Ô tô nhập khẩu “hụt hơi” trước xe nội địa

14:43, 29/05/2020

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 5, xe nhập khẩu nguyên chiếc đạt chưa đến 2.700 xe, giảm thấp hơn nhiều so với cùng kỳ 2019.

Nửa đầu tháng 5 năm 2020, lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc vào thị trường Việt Nam đạt 2.694 xe, đạt trị giá 57 triệu USD. Trong đó, xe nhập khẩu dưới 9 chỗ ngồi đạt hơn 2.200 xe. Với con số này, lượng xe nguyên chiếc mở tờ khai hải quan giảm thấp so với cùng kỳ năm trước.

Trên thực tế, lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc về thị trường Việt Nam đã giảm kể từ hồi tháng 4.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, lượng xe nhập nguyên chiếc trong tháng 4 đạt 4.918 chiếc, giảm tới 59,5% (tương ứng giảm 7.233 chiếc) so với lượng nhập khẩu hồi tháng 3.

 Hiện phần lớn phụ tùng và linh kiện ô tô phục vụ sản xuất, lắp ráp trong nước đều phải nhập khẩu.

Sau khi Chính phủ đồng ý giảm 50% phí trước bạ cho ôtô lắp ráp thì xe nhập khẩu “hụt hơi” trước xe nội địa

Đáng chú ý là lượng xe dưới 9 chỗ ngồi nhập khẩu vào nước ta trong tháng 4 chỉ có 3.491 chiếc, giảm tới 65% so với trước đó.

Tính trong 4 tháng đầu năm 2020, ô tô nguyên chiếc các loại nhập nguyên chiếc về Việt Nam đạt 31.586 chiếc, giảm 36,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống là 24.112 chiếc, giảm tới 33% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù lượng xe nhập khẩu giảm trong 2 tháng trở lại đây nhưng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến nguồn cung. “Sự thiếu hụt nguồn cung xe nhập khó xảy ra bởi thị trường chưa ổn định do nhiều nguyên nhân”, ý kiến từ một đại lý cho biết.

Thị trường xe tiếp tục có nhiều xáo trộn trước thông tin sẽ giảm 50% phí trước bạ. Thuế trước bạ giảm 50% đối với xe lắp ráp trong nước dù chưa được áp dụng nhưng rõ ràng đang có tác động lớn đến thị trường ô tô cả lắp ráp và nhập khẩu.

Phân khúc xe sang dù mức giảm sau khi ưu đãi rất lớn, lên tới vài trăm triệu đồng nhưng người dùng ở phân khúc này có nhiều tiêu chí lựa chọn xe, không chỉ ở giá bán. Trong khi đó, phân khúc xe phổ thông được dự đoán sẽ bị tác động mạnh.

Ở phân khúc xe cỡ nhỏ (phân khúc giá từ 300 – dưới 600 triệu đồng) người mua có thể tiết kiệm 15 – 30 triệu đồng nếu chọn mua các mẫu xe lắp ráp trong nước. Điều này có nghĩa là ưu thế đang thuộc về các mẫu xe được lắp ráp như VinFast Fadil, Kia Morning, Hyundai Grand i10, Hyundai Accent, Toyota Vios…

Việc khó cạnh tranh về giá khiến cho các hãng xe phải thay đổi chiến lược kinh doanh. Có thể thấy, khi các một số mẫu xe nhập khẩu trong phân khúc này (như Honda Jazz, Suzuki Celerio…) sẽ không còn được phân phối tại Việt Nam khi doanh số “hụt hơi” so với các đối thủ.

Việt Anh

 

TIN LIÊN QUAN