Windows Phone 7 là một trong những phát minh quan trọng mà Microsoft có được trong năm 2010. Thực tế, sự thành công của hệ điều hành này là điều dễ hiểu với kinh nghiệm nhiều năm trong “sự nghiệp” của Microsoft cũng như những nền tảng sẵn có từ đàn anh Windows Mobile đi trước. Những mẫu điện thoại thông minh đầu tiên
1. Còn nhiều chức năng bị bỏ lại
Với vị trí là phiên bản đầu tiên có mặt, Windows Phone 7 thực tế rất được trau chuốt cẩn thận. Thậm chí nó cũng “không thèm” sao chép giao diện của iPhone như Android mà đi theo một hướng riêng. Mặc dù vậy, có nhiều tính năng quan trọng hiện đang bị “ra rìa”.
Dĩ nhiên Microsoft hứa hẹn sẽ có sự bổ sung trong tương lai gần (năm 2011) nhưng thực tế những người dùng Windows Phone 7 thế hệ đầu sẽ vẫn phải chấp nhận thiệt thòi so với các dòng iOS hay Android. Chúng ta có thể kể tới như chức năng copy/paste các đoạn văn bản, khả năng đa nhiệm… Đây đều là những thứ được nhiều người dùng sử dụng thường xuyên – dù là trên điện thoại.
2. Màn hình chính chưa hỗ trợ nhiều khả năng tùy biến
Không ai có thể phủ nhận việc màn hình Homescreen của Windows Phone 7 là rất đẹp mắt và thân thiện với người dùng. Nó cho phép bạn tạo các tựa đề cho ứng dụng, đưa các contact và trang web cũng như đặt nhiều thứ thường xuyên sử dụng khác lên. Tuy nhiên việc lạm dụng điều này sẽ khiến bạn thường xuyên phải thực hiện thao tác cuộn trang khi cần tìm thứ gì đó bởi Microsoft chỉ cho phép 2 biểu tượng trên mỗi hàng ngang.
Điều này khiến nhiều ý kiến cho rằng diện tích màn hình chưa thực sự được tận dụng hiệu quả. Bên cạnh đó, các chỉnh sửa giao diện chưa thực sự làm hài lòng người dùng điển hình như việc chỉ cho chỉnh màu sắc theo tông tổng thể chứ không hỗ trợ riêng từng ứng dụng hay chưa cho phép thay đổi kích thước các biểu tượng…
3. Khe cắm thẻ nhớ microSD – nhiều phiền toái
Khi chiếc iPhone lần đầu tiên ra mắt, nhiều người dùng quay lưng lại với nó vì một lý do hết sức đơn giản: không có khả năng mở rộng bộ nhớ lưu trữ. Dù Apple đã liên tục nâng mức dung lượng của máy từ 8GB lên tới 32GB trên iPhone 4 nhưng nhu cầu về thẻ nhớ lắp ngoài vẫn là điều xa vời. Trong khi đó Windows Phone 7 thực tế không hoàn toàn hỗ trợ thẻ nhớ phụ nhưng nhiều mẫu như Samsung Focus hiện đã chính thức có khe microSD tích hợp sẵn.
Tuy nhiên nếu bạn thường xuyên tháo thẻ nhớ để chia sẻ hay chép dữ liệu từ máy tính thì hãy đừng vội mừng. Với những dòng máy này, bạn không thể tháo thẻ mà không mất sạch dữ liệu (buộc phải thực hiện hard-reset). Thêm vào đó, thẻ sử dụng với các dòng máy này buộc phải được chỉ định, nếu cắm các loại thẻ “thường” vào, chúng có thể sẽ bị điện thoại Windows Phone 7 của bạn nướng chín. Vì thế, chỉ khi nào số lượng máy Windows Phone 7 có khe cắm thẻ nhớ đủ nhiều (phải có đèn xanh từ Microsoft) và các nhà sản xuất thẻ đưa ra những dòng thẻ tương thích thì người dùng mới có thể yên tâm sử dụng. Hiện tại, tốt nhất bạn nên chọn dòng máy có bộ nhớ trong càng lớn càng tốt.
4. Chưa có hòm thư tổng hợp
Ngược lại với xu hướng tổng hợp hòm thư chung của các ứng dụng quản lý thư tín hiện tại (như Mail của Apple hay Outlook của Microsoft) thì Windows Phone 7 lại chưa cho phép điều này. Nếu bạn sở hữu vài địa chỉ email cùng lúc, việc kiểm tra thư mới sẽ tốn nhiều thời gian hơn hẳn so với việc có hòm thư chung tổng hợp. Dù vậy, ứng dụng quản lý mail mới này của Microsoft vẫn được đánh giá cao do giao diện đẹp mắt và khá dễ sử dụng. Đáng chú ý, bộ lọc với chức năng đánh dấu từng mail riêng biệt là điều được nhiều người dùng rất hoan nghênh.
5. Ứng dụng vẫn nạp quá lâu
Bản thân giao diện của Windows Phone 7 rất nhanh và không có độ trễ nào đáng kể - hơn hẳn so với Android và gần ngang ngửa với iPhone. Điều này giúp cho việc di chuyển giữa các trình đơn hay cửa sổ của hệ điều hành trở nên ấn tượng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, điểm trừ lại tới từ việc nạp ứng dụng quá lâu. Bạn thậm chí phải chờ nạp lại ứng dụng mỗi khi chuyển đổi do sự thiếu vắng cơ chế đa nhiệm – thứ mà cả Android và iOS hiện đều có. Dù không quá lâu nhưng rõ ràng khoảng thời gian chờ mà người dùng phải nhẫn nại chịu đựng khi nhấn vào một liên kết trong Facebook và chờ trình duyệt được nạp vào bộ nhớ là một sự khó chịu lớn.
6. Mô hình Marketplace khép kín tương tự như của Apple
App Store là một trong những yếu tố bị chỉ trích nhiều nhất với các hệ máy iOS. Lý do chính là bởi sự giới hạn nguồn tiếp nhận ứng dụng – chỉ có thể cài từ App Store thay vì các nguồn khác (trừ khi bạn jailbreak máy và chấp nhận mất bảo hành ở một số trường hợp). Trong khi đó, Android lại cung cấp được một phương án “mở” hơn. Tuy nhiên, có lẽ việc “độc quyền” đem lại nhiều lợi ích cho nhà sản xuất đồng thời đảm bảo độ ổn định, bảo mật cho điện thoại (do phần mềm đều được kiểm duyệt chặt chẽ) nên chính Microsoft cũng đi theo hướng tương tự như Apple. Bạn sẽ chỉ có thể cài ứng dụng lên Windows Phone 7 thông qua Marketplace.
Thực tế, dù dịch vụ này hoạt động khá tốt nhưng nó cũng không ngăn được các “tay chơi” đưa ra những giải pháp ngoài luồng. Mới đây một nhóm các nhà phát triển mang đã đưa ra công cụ ChevronWP7 cho phép người dùng cài các ứng dụng trực tiếp từ máy tính. Tuy nhiên, sau một cuộc nói chuyện với giám đốc phụ trách mảng phát triển ứng dụng của Microsoft, nhóm này đã tuyên bố ngừng cung cấp sản phẩm cua mình.
7. Chưa tùy biến nhiều các chức năng tích hợp mạng xã hội
Mạng xã hội là thứ đang bùng nổ mạnh mẽ hiện nay và dĩ nhiên Microsoft nhận thấy rõ điều này. Bản thân Windows Phone 7 được tích hợp khả năng tương tác mạng xã hội khác mạnh mẽ thông qua hub People. Nó có khả năng hỗ trợ việc “giao thiệp” với bạn bè từ những mạng xã hội thông dụng như Facebook hay Windows Live và tương thích tốt với Outlook, Exchange, Hotmail cũng như Gmail.
Đây là một tính năng tốt nhưng đáng tiếc khả năng tùy biến con chưa cao. Ví dụ như khi bạn muốn đưa danh sách bạn bè trong Facebook lên People nhưng không muốn hình ảnh của họ bị lộ ra, Windows Phone 7… không cho phép thực hiện. Bên cạnh đó, một số dịch vụ khá thông dụng như Twitter hiện vẫn chưa được hỗ trợ chính thức. Dù bạn có thể sử dụng các ứng dụng rời tương ứng nhưng những thông tin sẽ không hiển thị trên hub People.
8. Chưa hỗ trợ chia sẻ kết nối Internet
Một tin không vui lắm cho những người dùng khối doanh nghiệp đó chính là việc Windows Phone 7 chưa chính thức hỗ trợ chia sẻ kết nối Internet từ mạng băng thông rộng di động (tethering). Điều này có thể ít quan trọng với người dùng thông thường nhưng với những người đòi hỏi sự kết nối ở mọi nơi mọi lúc cho MTXT của mình, họ sẽ không thích thú gì khi sử dụng dòng máy của Microsoft.
Với iPhone hay các dòng Nokia, bạn có thể cắm cáp USB hoặc sử dụng Bluetooth/Wifi để chia sẻ Internet nhưng với Windows Phone 7 thì điều này là chưa thể. Bản thân Microsoft không khó khăn gì với tính năng này nên việc cập nhật sự hỗ trợ là hoàn toàn khả thi. Ngay từ thời Windows Mobile, nhiều người dùng cũng quen thuộc với ứng dụng WMWifiRouter cho phép thực hiện tác vụ này một cách dễ dàng.
Cho dù quan điểm của bạn về Windows Phone 7 có thế nào thì rõ ràng những tính năng mạnh của nó vẫn hết sức đáng chú ý. Do mới chỉ là phiên bản đầu tiên ra mắt cộng đồng, hệ điều hành mới này của Microsoft vẫn còn nhiều điểm chưa được hoàn thiện. Tuy nhiên, với lời hứa hai bản nâng cấp lớn trong 2011, chắc chắn người dùng sẽ sớm được bổ sung những thứ mà họ lẽ ra phải có từ những ngày đầu.
Nguyễn Linh