6 xu hướng định hình lĩnh vực thanh toán điện tử

09:33, 27/10/2021

Báo cáo mới nhất của PwC Việt Nam “Cách mạng Thanh toán: Định hướng 2025 và tầm nhìn tương lai” đã chỉ ra 6 xu hướng vĩ mô định hình tương lai của lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam. Những xu hướng vĩ mô này được thúc đẩy bởi sở thích của người tiêu dùng, công nghệ, luật định và các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A).

Rủi ro về bảo mật, tuân thủ và quyền riêng tư dữ liệu là những mối lo ngại hàng đầu.

Cụ thể, xu hướng thứ nhất là tài chính toàn diện và niềm tin. Theo PwC, tại Việt Nam, tài chính toàn diện sẽ tiếp tục được thúc đẩy bởi các thiết bị di động và khả năng tiếp cận các cơ chế thanh toán thuận tiện, giá cả phải chăng. Nhiều ngân hàng và các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán Việt Nam đã và đang mở rộng các sản phẩm và khả năng đáp ứng người tiêu dùng của họ thông qua hợp tác chiến lược để đảm bảo mở rộng phạm vi tiếp cận tài chính ở chi phí thấp.

Thứ hai là tiền kỹ thuật số, loại hình này đang được nhiều quốc gia trong cuộc đua tiến hành thí điểm tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) và xây dựng các quy định cần thiết.

Thứ ba là ví điện tử, thị trường cạnh tranh khốc liệt có thể thúc đẩy các nhà cung cấp ví điện tử sáp nhập thành một vài siêu ứng dụng (super app) nhằm thống lĩnh thị trường. Nhiều siêu ứng dụng và nhà cung cấp dịch vụ thuộc các nhóm ngành kinh tế khác (như thương mại điện tử, bán lẻ và dịch vụ tài chính) sẽ bắt tay hợp tác hơn.

Thứ tư là hệ thống thanh toán, giải pháp mã QR và phương thức thanh toán “Mua trước, Trả sau” dự kiến sẽ trở nên phổ biến.

Thứ năm là thanh toán xuyên biên giới. Tuy nhiên, PwC cũng lưu ý vấn đề thứ sáu liên quan đến tội phạm tài chính. Theo đó, rủi ro về bảo mật, tuân thủ và quyền riêng tư dữ liệu là những mối lo ngại hàng đầu đối với các ngân hàng, công ty công nghệ tài chính (fintech) và các nhà quản lý tài sản. Chính vì thế, PwC cho rằng, một phương pháp tiếp cận thống nhất nhằm chống tội phạm tài chính là rất quan trọng.

Minh Thùy (T/h)