Xe khách, xe đầu kéo không lắp camera sẽ bị phạt nặng

15:22, 04/05/2021

Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh vận tải bằng ô tô nêu rõ, trước 1/7, ôtô kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình tham gia giao thông.

Khoản 2 Điều 13 và khoản 2 Điều 14 của Nghị định 10/2020 quy định, trước 1/7/2021, xe ô-tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên, xe container, xe đầu kéo phải lắp camera bảo đảm ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông.

Dữ liệu hình ảnh từ camera sẽ được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch.

Thời gian lưu trữ hình ảnh tối thiểu 24 giờ gần nhất với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500km; tối thiểu 72 giờ gần nhất với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500km.

Khi ký kết hợp đồng với đơn vị cung cấp camera cần có các điều khoản ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm về chủng loại, chất lượng thiết bị phải phù hợp theo quy định, chế độ bảo hành, bảo trì và duy trì đường truyền dữ liệu, camera phải đảm bảo truyền dữ liệu hình ảnh về đơn vị kinh doanh vận tải và về Tổng cục Đường bộ với tần suất 12 - 20 lần/giờ (tương đương 3 - 5 phút/lần truyền dữ liệu).

Tất cả xe khách, xe đầu kéo phải lắp camera ghi hình trước ngày 1/7.

Việc lắp đặt camera theo dõi, giám sát, phát hiện, ghi nhận các hành vi vi phạm quy định pháp luật của người lái xe trong quá trình điều khiển phương tiện tham gia giao thông (ngủ gật hoặc mất tập trung khi lái xe, sử dụng điện thoại, chở quá số người quy định...) giúp đơn vị kinh doanh vận tải kịp thời nhắc nhở, cảnh báo, ngăn ngừa lái xe vi phạm.

Đồng thời, việc lắp camera trên xe còn giúp cơ quan chức năng có căn cứ để xử lý các hành vi vi phạm của người lái xe và đơn vị kinh doanh vận tải, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ của hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, Nghị định 10/2020 còn bổ sung, điều chỉnh một số nội dung quy định nhằm xử lý hiệu quả hơn tình trạng “xe dù, bến cóc” và “xe hợp đồng hoạt động trá hình xe tuyến cố định”.

Theo khoản 5 Điều 7 và khoản 5 Điều 8 của Nghị định 10, đến 1-1-2022, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng thực hiện cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển qua phần mềm của Bộ Giao thông vận tải.

Trên cơ sở các thông tin của hợp đồng vận chuyển, kết hợp với thông tin từ thiết bị giám sát hành trình, hệ thống sẽ xác định các trường hợp xe hợp đồng, xe du lịch thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp, các cơ quan chức năng sẽ có căn cứ để kịp thời xử lý theo các quy định hiện hành.

Đặc biệt, việc xử lý hoạt động “xe dù, bến cóc”, xe hợp đồng “trá hình” tuyến cố định đã được bổ sung để quản lý chặt chẽ đối với xe hợp đồng, du lịch.

Điều 7, Điều 8 Nghị định 10 nêu rõ, phải niêm yết (dán cố định) cụm từ “xe hợp đồng” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe; với kích thước tối thiểu của cụm từ “xe hợp đồng” là 6 x 20cm; phải có phù hiệu “xe hợp đồng” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe…

PV (T/h)