Điểm nghẽn đổi mới sáng tạo khó thẩm thấu vào các ngành nghề

10:19, 07/04/2021

Năm 2021 là một năm với nhiều cơ hội đi kèm không ít thách thức mà Việt Nam cần tạo một bước ngoặt thay đổi với việc xoá bỏ các điểm nghẽn để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong tất cả lĩnh vực, ngành nghề.

Đổi mới sáng tạo cần thẩm thấu vào các ngành nghề, lĩnh vực

Với tư duy phát triển phải dựa trên khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công tác chuyển đổi số cũng như đổi mới sáng tạo ở Việt Nam đã có nhiều chuyển biến khá nhanh trong thời gian gần đây.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, từ năm 2015, Việt Nam đã nói về chuyển đổi số nhưng mãi đến năm 2019 vẫn chuyển biến khá chậm. Tuy nhiên với nhu cầu cấp thiết trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây nên, năm 2020 đã chứng kiến một sự thay đổi rõ nét, trong cả bộ máy nhà nước cũng như xã hội và các doanh nghiệp. Trong cái khó ló cái khôn, sự chủ động để thích ứng, tiếp cận có thể thấy ở khắp mọi nơi.

Trong mùa Covid, sự tương tác giữa nhà nước và người dân, giữa trung ương và địa phương được thực hiện qua các nền tảng trực tuyến, bỏ bớt các cuộc họp liên miên, các chuyến công tác dài ngày, tiết kiệm được cả thời gian và ngân sách mà hiệu quả hơn nhiều. Chuyển đổi số cũng giúp nhiều doanh nghiệp thoát được cửa tử và sớm hồi phục trong bối cảnh bình thường mới.

Bà Lan cho rằng, có ba yếu tố quan trọng để Việt Nam có thể đẩy mạnh hơn nữa quá trình chuyển đổi số cũng như thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Thứ nhất, Việt Nam có nguồn dân số trẻ, ham học, thích ứng dụng cái mới. Thứ hai, Việt Nam có hệ thống internet được sử dụng khá phổ cập với chi phí rẻ, tạo nền tảng tốt. Thứ ba là nhận thức mới của lãnh đạo nhà nước cũng như doanh nghiệp về tính cần thiết của chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. 

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhìn nhận, Việt Nam đáng lẽ ra có thể làm tốt hơn nếu có được khung pháp lý cho câu chuyện phát triển kinh tế số cũng như ưu tiên đẩy mạnh hơn nữa việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu vốn đã được manh nha triển khai từ 2015 đến nay.

Bên cạnh đó, ông Lực cho rằng, các nhà điều hành, làm chính sách và doanh nghiệp cần tìm được một điểm cân bằng tối ưu nhất vì một mặt muốn cởi mở cho đổi mới sáng tạo nhưng một mặt lại lo kiểm soát rủi ro thì khó phát triển.

“Tranh cãi nhiều mãi không có chính sách mà những trường hợp như Uber, Grab là điển hình trong việc không tìm được cân bằng về chính sách”, ông Lực nói.

Một yếu tố khác không kém phần quan trọng được ông Lực nhấn mạnh là việc nâng cao nhận thức, ý thức của doanh nghiệp và người dân vì đó là các chủ thể tham gia rất quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.

“Hiện nay, nhân sự số, tài năng số cực khan hiếm ở Việt Nam vì cạnh tranh vô cùng khốc liệt, việc tuyển dụng các đối tượng này vô cùng khó khăn, tự đào tạo tự cung cấp tự cung ứng. Một số trường mở khoa này khoa kia nhưng chưa có sự quyết liệt. Chuyện nhân sự số rất quan trọng trong thời gian tới”, ông Lực nhận định.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm Phân tích và dự báo thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam nhận định, chuyển đổi số dù diễn ra nhanh nhưng còn những điểm nghẽn liên quan đến thể chế cản trở nền kinh tế mới cũng như cản trở việc ứng dụng công nghệ vào nền kinh tế truyền thống.

Chuyển đổi số trên thực tế cũng có thể xem là cuộc chạy đua giữa công nghệ số và kỹ năng trong thế kỷ 21. Những kỹ năng xưa cũ khi con người còn làm việc như một cái máy ngày càng mai một, xã hội mới cần những nhân lực có khả năng suy luận, kỹ năng giải quyết vấn đề, các kỹ năng mềm và kỹ năng số. Nhân lực còn chưa đáp ứng được yêu cầu khiến quá trình chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo không thấm thấu được vào các lĩnh vực, ngành nghề.

Cần quyết liệt thay đổi

Nhận định về những cơ hội và thách thức đối với kinh tế Việt Nam trong năm 2021, bà Lan cho rằng đây là một năm mà Việt Nam cần tạo một bước ngoặt thay đổi.


Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

“Không thể không thay đổi được nữa, tôi khá sốt ruột, chúng ta có 10 năm trời thực hiện ba đột phá chiến lược nhưng 10 năm qua chưa tạo được sự đột phá đó. Nếu không thay đổi mạnh mẽ quyết liệt thì không thể đạt được chiến lược 10 năm tới”, bà Lan nói.

Với số phận từng doanh nghiệp, bà Lan cho rằng trong thời đại cạnh tranh quy mô toàn cầu, đừng gọi thị trường Việt Nam là thị trường nội địa bởi Việt Nam cũng là một thị trường quốc tế nơi mà các doanh nghiệp Việt phải chuyển mình để cạnh tranh với các doanh nghiệp đến từ các quốc gia khác nhau trên thế giới.

Với từng cá nhân, thời đại số đòi hỏi những kỹ năng mới, muốn giữ được công ăn việc làm, muốn tăng thu nhập và có công việc tốt hơn thì phải phát triển bằng cách học tập liên tục để có thể thích ứng với thời cuộc.

“Nếu không thấy sự cần thiết phải thay đổi sớm, vẫn làm như cũ, mỗi năm tăng vài phần trăm GDP, khoe thành tích, coi mình là nhất nhì thế giới thì vận mệnh lâu dài sẽ khó khăn, từng người dân cũng khó đạt được khát vọng đang đặt ra”, bà Lan nhận định.

Có cùng quan điểm với ông Thắng, bà Lan cho rằng, động lực cho đổi mới sáng tạo không chỉ trong chuyển đổi số mà trong nhiều lĩnh vực. Chuyển đổi số phải thấm vào các ngành, các lĩnh vực mà số 1 phải là giáo dục để nhân lực tương lai có kỹ năng mới trong thời đại mới. Động lực mới phải là nội lực của Việt Nam chứ không chỉ dựa mãi vào bên ngoài.

Theo/theleader.vn