Xử lý khủng hoảng khác nhau của Do Kwon và Nguyễn Thành Trung

09:18, 26/05/2022

Do Kwon của Terra và Nguyễn Thành Trung của Axie Infinity đều gặp sự cố gây biến động thị trường tiền số và có nhiều điểm chung, nhưng có hướng xử lý khác nhau.

Do Kwon và Thành Trung đều là những nhà sáng lập dự án blockchain với vốn hóa tỷ USD, cùng xây dựng sản phẩm năm 2018 trong giai đoạn thị trường ảm đạm nhất. Đến 2021, ở tuổi 30, cả Kwon và Trung nằm trong top 10 người có ảnh hưởng nhất đến tiền điện tử, theo đánh giá của CoinDesk. Sang năm 2022, dự án của cả hai đều gặp phải những sự cố với mức độ ảnh hưởng được đánh giá là nghiêm trọng nhất từng xảy ra.

Vụ hack vào mạng Ronin của Axie Infinity diễn ra cuối tháng 3, khi việc quản lý các nút xác thực lỏng lẻo khiến hơn 600 triệu USD tiền số bị đánh cắp, tác động đến cả ngành GameFi và khiến giá token của dự án giảm hàng chục phần trăm. Một tháng sau, hai đồng tiền số là Luna và UST do Kwon phát triển cũng trở thành thảm họa, góp phần khiến giá trị toàn bộ thị trường sụt giảm hàng trăm tỷ USD, nhiều nhà đầu tư mất trắng.

Sàn Binance hiện nắm giữ lượng giao dịch lớn của các token nói trên. Trong bài đăng hôm 13/5, CZ đã chỉ trích Terra, đồng thời ẩn ý rằng dự án này cần học tập Axie Infinity trong cách xử lý. "Tôi thất vọng về cách xử lý (hoặc không xử lý gì cả) đối với sự cố UST/Luna của Terra", CZ viết. "Cho đến nay, chúng tôi không nhận được bất kỳ phản hồi tích cực nào. Điều này hoàn toàn trái ngược với Axie Infinity. Nhóm đã thực hiện trách nhiệm của mình, đưa ra kế hoạch và chủ động liên hệ với chúng tôi".

Do Kwon (trái) và Nguyễn Thành Trung (phải).

CZ thừa nhận dòng tweet "đã phá vỡ quy tắc trung lập và không nhận xét về dự án", nhưng đó là điều ông cần làm để bảo vệ người dùng và đồng nghiệp trong ngành.

Binance đã cùng một số quỹ lớn như Animoca Brands, Dialectic, Paradigm, a16z và Accel gọi vốn hơn 150 triệu USD để hỗ trợ Axie Infinity khắc phục hậu quả. Ngoài ra, họ cũng trở thành nền tảng chính giúp người chơi Axie Infinity nạp và rút tiền trong khi mạng lưới đang nâng cấp.

Ngược lại, với Do Kwon, ông chủ Binance chưa một lần thể hiện sự đồng tình với nhà sáng lập này kể từ khi sự cố xảy ra. Ông nhiều lần chê trách đội ngũ không minh bạch trong thông tin với người dùng và cần phải có trách nhiệm với các nhà đầu tư.

Không chỉ CZ, một số nhà sáng lập tiền điện tử như Vitalik Buterin (Ethereum) và Billy Markus (Dogecoin) cũng phản đối Do Kwon và ý tưởng hồi sinh Luna. Bên dưới tweet của Kwon nói mình "đau lòng vì tác động của dự án đến người dùng", Markus khuyên Kwon "rời không gian tiền điện tử mãi mãi", nhưng bị nhà sáng lập Terra chặn tài khoản.

Những người ủng hộ Kwon trước đây, như tỷ phú Michael Novogratz cũng im lặng nhiều ngày sau sự cố. Ông từng xăm lên cánh tay hình con sói, mặt trăng kèm chữ Luna để ủng hộ tiền số này. Ngày 20/5, ông lên tiếng: "Với nhận thức muộn màng, mọi thứ đã rõ ràng trước mắt. Hình xăm Luna sẽ là lời nhắc nhở thường xuyên với tôi, rằng đầu tư mạo hiểm cần đòi hỏi sự từ tốn".

Trái ngược trong cách xử lý

Trên con đường trở thành dự án tỷ USD, cả Nguyễn Thành Trung và Do Kwon không ít lần gặp phải các ý kiến trái chiều. Trong khi Axie Infinity bị đặt dấu hỏi về cách tạo ra nguồn tiền trả cho người chơi, Terra cũng bị nghi ngờ về sự bền vững của đồng UST và lãi suất 20% của nền tảng Anchor.

Nguyễn Thành Trung gần như không đáp lại những nghi vấn. Còn Kwon lại sử dụng tài khoản Twitter như một phương tiện chỉ trích những người phản đối. Ông từng dùng những từ ngữ như "người nghèo", "con gián" để khẩu chiến với họ trên mạng xã hội.

Ông Phan Đức Nhật, một chuyên gia blockchain tại Việt Nam, cho rằng những phát ngôn của Do Kwon trong quá khứ và cách xử lý ở hiện tại khiến người này bị quay lưng. "Từ khi sự cố xảy ra, Kwon chưa xin lỗi chính thức đến nhà đầu tư và người dùng. Anh ấy cũng không đưa ra phương án đền bù cho người bị thiệt hại. Điều này trái ngược với Trung khi anh ấy thừa nhận các sai sót của dự án và hứa đền bù toàn bộ số tiền bị đánh cắp", ông nói.

Kwon cũng từng có những phát ngôn bất nhất, khiến nhiều người dần mất niềm tin. Ví dụ, khi sự cố mới xảy ra, ngày 11/5, Kwon nói sẽ dùng mọi cách để cứu đồng UST, bao gồm cả việc hy sinh Luna. Tuy nhiên trong kế hoạch xây dựng Terra 2.0 chỉ vài ngày sau đó, ông lại không hề nhắc đến UST, mà chỉ tập trung tạo ra một token Luna 2.0 mới.

Hôm 21/5, nhà sáng lập này công khai địa chỉ ví "đốt" Luna, khiến nhiều chủ sở hữu token này chấp nhận tự hủy bớt số Luna của mình, mong token sẽ tăng giá. Song đến 22/5, Kwon lại nói việc đốt này là vô ích.

Axie Infinity - game NFT đắt nhất thế giới - được xây dựng bởi Nguyễn Thành Trung - người từng rất ghét blockchain và bỏ học để khởi nghiệp.

Vào tháng 5/2021, đội ngũ Axie Infinity cũng gọi vốn thành công 7,5 triệu USD từ những nhà đầu tư danh tiếng: tỷ phú Mark Cuban - "cá mập" trong gameshow Shark Tank của Mỹ; Alexis Ohanian - đồng sáng lập Reddit và John Robinson - Giám đốc điều hành 100 Thieves, một trong những công ty thể thao điện tử giá trị nhất thế giới.

Nguyễn Thành Trung thừa nhận mình là "con nghiện game" từ bé. Lớn lên thường xuyên trốn học để đi chơi game. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Trung theo học ngành Kỹ thuật Phần mềm ở Đại học FPT. Năm hai đại học, anh quyết định gác lại việc học để đi khởi nghiệp. 19 tuổi, khi bạn bè đang miệt mài trên giảng đường, Trung đã là CTO của một trong những startup công nghệ đình đám lúc bấy giờ - Lozi - tiền thân của ứng dụng giao hàng LoShip hiện nay. Sau ba năm khởi nghiệp, Trung quay lại giảng đường để tiếp tục việc học như một "nghĩa vụ cần hoàn thành" với gia đình. Trong thời gian này, anh bắt đầu làm quen với game blockchain và xây dựng game để đời của mình.

Thùy Dung (T/h)