Vì sao Steve Jobs chọn quả táo làm tên gọi và logo Apple?

10:49, 16/07/2015

Vào những năm 70, Steve Jobs đã đến Ấn Độ và gặp một bậc thầy nổi tiếng. Để rồi sau đó, loại quả ưa thích của người thầy này đã trở thành logo của một trong những công ty nổi tiếng nhất thế giới.

Có nhiều câu chuyện xung quanh ý nghĩa và nguồn gốc của logo Apple. Một số nói rằng Steve Jobs đã lấy cảm hứng từ một trong những ban nhạc yêu thích của ông, The Beatles, ban nhạc có nhãn đĩa được gọi là Apple. Những người khác lại nói rằng logo Apple xuất phát từ những ngày Steve Jobs còn là một chàng trai trẻ làm việc tại một trang trại táo, câu chuyện này chính Jobs đã đề cập đến trong cuốn tiểu sử gần đây của Walter Isaacson. Jobs thực hiện chế độ ăn chỉ toàn trái cây và tên Apple “có vẻ buồn cười, ngồ ngộ, sinh động, mạnh mẽ và không có vẻ đao to búa lớn”.

“Hơn nữa”, Jobs nói thêm “tên gọi Apple sẽ giúp chúng tôi xuất hiện trước hãng công nghệ Atari trong danh bạ”.

Nhưng sự thật có thể không đơn giản như vậy. Có một cách giải thích khác về nguồn gốc tên gọi và logo Apple xuất phát từ miền đất thánh ở Ấn Độ và cuộc hành hương gặp gỡ một người “bậc thầy” có món ăn hoa quả yêu thích là táo.

Trước khi Jobs sáng lập ra công ty công nghệ lớn nhất thế giới hiện nay, Jobs đã đến Ấn Độ vào đầu năm 1974, và được gặp gỡ Neem Karoli Baba, người còn được gọi là Maharaj-ji. Ông là một “thánh nhân” Hindu nổi tiếng của Ấn Độ.

Được xem là một biểu tượng của thần Hanuman, hình tượng hóa thân của Chúa Vishnu, Maharaj-ji như một thỏi nam châm thu hút những người phương Tây trẻ tuổi đến với “cuộc hành trình về phía Đông” rất quen thuộc lúc bấy giờ. Chính Larry Brilliant, một nhà dịch tễ học từng điều hành tổ chức từ thiện Google.org  của Google và giám sát Quỹ Skoll Global Threats Fund, cũng là một trong những người sớm gặp gỡ với Maharaj-ji. Với tên Subramanyum, ông được Maharaj-ji  giao nhiệm vụ làm tiêu diệt bệnh đậu mùa, một dự án mà ông đã tiến hành với sự giúp đỡ của Tổ chức Y tế Thế giới.

Thời điểm đó, Jobs đang làm việc tại hãng video game non trẻ Atari ở Los Angeles. Nhưng hạt giống tinh thần tôn giáo đã được gieo vào lòng ông từ lâu. Jai Uttal, một nhạc sỹ và là một người bạn của Jobs cho biết ông đã gặp Steve Jobs cùng với bạn bè của Steve Jobs, đã kể về Maharaj-ji và điều này đã kích thích niềm khao khát được gặp Maharaj-ji của Steve Jobs.

Jobs đến New Delhi vào tháng 4/1974, ở trong một khách sạn giá rẻ và gần như ngay lúc đó ông mắc bệnh kiết lị. Ngay sau khi khỏi bệnh, Jobs đã đến Haridwar ở phía Tây Ấn Độ để dự một lễ hội lớn của người Hindu, lễ hội có tên là Kumbh Mela (Lễ hội tắm sông Hằng). Từ đó, ông bắt một chuyến tàu và một chuyến xe buýt đến Kainchi ở chân đồi của dãy Himalayas để gặp Neem Karoli Baba. Ông đã thuê một căn phòng chỉ có tấm đệm trên sàn nhà của một gia đình địa phương. Gia đình này đã đưa những bữa ăn kiêng đến cho Jobs. Nhưng ông đến quá muộn, Maharaj-ji đã chết.


Có một người mộ đạo khác là Jeffrey Kagel, còn được gọi là Krishna Das, là một người thầy của yoga Mỹ. Như nhiều người khác, ông cũng đến và mang theo nhiều táo để cho Maharaj-ji. Ông nói: “Chúng tôi nghe nói Maharaj-ji rất thích táo, vì thế chúng tôi đã mua táo”.

Giống như Krishna Das, Jobs không bao giờ quên quãng thời gian ông ở đất thánh Kainchi. Mặc dù ông đến quá muộn và không gặp được Maharaj-ji, song hầu như trong cuộc đời mình, Jobs vẫn tiếp tục theo đuổi prajna, một từ tiếng Phạn được sử dụng trong triết lý Ấn Độ giáo và Phật giáo, có nghĩa là ý thức hay sự khôn ngoan, sự hiểu biết dựa trên nhận thức về bản chất của thực tế. Sự hiểu biết này đạt được thông qua thiền định và chánh niệm.

Trong những năm sau đó, Jobs cũng đến với đạo Phật để tìm kiếm các câu trả lời. Nhưng cuộc hành hương lớn đầu tiên trong cuộc đời ông đã đưa ông đến Ấn Độ, đến với một bậc thầy Hindu thích ăn táo. Rất có thể, đây chính là nguồn gốc của tên gọi cũng như logo của Apple, công ty công nghệ có giá trị lớn nhất thế giới hiện nay.

Mai Hương (Theo ABC.net)