Bán hàng online đang thay đổi, sân chơi không dành cho mô hình nhỏ
Tình trạng trả mặt bằng, rời bỏ thị trường không chỉ đang xảy ra với các cửa hàng kinh doanh trực tiếp, mà với cả các gian hàng trực tuyến. Theo số liệu trong quý III vừa qua, gần 50.000 nhà bán hàng thương mại điện tử đã dừng hoạt động… Điều này cho thấy bán lẻ nhỏ và không chuyên nghiệp sẽ dần bật khỏi thị trường.
Vỡ mộng bán hàng online
Thực tế, khi chúng ta đang ở trong mùa mua sắm sôi động nhất trong năm, và đến hẹn lại lên cứ mỗi dịp ngày đôi có ý nghĩa như 11/11, 12/12 thì các sàn thương mại điện tử (TMĐT) tung ra các chương trình khuyến mãi kích cầu nhằm hút khách hàng và tăng thu nhập. Tuy nhiên, năm nay không khí không được tưng bừng như trước.
Thống kê của Metric mới đây chỉ ra tổng doanh thu và sản lượng toàn thị trường TMĐT quý III đều tăng trưởng trung bình trên 40% so với cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên số lượng shop có lượt bán giảm mạnh 12%. Nguyên nhân của vấn đề này theo Metric đều tới từ tất cả các yếu tố khách quan từ thị trường như nền kinh tế còn nhiều biến động, người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng, nhiều điều chỉnh chính sách từ sàn mua sắm trực tuyến. Đặc biệt, yếu tố chủ quan từ chính nhà bán hàng không có chiến lược kinh doanh hiệu quả, không tìm hiểu kỹ thị trường trước khi nhập hàng/sản xuất, chi phí chưa được kiểm soát chặt chẽ…
Minh chứng cho điều này là mô hình bán thực phẩm trên TikTok Shop của vợ chồng anh Vũ Đình Tôn Sơn, Chủ tiệm bánh Sơn Trang (quận Phú Nhuận, TPHCM). Chia sẻ với báo điện tử VTV, chủ shop này cho biết: “Sau 5 năm kinh doanh vợ chồng mình thất bại rồi. Có những thời điểm huy hoàng khi phiên live có khi đến 100 triệu của vợ chồng mình. Còn bây giờ thì giảm hơn 10 lần không đủ để duy trì doanh nghiệp”.
“Sức mua của người tiêu dùng thì giảm dần, mà phiên live thì đang bị hạn chế nữa mọi người ơi. Nên hầu như nhân viên của bọn mình chỉ ngồi chơi thôi không có đơn mà làm luôn"… đó cũng chính là lời tạm biệt của tiệm bánh Sơn Trang khi họ quyết định đóng cửa gian hàng bán thực phẩm trên TikTok Shop.
“Các chồng hộp carton để đóng hàng từng gói theo hy vọng sẽ bán chạy hàng gấp 3, gấp 4 ngày thường trong dịp cao điểm khuyến mãi cuối năm chưa biết khi nào mới dùng hết”, anh Sơn than thở. Đó cũng là một trong những minh chứng cho bài học "sớm nở chóng tàn" khi kinh doanh online.
Cùng chung cảnh với vợ chồng anh Sơn, chị Nguyễn Thị Vân (ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM) chuyên bán loại đặc sản miền Tây như gạo sạch lúa tôm, tôm sú, nghệ… từng mở gian hàng tại 2 sàn TMĐT lớn, doanh số đạt chục triệu đồng/tháng nhưng nay 1 gian hàng đã bị khóa, gian hàng còn lại gần như không hoạt động.
Xẩy ra tình trạng này, theo lý giải của chị Vân, thì "trước đây, các sàn miễn phí cho nhà bán toàn bộ và tặng mã giảm giá đơn hàng, phí vận chuyển nên khách đặt mua nhiều nhưng hiện nay sàn đặt ra rất nhiều loại phí. "Họ cài đặt tự động cho gian hàng tham gia các chương trình quảng cáo, marketing… lúc đầu miễn phí, hết hạn họ gia hạn tự động mà không báo cho nhà bán biết".
Theo chị Vân, vì không biết để hủy tham gia các chương trình này nên nhiều đơn hàng bị lỗ do bị sàn trừ phí. Để duy trì, chị tập trung rao hàng qua mạng xã hội, chăm sóc khách quen để họ đặt đơn mới và tự giao hàng hoặc gửi qua các đơn vị vận chuyển.
Theo giới chuyên gia, một phần nguyên nhân là do sai lầm của các nhà bán khi chưa tìm hiểu kĩ thị trường, chưa kiểm soát chặt chẽ chi phí vận hành. Trong khi thương mại điện tử đang ngày càng chuyên nghiệp hóa.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, cho biết: "Như ngày trước chúng ta chỉ cần đưa lên Facebook, Google lấy được các từ khóa. Bây giờ không phải đơn giản như vậy. Bây giờ chúng ta bị bóp tương tác, phải trả tiền quảng cáo, phải đấu thầu cho những từ khóa để chúng ta mới phát triển được".
Cục diện cạnh tranh giữa các sàn thương mại điện tử cũng khốc liệt không kém. Bối cảnh vĩ mô khó khăn, tiêu dùng thắt chặt đã khiến các sàn dùng mọi cách để cắt chi phí và tăng doanh thu. Tín hiệu tích cực là các sàn tập trung đầu tư hơn cho những yếu tố cốt lõi như cải thiện chi phí vận đơn, đẩy nhanh tốc độ giao hàng.
Dù còn nhiều thách thức, ngành thương mại điện tử Việt Nam vẫn tăng trưởng 11% so với năm ngoái vẫn là thị trường hấp dẫn hàng đầu khu vực trong mắt giới đầu tư.
Bán hàng online đang chuyên nghiệp hơn
Trong bối cảnh bán hàng trực tiếp hay các cửa hàng, chợ truyền thống đang đối mặt với làn sóng trả mặt bằng, thì bán hàng online vẫn đang bỏ ngỏ nhiều cơ hơi, nhưng mọi thứ đang dần đổi khác. Yêu cầu bán hàng online ngày càng chuyên nghiệp hơn, bởi người tiêu dùng cũng khắt khe hơn trong trải nghiệm mua sắm, vì vậy đòi hỏi các mô hình bán lẻ trực tuyến cũng cần đổi khác, thay đổi mình để tồn tại.
Theo ThS Đỗ Quang Huy, chuyên gia thương mại điện tử, cho rằng: "Trước đây, các sàn TMĐT thu hút nhà bán mới bằng việc phân bổ cho họ có nhiều lượt xem, tặng mã khuyến mãi, nhà bán chỉ cần tính giá đầu vào cộng thêm lãi, toàn bộ tiền hàng sẽ về cho nhà bán nhưng nay chi phí bán hàng online lên đến 30% - 50% giá bán sản phẩm nên nhà bán phải biết tính toán chi phí để đưa ra giá bán phù hợp".
Thế nhưng bây giờ mọi thứ đang thay đổi, đặc biệt trước thực tế hàng chục ngàn nhà bán bị "loại khỏi cuộc chơi", chuyên gia Đỗ Quang Huy khuyến cáo: “Các doanh nghiệp cần có nhân sự chuyên trách về TMĐT, quản lý và khai thác tốt dữ liệu khách hàng. Bên cạnh đó, trước rủi ro về việc bị khóa shop, các thương hiệu phải duy trì sự hiện diện của mình ở tất cả các sàn, trên mạng xã hội và xây dựng website riêng là điều nên làm".
“Người kinh doanh trực tuyến, đặc biệt là bán hàng trên TikTok Shop, phải có chiến lược về giá, phát triển thời điểm và điều tiết các chương trình khuyến mãi thường xuyên nhưng phải tính toán sao cho giá cuối cùng trên sàn TMĐT tương đương giá bán trực tiếp ngoài thị trường”, ông Huy chia sẻ.
Theo quy luật, người bán hàng quy mô nhỏ sẽ dần bị loại và thực tế “vỡ mộng bán hàng online” đã và đang diễn ra, nhất là trong thời gian gần đây càng chững minh cho điều đó. Trong khi, theo các chuyên gia "chi phí bán hàng trên sàn ngày càng tăng, một số sàn tăng phí vô tội vạ, cá biệt có sàn tăng phí 4 lần/năm cùng nhiều khoản phí khác khiến lợi nhuận của nhà bán ngày càng mỏng, một nhà bán trước đây bán hàng trên sàn TMĐT có thể kiếm lời ít nhất 15% - 20% nhưng nay chỉ còn khoảng 5%. Tỉ lệ này đối với doanh nghiệp lớn là số tiền lớn nhưng với nhà bán nhỏ, doanh số 100 triệu đồng/tháng thì chỉ được 5 triệu đồng, không đủ để họ bảo đảm cuộc sống”.
Ngoài ra, theo ông Huy cũng có không ít nhà bán chủ động bỏ sàn TMĐT, chuyển hẳn sang kinh doanh trên mạng xã hội để né thuế".
Khi mà tình hình kinh tế chung còn gặp nhiều khó khăn, chi tiêu của người tiêu dùng giảm tốc, trong khi sức cạnh tranh trên các sàn TMĐT luôn gay gắt, vì vậy nếu nhà bán lẻ không có nguồn lực, không đa dạng hoá về sản phẩm, nguồn hàng và giá cả phải chăng… thì kó lòng mà trụ vững.
Cũng bởi chi phí vận hành shop online cao, mức độ cạnh tranh trên sàn TMĐT cao nên ngày càng nhiều doanh nghiệp tạo hệ sinh thái TMĐT riêng gắn trực tiếp với khách hàng để phát triển bền vững mà không cần thông qua các sàn TMĐT. Do đó, các nhà phân tích lưu ý, rằng các nhà bán lẻ cần có sự trang bị đầy đủ về nhân tài am hiểu và thông thạo về công nghệ, có nguồn lực đủ để đi đường dài, thực hiện đa dạng hoá các kênh mạng xã hội, nên trang bị website riêng.
Ngoài ra, việc bán hàng trên các sàn TMĐT, mạng xã hội, các nhà bán lẻ cần phải có chiến lược về giá, phát triển thời điểm và điều tiết các chương trình khuyến mãi thường xuyên nhưng phải tính toán sao cho giá cuối cùng trên sàn TMĐT tương đương giá bán trực tiếp ngoài thị trường... Làm tốt những vấn đề đó chúng ta mới mong trụ vững trước những biến động chung của thị trường.
Theo thuongtruong.com.vn