Xét nghiệm toàn dân Hà Nội: Khó khả thi và không khoa học

18:30, 07/09/2021

Bác sĩ - tiến sĩ Trần Tuấn cho rằng, việc xét nghiệm toàn bộ người dân Hà Nội với mục tiêu bóc tách F0, kiểm soát dịch là khó khả thi, không hiệu quả; duy ý chí và không dựa trên các chỉ dẫn khoa học.

Chuyên gia cho rằng, việc xét nghiệm toàn bộ người dân của Hà Nội khó đạt được hiệu quả, gây lãng phí /// Trần Cường

Chuyên gia cho rằng, việc xét nghiệm toàn bộ người dân của Hà Nội khó đạt được hiệu quả, gây lãng phí.

Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa có công điện về tăng tốc kiểm soát tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, trong đó đặt mục tiêu xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ người dân thành phố trước ngày 12/9.

Trao đổi với Thanh Niên, bác sĩ - tiến sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD), cho rằng kế hoạch xét nghiệm toàn dân thành phố Hà Nội trong vòng 6 ngày là không khả thi, khó đạt được kết quả như mong muốn.

“Nếu đối tượng xét nghiệm là tất cả những người trên 18 tuổi thì số lượng người cần xét nghiệm là hơn 5,7 triệu người. Còn nếu toàn dân hiểu theo nghĩa là tất cả mọi người sinh sống trên địa bàn thành phố thì số lượng người cần làm xét nghiệm có thể lên tới gần 10 triệu. Đó đều là những con số quá lớn để đảm bảo tính khả thi về thời gian và đảm bảo về chất lượng của xét nghiệm”, ông Tuấn nói.

Không thể đạt mục tiêu "bóc tách F0 khỏi cộng đồng"

Công điện của Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh cũng nêu “giải pháp” là hướng dẫn tự lấy mẫu có sự giám sát của nhân viên y tế, áp dụng các phương pháp xét nghiệm khác nhau kết hợp việc mẫu gộp phù hợp, đồng thời tăng cường các điểm lấy mẫu di động, thưa ông?

Mục tiêu để lấy được mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm với số lượng xét nghiệm lớn như trên nếu bằng mọi cách theo tôi thì cũng có thể đạt được. Nhưng điểm quan trọng là kết quả đó có giúp cho việc nhận biết và bóc tách hết các F0 ra khỏi cộng đồng để kiểm soát dịch như mục tiêu của Hà Nội hay không lại là câu hỏi lớn.

Và câu trả lời chắc chắn là không.

Tại sao thế, thưa ông?

Bởi vì việc xét nghiệm diện rộng luôn gặp phải nguy cơ sai số và trong dịch tễ học thì sai số này không thể xác định được. Nó xảy ra một cách bất định do nhiều nguyên nhân. Do đó, kết quả thu được không đảm bảo cho phép chúng ta đánh giá và dự báo diễn biến của dịch bệnh.

Trong trường hợp sai số là những người “âm tính giả” - tức là vẫn mang mầm bệnh nhưng không phát hiện được thì việc tiến hành các xét nghiệm dù theo cách nào cũng sẽ làm tăng nguy cơ phá vỡ các nguyên tắc giãn cách phòng chống dịch, nguy cơ tiếp xúc gần dẫn đến tình trạng mở rộng các chùm lây nhiễm.

Nói cách khác, kết quả việc xét nghiệm diện rộng theo nghĩa toàn dân như cách Hà Nội đang làm có thể phát hiện một vài ca F0 nhưng kết quả đưa lại ít có ý nghĩa sử dụng.

Trong khi đó, chi phí từ phía nhà nước và người dân để thực hiện hoạt động xét nghiệm diện rộng theo kiểu toàn dân này là vô cùng lớn.

Nhưng mục tiêu của Hà Nội không phải là đánh giá và dự báo dịch bệnh mà là để phát hiện, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng nhằm kiểm soát dịch bệnh nhanh nhất?

Trong hệ thống giám sát dịch bệnh, xét nghiệm diện rộng là một trong bộ 3 chân kiềng cần song song thực hiện; song có một điều chắc chắn là biện pháp này chỉ áp dụng cho mục tiêu nghiên cứu và điều tra dịch chứ không phải đặt mục tiêu “bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng” để kiểm soát dịch.

Chẳng hạn, khi một ổ dịch xảy ra ở một khu vực nhất định, để đánh giá nguy cơ dịch bệnh, cũng như nguy cơ dịch tễ học (tức là điều kiện ăn ở, tiếp xúc xã hội), người ta có thể tiến hành xét nghiệm diện rộng toàn bộ thành viên của cộng đồng đó. Cụ thể là toàn bộ thành viên của một phòng khám, bệnh viện, phường, xã...

Nói cách khác, người ta chỉ thực hiện điều tra diện rộng như thế trên phạm vi nhỏ để xem diễn biến lây truyền ra sao; đồng thời, điều tra yếu tố dịch tễ, nhằm đánh giá tính hiệu quả, yếu tố tích cực, tiêu cực đối với vấn đề lan truyền của dịch.

Do đó, cách xét nghiệm toàn dân để tìm F0 để của Hà Nội hiện nay tôi cho là duy ý chí và dựa trên nỗi sợ hãi hơn là các chỉ dẫn khoa học khi hoàn toàn không tính đến tính chính xác, ý nghĩa sử dụng kết quả cũng như chi phí của cả chính quyền và người dân.

Tổn hại có thể từ chính các biện pháp phòng dịch

Khuyến nghị của ông đối với Hà Nội lúc này là gì?

Chính phủ và cả Hà Nội cũng đã xác định để dập dịch nhanh nhất chỉ còn một cách là đẩy tỷ lệ miễn dịch cộng đồng từ 70% trở lên. Và chìa khóa chỉ có thể là vắc xin.

Việc xét nghiệm để truy tìm các F0, rồi cách ly, phong tỏa chỉ có thể làm chậm diễn biến của dịch chứ không thể kiểm soát được dịch bệnh một khi dịch đã ở trong cộng đồng như hiện nay.

Bên cạnh đó, hệ thống giám sát dịch bệnh cần thông qua sự chủ động báo cáo của người dân để phát hiện những trường hợp nghi ngờ hoàn toàn bằng các triệu chứng lâm sàng.

Lâu nay, chúng ta có hệ thống khai báo y tế nhưng gần như các cơ quan chức năng không đặt niềm tin vào hệ thống này, coi đó như một yếu tố để định hướng cho việc điều tra, giám sát dịch. Trong khi đó, hệ thống đó mới là cái giúp sàng lọc những đối tượng có nguy cơ cao.

Nhưng trong tình trạng vắc xin vẫn đang về nhỏ giọt và việc tập trung cho vắc xin là điều ai cũng biết nhưng không dễ thực hiện ngày một, ngày hai?

Chúng ta đồng ý rằng, khi chưa có đủ vắc xin thì biện pháp phong tỏa, cách ly, hạn chế đi lại là cần thiết để tránh tập trung đông người dẫn đến bùng phát dịch bệnh, tạo thành gánh nặng cho hệ thống y tế.

Xét nghiệm toàn dân Hà Nội: Khó khả thi và không khoa học - ảnh 3

Các thủ tục cấp, kiểm tra giấy đi đường có thể làm phát sinh thêm các thiệt hại ngoài tổn hại do dịch bệnh gây ra.

Tuy nhiên, điểm quan trọng trong giai đoạn này là làm sao người dân hiểu và chủ động tham gia phòng, chống dịch bằng các biện pháp 5K như khuyến cáo của Bộ Y tế, như việc đeo khẩu trang, rửa tay, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc.

Không phải hạn chế người dân ra đường thì chống được dịch. Việc người dân có đi lại hay không thì điều quan trọng là có thực hiện đúng các yêu cầu về phòng chống dịch hay không.

Theo cách đó, thì việc chính quyền đưa thêm các thủ tục hành chính về cấp và kiểm tra giấy đi đường tại các chốt, đòi hỏi các giấy xét nghiệm âm tính hay ngay cả việc xét nghiệm diện toàn dân như hiện nay luôn tạo ra các hao tổn chi phí và cả nguy cơ lây lan dịch bệnh. Tổn hại của dịch bệnh lúc này có thể đến từ chính các biện pháp can thiệp chống dịch chứ không chỉ từ con vi rút.

Theo/thanhnien.vn