Nhu cầu về nhân lực cho ngành hàng không là rất lớn, đòi hỏi chất lượng cao

09:15, 24/05/2023

Ngày 23/5, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội ((USTH, trực thuộc Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam) tổ chức hội thảo “Đào tạo và nhu cầu nhân lực ngành Kỹ thuật hàng không tại Việt Nam” với sự tham gia của các trường đại học, doanh nghiệp hàng không lớn của Việt Nam và Pháp.

Hội thảo nằm trong chuỗi các sự kiện hướng tới kỷ niệm 50 năm hợp tác Việt Nam - Pháp do Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam tổ chức từ tháng 5 đến tháng 12/2023.

Hội thảo kết nối và cung cấp thông tin, cập nhật nhu cầu nhân lực ngành kỹ thuật hàng không tại Việt Nam trong bối cảnh mới.  Đồng thời, cũng là diễn đàn liên ngành để các cơ sở đào tạo và các nhà tuyển dụng chia sẻ về hoạt động đào tạo và thị trường việc làm hiện nay của ngành kỹ thuật hàng không.

Hội thảo này cũng là nơi trao đổi và kết nối sinh viên, giảng viên, các cơ sở đào tạo về hàng không với các doanh nghiệp về mặt đào tạo, thực tập và cơ hội việc làm. 

Quang cảnh Hội thảo.

Nói về triển vọng ngành hàng không, ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho hay, nhu cầu về phát triển đội bay ở thời điểm này rất lớn. Thị trường ngành hàng không đã phục hồi, thậm chí tăng trưởng mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19.

“Thực tế, ngành hàng không đã quay trở lại. Đến thời điểm hiện tại, thị trường nội địa thậm chí còn vượt so với mức của năm 2019. Khoảng cuối năm nay, thị trường quốc tế cũng sẽ hồi phục được như hồi năm 2019”, ông Thắng nói.

Ông Thắng cho hay, cũng vì thế, thách thức đang đặt ra là thiếu hụt nhân lực cho ngành hàng không.  

“Ở thời điểm Covid-19, các hãng hàng không, nhà sản xuất, cơ sở bảo dưỡng cho nghỉ việc rất nhiều lao động. Khi nhân viên hàng không nghỉ việc, họ tìm được những cơ hội việc làm mới và khi đại dịch Covid-19 dần hết, người ta không quay trở lại với ngành hàng không. Ví dụ như ở Bắc Mỹ, năm 2023, đánh giá thiếu hụt khoảng 18% phi công so với nhu cầu; về kỹ sư máy bay thiếu hụt 14% lao động,...”, ông Thắng nói.

Nếu xét tổng quan cả thế giới, theo ông Thắng, đến năm 2041 sẽ cần hơn 2 triệu nhân lực hàng không liên quan đến công việc phi công, tiếp viên và nhân viên kỹ thuật. Riêng khu vực Đông Nam Á là khoảng gần 200.000 người, trong đó, nhân viên kỹ thuật chiếm khoảng 38.000 người.

“Như vậy có thể thấy, nhu cầu về nhân lực cho ngành hàng không là rất lớn. Tương lai của ngành hàng không cũng như nghề nghiệp rất tươi sáng, chỉ phụ thuộc vào việc các bạn trẻ có thực sự học và đáp ứng được nhu cầu. Bởi với ngành hàng không, nhu cầu về nhân lực rất nhiều, song đòi hỏi chất lượng cao”, ông Thắng nói. 

“Khi thị trường phục hồi, các hãng hàng không đều có nhu cầu tuyển dụng vào rất nhiều vị trí, bao gồm cả nhân viên kỹ thuật. Hằng năm, chúng tôi vẫn tuyển, lên đến cả trăm kỹ sư mới. Nhu cầu có thể nói là rất lớn và cơ hội việc làm ở rất nhiều cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng”.

Theo ông Thắng, khi có chứng chỉ hoạt động, lương của nhân viên kỹ thuật hàng không có thể lên đến 40-50 triệu đồng/tháng. Nhân viên kỹ thuật hàng không gồm nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay.

“Khi có trình độ chuyên môn thực sự, nếu trở thành đại diện cho các nhà sản xuất như Boeing, Airbus... mức thu nhập có thể lên tới trăm triệu. Tuy nhiên, đòi hỏi về trình độ năng lực cũng rất lớn. Khi đó các bạn có thể làm không chỉ ở thị trường Việt Nam mà có thể ở cả nước ngoài nữa”, ông Thắng nói.

Ông Tạ Minh Trọng, Trưởng phòng An toàn bay, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, các hãng hàng không Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, kế hoạch phát triển đội tàu bay rất mạnh. Tuy nhiên năng lực bảo dưỡng tàu bay, động cơ, thiết bị máy bay hiện nay tại Việt Nam còn ở mức hạn chế.

Hiện nay, với cơ sở hạ tầng hiện có, tại Việt Nam chỉ có duy nhất Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO - thuộc Vietnam Airlines) là có thể có năng lực bảo dưỡng tàu bay (Airframe) ở mức không hạn chế cho các loại máy bay A350, B787, A320/A321, ATR72... 

Các hãng hàng không khác hiện nay phần lớn mang tàu bay đi nước ngoài bảo dưỡng (do năng lực bảo dưỡng của VAECO đã chạm ngưỡng về cơ sở hạ tầng). Các nội dung bảo dưỡng, sửa chữa đang phải phụ thuộc toàn bộ vào các tổ chức bảo dưỡng nước ngoài.

Bên cạnh đó, chi phí đầu tư cho cơ sở đào tạo theo đúng tiêu chuẩn của ICAO tương đối lớn. Hiện nay, chương trình đào tạo cho các nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay (AMT), nhân viên sửa chữa chuyên ngành hàng không (ARS) của Việt Nam mới đang tiệm cận được các tiêu chuẩn của ICAO. Công tác huấn luyện đào tạo đang được thực hiện trên các máy bay đang khai thác do đó rất khó để thực hiện huấn luyện các kỹ năng phức tạp.

Ngoài ra, chưa có chính sách đãi ngộ (cho thuê đất với chi phí thấp hoặc miễn tiền thuê, có chính sách trợ giá đối với mỗi nhân viên hàng không được đào tạo…) đối với chiến lược phát triển nguồn nhân lực hàng không nói chung và ngành kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay nói riêng.

Đây là những cơ hội nhưng cũng là thách thức cho việc phát triển nguồn lực nhân viên hàng không nói chung, kỹ thuật hàng không nói riêng.

Tại Việt Nam, mới có một số ít các trường đại học đào tạo, cung cấp nhân lực cho ngành kỹ thuật hàng không như Đại học Bách Khoa, Trường USTH...

GS. Jean-Marc Lavest, Hiệu trưởng chính trường USTH cho biết, các cơ sở đào tạo cần cập nhật về nhu cầu nhân lực ngành kỹ thuật hàng không tại Việt Nam trong bối cảnh mới; đồng thời phải có sự kết nối sinh viên, giảng viên, các cơ sở đào tạo về hàng không với các doanh nghiệp về mặt đào tạo, thực tập và cơ hội việc làm trong lĩnh vực này.

Đối với công tác sửa chữa, bảo dưỡng máy bay - lĩnh vực đặc thù làm việc trong môi trường kỷ luật cao, đòi hỏi vô cùng khắt khe về tính kỷ luật, trình độ ngoại ngữ, nghiệp vụ để bảo đảm an toàn tuyệt đối, chất lượng nguồn nhân lực đóng một vai trò quyết định. Việc đào tạo nên một kỹ sư hàng không là cả quá trình gian nan.

Do đó, trường đã bắt đầu triển khai chương trình đào tạo ngành kỹ thuật hàng không với hai chuyên ngành bảo dưỡng và vận hành bay từ năm 2018, với sự hỗ trợ và hợp tác từ các đối tác lớn như tập đoàn Airbus, Viện Hàng không vũ trụ Pháp (IAS/Bricks), Trường Hàng không dân dụng Pháp (ENAC), Vietnam Airlines, Công ty TNHH MTV Kỹ thuật Máy bay (VAECO).

Chương trình đào tạo được xây dựng theo chuẩn quốc tế với ngôn ngữ học tập bằng tiếng Anh. Sinh viên được học lý thuyết kết hợp chặt chẽ với thực hành tại phòng thí nghiệm Hàng không hiện đại và thực hành chuyên nghiệp tại VAECO.

Phương Mai (T/h)