8 cách để cân bằng giữa công việc và cuộc sống
09:00, 11/08/2013
Hàng ngày, sức ép từ công việc và cuộc sống khiến bạn cảm thấy mệt mỏi. Bạn đến văn phòng với một “núi” công việc đang chờ bạn giải quyết, hàng chục email đang chờ bạn trả lời và một danh sách các cuộc hẹn, lịch họp… Kết thúc ngày làm việc, bạn quay về với những công việc của gia đình. Đêm đến bạn lại phải thức khuya để giải quyết nốt những công việc còn dang dở. Bạn phải làm gì để 8 tiếng làm việc ở công sở thực sự hiệu quả, bạn giải quyết toàn bộ công việc theo kế hoạch đã lập ra và kết thúc ngày làm việc, bạn bước chân ra khỏi văn phòng với tâm trạng nhẽ nhõm.
Trong một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, để có được sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc là sự cân bằng của tiền bạc, sự tự chủ và được công nhận – là yếu tố quyết định cho một sự nghiệp thành công và một cuộc sống hạnh phúc. Dưới đây là 8 cách giúp bạn lấy lại cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Nhìn nhận lại mình
Theo tính toán, một nhân viên bình thường sẽ dành ít nhất 8 tiếng/ngày và khoảng 90.000 giờ trong cuộc đời tại công sở. Trung bình, một tuần làm việc bạn cống hiến 40 giờ vàng ngọc cho công việc nhưng nếu số đó tăng lên thành 60 giờ thì bạn cần phải xem xét lại. Quỹ thời gian một ngày là 24 giờ, bạn dành 8 giờ cho công việc, 8 giờ cho nghỉ ngơi, và 8 giờ cho gia đình, con cái, vui chơi giải trí… Tuy nhiên, nếu bạn dành cho công việc là 12 giờ thì quỹ thời gian dành cho các hoạt động khác sẽ bị thu nhỏ lại. Nếu bạn thấy mình lãng phí phần lớn thời gian vào việc quản lý hộp thư, lướt web, chat hoặc các cuộc họp vô bổ, thì đã đến lúc bạn phải sắp xếp lại toàn bộ, lên kế hoach cụ thể cho từng loại công việc và phân bổ thời gian cho hợp lý.
Giải quyết những công việc lớn trước
Hàng ngày, hàng tuần, bạn phải sắp xếp lại kế hoạch làm việc để đảm bảo rằng mỗi sáng mai khi bạn đặt chân đến văn phòng thì những công việc quan trọng, cấp thiết phải được giải quyết trước tiên. Vào đầu giờ buổi sáng, lúc này cơ thể của bạn vừa trải qua một đêm nghỉ ngơi thoải mái, bạn đang tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết để đảm nhiệm những nhiệm vụ lớn trước và bạn sẽ giải quyết công việc đó hiệu quả hơn. Sau bữa ăn trưa, hãy bắt tay giải quyết những công việc còn lại và ít quan trọng hơn.
Lập kế hoạch cụ thể cho ngày làm việc
Để một ngày làm việc đạt được kết quả tốt nhất, bạn nên thiết lập một lịch trình cho ngày làm việc của mình. Bạn lên kế hoạch cụ thể cho 8 giờ làm việc, phân bổ thời gian dự kiến cho từng công việc hoặc dự án, đặc biệt là những dự án lớn. Từ đó, bạn đã có trong tay danh sách các công việc phải làm.
Để tránh rơi vào cái bẫy lãng phí thời gian như trả lời email và các cuộc điện thoại, hãy phân bổ 30 phút mỗi ngày để giải quyết tất cả thay vì thường xuyên nhìn chằm chằm vào điện thoại và hộp thư của mình.
Tránh bị gián đoạn
Việc tạo cho mình một không gian làm việc yên tĩnh, tự do là điều vô cùng quan trọng. Cũng từ không gian này mà những ý tưởng sáng tạo được thăng hoa. Đóng tất cả các tab không cần thiết trên trình duyệt của bạn, tắt chuông điện thoại di động và đeo tai nghe trong khi bạn đang tập trung làm việc.
Dành một vài phút thư giãn
Sau thời gian dồn hết tâm trí và sức lực cho các dự án lớn, bạn nên dành thời gian để thư giãn. Dành một khoảng thời gian ngắn để nghỉ ngơi thực sự sẽ giúp bạn bắt tay vào các công việc mới hiệu quả hơn. Bạn hãy rời bàn làm việc, lấy cho mình tách trà hoặc cà phê và thả lòng hoàn toàn trí óc.
Biết nói câu từ chối
Có một ngày làm việc bận rộn ở phía trước, nhưng bạn vẫn chấp nhận lời mời tham gia hội nghị. Đôi khi, chúng ta quên mất tầm quan trọng của công việc phải giải quyết và chưa biết nói “không ” trước những lời mời. Không phải lúc nào cũng đưa ra lời từ chối, nếu công việc trước mắt không quá quan trọng và bạn có thể giải quyết lui lại, bạn vẫn nên dành thời gian tham gia. Tuy nhiên, bạn nên yêu cầu người mời bạn tham dự hội nghị gửi trước cho bạn xem lịch trình sẽ diễn ra tại đó.
Quan điểm rõ ràng
Bạn phải xác định rõ quan điểm không nên đầu tư quá nhiều thời gian cũng như công sức cho những công việc nhỏ. Chỉ đơn giản là tập trung vào việc đáp ứng đúng thời hạn. Nếu cảm thấy lo lắng về kế hoạch làm việc cho ngày hôm sau hoặc tuần sau, về lý do vì sao bạn vẫn phải làm việc muộn, thì việc đặt ra kế hoạch làm việc để bạn có một cái nhìn rõ hơn vào những gì sẽ phải thực hiện và thiết lập được khung thời gian rõ ràng.
Cần phải biết kết thúc công việc đúng lúc
Bạn không nên dành thời gian buổi tối để làm các công việc của văn phòng. Kết thúc ngày làm việc, bạn bước ra khỏi văn phòng và trở về nhà thì tất cả những công việc sẽ nằm lại ở đó. Bạn không nên ngồi nán lại để giải quyết những công việc lặt vặt hay mang việc về nhà để làm (ngoại trừ các công việc quan trọng và đột xuất).
Hoàng Hải