Doanh nghiệp ngành Công Thương: Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm

15:10, 10/03/2022

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động tích cực đến quá trình ứng dụng công nghệ mới, thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực. Theo đó, các doanh nghiệp (DN) ngành Công Thương xác định tài nguyên số, nguồn lực số chính là nguồn tăng trưởng mới và động lực gia tăng năng suất lao động trong thời gian tới.

Nhận thức rõ về những lợi ích mà chuyển đổi số đem lại, các DN ngành Công Thương đã xác định công tác chuyển đổi số là việc bắt buộc phải thực hiện để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Đặc biệt, trong các DN nhà nước lớn cần có năng lực và trách nhiệm đi đầu trong thực hiện chuyển đổi số để vừa đảm bảo vai trò dẫn dắt và sự phát triển bền vững của DN, vừa góp phần lan tỏa, thực hiện thành công công tác chuyển đổi số quốc gia.

Doanh nghiệp ngành Công Thương: Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm

Chuyển đổi số đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.

Mới đây, Ban chấp hành Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã ban hành Nghị quyết số 184-NQ/ĐU về thực hiện chuyển đổi số tại các DN, đơn vị trong Petrovietnam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Petrovietnam xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng đối với các DN, đơn vị trong tập đoàn, là công cụ để thực hiện đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động DN, sức cạnh tranh, vị thế dẫn dắt trong lĩnh vực hoạt động và nền kinh tế, góp phần xây dựng kinh tế số.

Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từ năm 2019, tập đoàn đã nhận Giải thưởng “DN chuyển đổi số xuất sắc” thông qua hoạt động chuyển đổi số toàn diện tại đơn vị, bao gồm: Lĩnh vực quản trị DN: Triển khai hệ thống quản trị nguồn lực DN (ERP), phần mềm quản lý nguồn nhân lực HRMS, hệ thống văn phòng điện tử (E-Office)…; ở lĩnh vực điều độ hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện đã triển khai hệ thống SCADA/EMS, hệ thống thông tin địa lý GIS, hệ thống quản lý năng lượng…

Ở lĩnh vực truyền tải, 80% trạm biến áp sử dụng hệ thống điều khiển bằng máy tính, các thiết bị bảo vệ trong các trạm biến áp đều sử dụng rơle số. Đối với lĩnh vực phát điện, triển khai hệ thống DCS điều khiển phân tán trong nhà máy điện, hệ thống EVNHES, phần mềm quản lý nguồn điện… Còn ở lĩnh vực kinh doanh và chăm sóc khách hàng, EVN cung cấp các dịch vụ điện tương đương dịch vụ công cấp độ 4 từ năm 2018; triển khai hệ thống CMIS, hệ thống đo đếm dữ liệu từ xa, phát triển trung tâm điều khiển xa và trạm biến áp không người trực…

Một minh chứng khác về DN đẩy mạnh đầu tư cho khoa học và công nghệ, chuyển đổi số đó là Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn hiện có hệ thống 24 nhà máy sản xuất với công nghệ thiết bị hiện đại, tự động, đồng bộ hóa và đạt chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường theo tiêu chuẩn ISO 9001, HACCP/ ISO 22000 và ISO 14001…; Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp cũng đã đầu tư xây dựng cơ sở mới, đầu tư đổi mới công nghệ, mua sắm trang thiết bị sản xuất nhập từ nước ngoài nâng cao chất lượng sản phẩm thúc đẩy hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Bộ Công Thương đang xây dựng để trình Thủ tướng phê duyệt Đề án hỗ trợ DN ứng dụng công nghệ 4.0, thực hiện chuyển đổi số để phát triển sản xuất thông minh giai đoạn 2021-2030.

Theo/congthuong.vn