Xử phạt tới 100 triệu đồng đối với thuê bao vi phạm về tin nhắn rác, cuộc gọi rác

09:43, 24/08/2020

Tin nhắn rác, cuộc gọi rác đã trở thành vấn nạn bao lâu nay đối với người dùng di động. Tất cả liệu có chấm dứt khi Nghị định 91 ra đời?

Vấn nạn tin nhắn rác, cuộc gọi rác khiến nhiều người sử dụng điện thoại gặp phiền toái, thậm chí là mất tiền oan khi lỡ tay bấm nhầm vào dịch vụ nào đó.

Trước đây, cũng từng có những đợt "quét rác" nhưng không thể hết, thậm chí các chiêu trò còn tinh vi hơn. Chính vì vậy, Nghị định 91 vừa được Chính phủ ban hành với nhiều điểm mới như:

- Định nghĩa rõ tin nhắn rác, cuộc gọi rác là những tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo được gửi khi không có sự đồng ý trước của người sử dụng, vi phạm các quy định về gửi tin nhắn quảng cáo hoặc là vi phạm các nội dung bị cấm.

- Quy định trách nhiêm rõ ràng cho nhà mạng, nhà quảng cáo.

- Tăng cường các biện pháp bảo vệ mạnh mẽ người tiêu dùng như hầm trú bom rác.

- Thiết lập các cơ chế quản lý như đầu số 5656 tiếp nhận báo cáo tin nhắn rác, quảng cáo rác.

- Tăng mức xử phạt vi phạm.

Những điểm mới này liệu rằng có chấm dứt được tình trạng rác viễn thông bấy lâu nay hay không khi rác tồn tại đã lâu và có nguy cơ ngày càng tinh vi, phức tạp hơn?

Xử phạt tới 100 triệu đồng đối với thuê bao vi phạm về tin nhắn rác, cuộc gọi rác - Ảnh 1.

Một số điểm mới của Nghị định 91

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, một trong những nguyên nhân cuộc gọi rác, tin nhắn rác được thực hiện là do các thông tin cá nhân của người sử dụng bị lộ lọt qua nhiều nguồn như chuỗi nhà hàng, khách sạn, siêu thị lớn… Những thông tin này được chia sẻ, mua bán một cách bất hợp pháp mà không được sự đồng ý của khách hàng. Trung bình, mỗi tháng trên cả nước có khoảng 10.000 số máy thực hiện cuộc gọi rác, gây phiền phức cho hàng triệu người dùng.

Trong Nghị định mới ban hành, quy định rõ việc các nhà mạng phải áp dụng công nghệ cao, hiện đại để kiểm soát, phát hiện tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác theo thời gian thực. Chỉ tính riêng cuộc gọi rác, từ 1/7 đến nay, Viettel và Vinaphone đã chặn hơn 2.500 thuê bao phát tán cuộc gọi rác.

Nghị định cũng quy định, nhà mạng cần hướng dẫn người dùng cách thức chống tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Người dùng sẽ nhận được điện thoại hoặc tin nhắn từ nhà mạng để xác thực cuộc gọi có phải làm phiền quý khách không. Nếu đúng là làm phiền, người dùng ấn phím 1, nếu không làm phiền, người dùng ấn phím 0 và gửi tin nhắn cho nhà mạng. Tin nhắn này hoàn toàn miễn phí. Việc xác thực là căn cứ quan trọng để nhà mạng chặn thuê bao phát tán cuộc gọi rác.

Nhà mạng cũng phải hiển thị tin nhắn khi cuộc gọi đến cho người dùng là cuộc gọi quảng cáo. Nếu không muốn nghe, người dùng chỉ cần ấn nút bỏ qua. Các nhà mạng cũng cung cấp đường dây nóng, miễn phí để khách hàng phản ánh khi bị các tin nhắn, cuộc gọi rác làm phiền.

Các thuê bao vi phạm về tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác sẽ bị xử phạt hành chính lên tới 100 triệu đồng và bị thu lại số điện thoại. Nghị định cũng sẽ áp dụng giải pháp xử phạt lên tới 170 triệu đồng nếu nhà mạng không thực hiện các biện pháp ngăn chặn "cuộc gọi, tin nhắn quảng cáo" đến danh sách những người đã đăng ký không nhận bất kỳ mọi thông tin quảng cáo.

Kinh nghiệm xử lý tin nhắn rác trên thế giới

Vấn nạn tin nhắn rác không phải chỉ có ở Việt Nam mà hầu như có ở tất cả các mạng điện thoại di động trên thế giới.

Từ năm 2005, Singapore bắt đầu áp dụng quy định bắt buộc những người sử dụng thẻ di động trả trước phải đăng ký các thông tin cá nhân. Ngoài ra, người dân có thể đăng ký vào "Danh sách các thuê bao không nhận tin nhắn". Bất cứ cơ quan, công ty hoặc cá nhân nào cũng không được gửi các tin nhắn rác vào các thuê bao đã đăng ký đó.

Chính phủ Singapore cũng thành lập Sở Bảo hộ thông tin cá nhân, phụ trách xử lý tin nhắn rác. Mức phạt cao nhất lên đến 1 triệu SGD, tương đương gần 17 tỷ đồng, trong đó mỗi lần phát một tin nhắn hoặc gọi một cuộc điện thoại đến thuê bao đã đăng ký trong danh sách không nhận tin quảng cáo thì mức phạt có thể lên tới 10.000 SGD/mỗi tin, tức gần 170 triệu đồng.

Còn ở Đức, "Pháp lệnh liên bang về chống phát tán thư rác" năm 2003 quy định, gửi tin nhắn giới thiệu sản phẩm và dịch vụ đến khách hàng phải được khách hàng chấp thuận bằng văn bản và việc phát tin quảng cáo từ 21 giờ hôm trước đến 8 giờ sáng hôm sau phải được khách hàng chấp thuận. Nhà quảng cáo đã được khách hàng chấp thuận, khi phát quảng cáo phải có hai chữ "Quảng cáo" và ghi rõ tên, địa chỉ, số điện thoại của đơn vị phát quảng cáo. Hành vi phát tán tin nhắn rác sẽ bị phạt lên tới 50.000 Euro, tương đươngkhoảng 1,3 tỷ đồng, nếu phát tán tin nhắn đồi trụy sẽ bị liệt vào tội có hành vi phi pháp và bị truy tố hình sự.

Pháp luật của Anh cho rằng phát tán tin nhắn rác là một loại tội phạm. Khi bị khiếu kiện ở tòa án địa phương, kẻ phát tán nặng nhất có thể bị phạt tới 5000 bảng Anh, khoảng 150 triệu đồng. Nhà mạng VodaFone của Anh còn phát minh ra phương pháp báo cáo tự động, khi hệ thống giám sát phát hiện có tin nhắn rác thì máy cầm tay tự động phát tín hiệu báo cáo được miễn phí cho nhà khai thác và cơ quan công an. Tất cả những biện pháp nói trên đều nâng cao ý thức tự bảo vệ quyền lợi của thuê bao và có tác dụng chống thư rác một cách tích cực.

Thanh Tùng (T/h)