 

WHO muốn đánh giá dữ liệu an toàn về vaccine COVID-19 của Nga - Ảnh 2.

Tổng cộng 165 loại vaccine COVID-19 đang được phát triển trên thế giới.

Vaccine Sputnik V do Gamaleya phát triển và sản xuất tại Nga nằm trong số 26 vaccine tiềm năng đang được thử nghiệm trên người ở giai đoạn 1. Ông Kirill Dmitriev, người đứng đầu Quỹ Đầu tư trực tiếp Liên bang Nga, nhà tài trợ cho dự án phát triển vaccine COVID-19, cho biết, các thử nghiệm giai đoạn 3 sẽ được bắt đầu vào ngày 12/8, việc sản xuất quy mô công nghiệp dự kiến ​​được triển khai từ tháng 9. Hiện đã có 20 quốc gia đã đặt hàng vaccine này với hơn 1 tỷ liều. 

Ông Tarik Jasarevic nhấn mạnh, dù WHO lạc quan trước tốc độ nghiên cứu vaccine trên toàn thế giới, nhưng việc đẩy nhanh tốc độ không đồng nghĩa với chuyện giảm bớt độ an toàn.

Minh Thùy (t/h)