Bách khoa Hà Nội có “điểm ngoại lai”

15:06, 14/02/2021

Tiến sĩ Michel Toulouse, Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông, là giảng viên cơ hữu nước ngoài đầu tiên của trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Xuất hiện trong buổi phỏng vấn với vẻ ngoài giản dị và nụ cười thân thiện, ông Toulouse tâm sự về một chặng đường dài theo đuổi tri thức, về cơ duyên của ông với khoa học máy tính, với nghề giáo, với Bách khoa Hà Nội và với Việt Nam.

PV: Là giảng viên cơ hữu đầu tiên tại Bách khoa Hà Nội, chắc hẳn ông cũng nhận được nhiều câu hỏi về quê hương của mình?

Michel Toulouse: Tôi sinh ra ở một vùng quê gần biên giới nước Mỹ thuộc tỉnh Quebec, một vùng đất rộng lớn của người dân nói tiếng Pháp. Như mọi gia đình khác trong vùng, gia đình tôi nghèo. Nhưng có một điều tuyệt vời là hệ thống giáo dục ở Canada từ cấp 1 đến cấp 3 hoàn toàn miễn phí. Thường thì, mọi người trong vùng sẽ dừng việc học sau khi tốt nghiệp THPT để đi làm, kiếm tiền và kết hôn.

Tôi thấy mình khác biệt với những người khác. Mình như một điểm ngoại lai, không theo một quy luật nào. Tôi luôn tò mò về mọi thứ. Thay vì dành thời gian tán gẫu những câu chuyện thường ngày, tôi thích đọc sách, hay lang thang trong rừng và thả suy nghĩ của mình bay bổng cùng trí tưởng tượng của một cậu bé…

Không muốn dừng lại thú vui tìm tòi và khám phá, tôi quyết định học đại học và trở thành người duy nhất trong gia đình 5 anh chị em tiếp tục việc học sau khi tốt nghiệp cấp 3.

PV: Tại sao ông lựa chọn theo đuổi ngành Khoa học máy tính?

Michel Toulouse: Thật ra, khi mới vào đại học, tôi chọn ngành Triết học theo lời gợi ý của giáo viên trung học. Nhận ra không thể kiếm được việc làm trong ngành với tấm bằng cử nhân, tôi thử sức với ngành Kinh doanh một năm nhưng cảm thấy không phù hợp. Sau một lần trò chuyện với một vị giáo sư trong trường về Khoa học Máy tính, tôi quyết định chuyển hướng sang nghiên cứu về máy tính…

Khoa học máy tính rất thú vị. Nó cho phép người học được thỏa sức tìm hiểu, không đặt ra bất kỳ giới hạn nào về tri thức. Đây là ngành nghiên cứu tổng hợp của nhiều lĩnh vực, một chút kiến thức vật lý, một chút toán học… Tóm lại, khoa học máy tính là một cuốn sách mở. Nền tảng của lĩnh vực này khá đơn giản, nhưng nếu chúng ta áp dụng nó vào các bài toán thực tiễn, ngành khoa học này trở nên rất thú vị. Tôi cảm thấy vô cùng thoải mái trong chính sự không giới hạn của nó.

Khi mới 7-8 tuổi, tôi thường quan sát những người thợ sửa điện trước cửa nhà. Họ dành cả một ngày chỉ để làm công việc mà tôi nghĩ có thể hoàn thành trong một giờ, bởi phần lớn thời gian họ chỉ ngồi trong xe và không làm gì. Tôi tự nhủ, sao họ có thể lãng phí cuộc đời như vậy? Tôi không thể giống họ. 70-80 năm cuộc đời chúng ta có là không đủ để học.

PV: Tôi được biết ông từng là giảng viên tại Canada và Mỹ trước khi sang Việt Nam dạy học. Có vẻ ông là người thích xê dịch?

Michel Toulouse: Một trong những lý do là tôi không thích tuân theo các luật lệ gò bó. Tại trường đại học đầu tiên của tôi ở Canada, tôi cảm thấy không phù hợp với phong cách quản trị của Viện trưởng. Ngược lại, môi trường ở Mỹ rất tự do, họ đề cao năng lực. Cơ hội thăng tiến chỉ dành cho những người có khả năng, thay vì bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên lề như chính trị. Tôi cảm thấy hài lòng khi được làm việc ở đó. Ở Mỹ, các trường đại học thường tìm mọi cách để tạo điều kiện cho từng cá thể thành công, bởi họ hiểu nếu một giảng viên thành công, tức là họ cũng đã thành công.

Cứ như vậy thôi, cho đến khi tôi yêu một cô gái Việt. Cô ấy phải về Việt Nam, và tôi quyết định đi cùng cô ấy.

PV: Đây chắc hẳn là một quyết định lớn. Ông có do dự khi chọn chuyển đến một đất nước khác thay vì ở lại nơi mà ông đang cảm thấy hài lòng?

Michel Toulouse: Đối với tôi, quyết định về Việt Nam cùng người con gái mình yêu không phải là một quyết định khó khăn, bởi tôi rất thích văn hoá châu Á.

Tôi luôn nghĩ người châu Á có cái nhìn sâu sắc hơn trong mọi vấn đề. Họ hiểu đâu là điều quan trọng trong các mối quan hệ bạn bè, gia đình và cuộc sống – những giá trị luôn đứng vững, trường tồn cùng thời gian.

Những giá trị bề nổi có thể “thọ” trong vòng 20 năm, 50 năm hay 100 năm. Còn những giá trị truyền thống vững chắc sẽ giúp mỗi người vượt qua mọi khó khăn. Người Do Thái có thể tồn tại hơn 3000 năm vì họ tin vào những giá trị của họ và thực sự làm theo chúng. Văn hoá của người châu Á có chiều sâu, và gợi cho tôi nhiều cảm hứng để tiếp tục tìm hiểu.

Tôi đã đi nhiều nơi, cũng có nhiều trải nghiệm. Khi ở Montreal, tôi từng sống cùng những người nhập cư. Nhiều người trong số họ để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc. Những người thông minh với nhiều hiểu biết về các nền văn hoá khác nhau có thể nói chuyện về những chủ đề ngoài lĩnh vực chuyên môn của họ.

Tôi cũng đã từng gặp nhà khoa học đoạt giải Nobel Vật lý, các Triết học gia, nhà Toán học, và học được nhiều từ họ. Bài học ở đây là hãy luôn thành thật, vì dối trá hay lừa lọc đều là biểu hiệu của sự yếu kém.

PV: Theo ông chia sẻ, Việt Nam là tiếng gọi tình yêu. Vậy Đại học Bách khoa Hà Nội là tiếng gọi gì?

Michel Toulouse: Trước khi về Bách khoa Hà Nội, tôi đã từng có thời gian công tác tại đại học Việt-Đức (Bình Dương). Tôi đã làm việc gần 6 năm tại đây với cương vị Điều phối chương trình Khoa học Máy tính. Điều kiện làm việc ở đó rất tốt nhưng vợ chồng tôi không thể sống xa nhau mãi nên tôi quyết định tìm nơi làm việc mới ngoài Hà Nội.

Tôi cũng có một vài lựa chọn về nơi công tác khi chuyển ra Hà Nội. Tôi quyết định chọn Bách khoa, bởi đây là ngôi trường lâu đời, giàu truyền thống và có danh tiếng bởi mạng lưới sinh viên xuất sắc. Trước khi về đây làm việc, tôi từng có cơ hội gặp nhiều giảng viên Bách khoa Hà Nội qua các hội thảo nghiên cứu, vậy nên tôi biết các giảng viên của Trường rất năng nổ trong hoạt động nghiên cứu.

Có thể nói, Bách khoa Hà Nội có mục tiêu phát triển vượt trội trong đào tạo và nghiên cứu. Bên cạnh đó, môi trường làm việc và chính sách lương thưởng cho giảng viên nước ngoài ở đây rất cạnh tranh so với các cơ sở giáo dục đại học khác ở Hà Nội.

PV: Theo ông, Bách khoa Hà Nội có điểm gì khác biệt so với các trường đại học khác trên thế giới?

Michel Toulouse: Nền văn hoá của mỗi quốc gia là rất khác nhau, vậy nên thật khó để so sánh những sinh viên tôi từng dạy với sinh viên Việt Nam. Tôi nghĩ sinh viên ở đây đều rất tò mò và nghiêm túc với việc học.

Khi còn là giảng viên nước ngoài, tôi từng hướng dẫn vài nghiên cứu sinh Việt Nam. Nghiên cứu tiến sĩ không chỉ gói gọn trong sự học, nó đòi hỏi tính kiên trì. Nhiều người phải bỏ giữa chừng. Nhưng những sinh viên Việt Nam tôi biết luôn hoàn thành tốt công việc của mình, thậm chí đều đạt được số điểm cao nhất khi học tại Montreal.

Đại học Bách khoa Hà Nội có hoạt động nghiên cứu sôi nổi. Ở môi trường nghiên cứu, sinh viên có hứng thú với việc học vì muốn học hơn là học vì tấm bằng đơn thuần. Theo tôi được biết, những sinh viên của tôi đều là những sinh viên xuất sắc với điểm thi đại học rất cao.

Tôi đang làm quen dần với phong cách của sinh viên Bách khoa. Theo quan sát của tôi, sinh viên từ Canada hay Mỹ rất thoải mái khi bắt chuyện với giáo viên. Nếu có thể vượt qua những rào cản ban đầu, tôi nghĩ sinh viên Việt Nam sẽ cởi mở hơn trong giao tiếp với thầy cô.

Nhưng có một thứ vẫn không thay đổi, chính là những sinh viên bàn đầu (cười). Sinh viên ngồi bàn đầu thường có tương tác tốt hơn với giảng viên. Có thể những sinh viên ngồi sau không hiểu hết bài giảng do gặp khó khăn về ngôn ngữ, hoặc họ thoải mái hơn khi được trao đổi bài với bạn cùng lớp.

Phong cách của tôi cũng khác với cách dạy học của các giáo viên Việt. Tôi muốn sinh viên vào lớp vì họ thực sự muốn. Phong cách phương Tây cho sinh viên quyền tự do học tập. Đây là kiến thức của tôi, sinh viên có thể nhận, có thể không. Không có sự áp đặt nào cả.

Bách khoa Hà Nội cũng có nhiều giảng viên xuất sắc với màu sắc riêng. Với những kiến thức mới trên giảng đường đại học, sinh viên cần một người thầy có khả năng trình bày các đầu mục một cách hệ thống và lô-gic.

PV: Ông có thể chia sẻ quan điểm của ông về học và dạy học?

Michel Toulouse: Với tôi, dạy học là một dịch vụ mình cung cấp cho xã hội. Với những sinh viên muốn tìm việc sau khi tốt nghiệp, chúng tôi dạy họ những kiến thức cần thiết cho công việc sau này. Với những ai luôn tò mò và thích khám phá, tôi muốn được truyền thêm cảm hứng.

Khi còn nhỏ, một lý do tôi muốn tiếp tục học là để trở thành một công dân tốt. Được học hành tốt để có thể cống hiến cho xã hội, hay ít nhất là biết cách ứng xử nhân văn, đã là một món quà của giáo dục. Tôi muốn trở thành một người có ích cho xã hội.

PV: Thế còn việc kiếm tiền cho bản thân thì sao, thưa ông?

Michel Toulouse: (Cười) Ôi, vậy thì có thể giúp ích cho ai được chứ!

Giáo dục chính là sự đầu tư tuyệt vời nhất. Tôi mong rằng các sinh viên nên tận dụng mọi cơ hội vì được học trong một môi trường tốt là điều vô giá. Mỗi sinh viên nên tự tìm phương pháp học phù hợp. Nếu không hợp với cách học trên lớp, hãy tự tìm hiểu những cách khác qua mạng, qua bạn bè hay qua thực tế. Đừng giới hạn bản thân. Hãy tiếp tục sáng tạo và mở mang kiến thức.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông!

 


Michel Toulouse nhận bằng tiến sĩ Kỹ thuật máy tính vào năm 1996 từ École Polytechnique, Đại học Montréal, Canada. Các nghiên cứu hiện tại của ông bao gồm các thuật toán song song và phân tán, tối ưu hóa tổ hợp, thuật toán tìm kiếm, thuật toán đồng thuận phân tán, sổ cái phân tán (blockchain) và bảo mật mạng.

Ông đã nhận được một số tài trợ nghiên cứu ở Canada, xuất bản khoảng 60 bài báo khoa học và đã góp phần hỗ trợ các hoạt động khoa học quốc tế như tổ chức một số hội nghị quốc tế, đóng vai trò là phản biện, biên tập viên cho các tạp chí khác nhau, tham gia hội đồng đánh giá các đề xuất nghiên cứu của một số tổ chức khoa học Canada và quốc tế.

Ông từng nhận giải thưởng nhà nghiên cứu xuất sắc nhất, Đại học Việt Đức (2017) và được xếp hạng nhà nghiên cứu có ảnh hưởng lớn thứ ba trong lĩnh vực Metaheuristics trong số 1559 nhà khoa học trong một nghiên cứu đo lường sự đóng góp cho các hoạt động phổ biến khoa học và đồng tác giả.

Hiện nay, tại Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông, ông đang dạy các môn: Thuật toán và cấu trúc dữ liệu; Hệ điều hành.


 Theo Thu Hà/bulletin.hust.edu.vn