Báo cáo 2015: Viễn cảnh tương lai của mạng di động (phần 3)
Gọi thoại qua LTE, còn gọi VoLTE đang dần trở thành nhân tố chính đảm bảo cho doanh thu của nhà mạng trong bối cảnh người dùng ngày càng hướng về nền tảng OTT.
Kiến trúc di động tương lai sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức mới trong 5-10 năm nữa khi thế giới chuyển đổi theo hướng LTE.
Mạng di động sẽ trở thành mối bận tâm chính trong tương lai, nhất là khi 5G đang được hiện thực hóa bởi nhà mạng SK Telecom nhằm phục vụ cho Thế Vận Hội Mùa Đông 2018. Trong khi đó, tại châu Âu, các tiêu chuẩn 5G cũng đang được xây dựng và kỳ vọng sớm hoàn thành.
Ngoài 5G, Internet của Vạn vật (Internet of Things, gọi tắt IoT) chiếm một phần quan trọng trong ngành công nghiệp viễn thông, và được dự đoán trở thành xu hướng phát triển vũ bão trong tương lai gần.
Với sự tiến hóa nhanh chóng của công nghệ kết nối, số lượng các mối đe dọa về an ninh mạng như malware di động, DDoS, và các loại hình tấn công trên DNS, CPE hoặc các bộ phận khác của mạng cũng phát triển tương đương.
Ở báo cáo Viễn cảnh tương lai của mạng di động do Telecoms.com Intelligence thực hiện và được bảo trợ bởi F5, Tata Communications, Astellia và Mycomosi, chúng ta sẽ được tìm hiểu rõ hơn về an ninh mạng di động, lộ trình đi đến 5G, hoạt động triển khai VoLTE và sự bền vững của mạng tương lai.
Hoạt động triển khai VoLTE
Những năm gần đây, gọi thoại qua LTE, hay còn gọi VoLTE đang dần trở thành nhân tố chính đảm bảo cho doanh thu của nhà mạng trong bối cảnh người dùng ngày càng hướng về các nền tảng OTT.
Để khởi sự phần khảo sát, nhóm tác giả báo cáo đã đặt câu hỏi cho các đơn vị tham gia nhằm xác định sự thích ứng của họ về việc ra mắt VoLTE. 17,3% cho biết, họ sẵn sàng triển khai các dịch vụ VoLTE, số liệu này tương đương với kết quả báo cáo của Hiệp hội các nhà cung cấp di động toàn cầu (Global mobile Suppliers Association). Cụ thể, thế giới hiện có 25 nhà mạng đã cho tung ra dịch vụ VoLTE và 103 nhà mạng đang đầu tư cho việc triển khai các phiên bản thử nghiệm.
Không những thế, gần 1/2 nhà mạng triển khai VoLTE đều có xuất phát điểm từ Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc. 10,6% cho rằng họ sẽ cho ra mắt VoLTE vào cuối năm nay và 22,7% nhắm mục tiêu triển khai vào năm 2016. Trong khi đó, chỉ 1/3 tức tương đương 34,1% không xác định cụ thể thời điểm nào họ có thể trình làng VoLTE.
Khi hỏi về lý do chính tại sao các nhà khai thác lại muốn khởi động VoLTE, lý do chính mà nhóm tác giả báo cáo nhận được là do nhà mạng muốn giành lại thị phần mà OTT đã chiếm lĩnh. 30,6% đồng tình về điều này. Hai đáp án phổ biến tiếp theo liên quan đến khách hàng hiện tại; 27,8% cho biết VoLTE sẽ giúp giữ chân khách hàng hiện tại và 27,1% khẳng định VoLTE còn giúp thúc đẩy ARPU và phát sinh doanh thu mới. Trong khi đó, 20,8% muốn sử dụng VoLTE để chứng minh về sự đổi mới không ngừng của họ so với đối thủ cạnh tranh, và 21,2% muốn dùng VoLTE làm phương tiện thu hút khách hàng mới.
Một trong những than phiền lớn nhất của người dùng khi sử dụng gọi thoại truyền thống là chất lượng kém và không đáng tin cậy. Đó cũng là lý do tại sao gần 50% nhà mạng đồng tình rằng chất lượng và sự ổn định của hoạt động gọi thoại sẽ là dịch vụ chính có thể thu lợi từ việc triển khai VoLTE.
Từ góc độ kinh doanh, 26,7% tin rằng hoạt động triển khai VoLTE sẽ là điểm sáng cho việc tăng cường hiệu quả sử dụng quang phổ. Gần 1/4 (24,3%) nhận định khả năng xây dựng dịch vụ phong phú sẽ chứng thực cho việc hưởng lợi từ VoLTE của các nhà mạng. Trong khi 23,9% khẳng định, VoLTE cho phép nhà mạng chuyển đổi các cuộc gọi thoại từ mạng 2G và 3G sang và giải phóng chúng nhằm sử dụng được nhiều dữ liệu thô sơ hơn. Ngoài ra, 12,2% tăng cường hoạt động cạnh tranh với các ứng dụng OTT và cắt giảm chi phí vận hành mạng. Và, 30,6% được xác định cạnh tranh hiệu quả hơn với OTT; đó cũng là một trong những lý do quan trọng để họ quyết định triển khai VoLTE.
Nhắc đến thách thức công nghệ của việc triển khai VoLTE, 56,9% cho rằng mối bận tâm lớn nhất của các nhà mạng là làm thế nào để duy trì tính liên tục của các mạng 2G và 3G hiện có. Trong thế giới VoLTE, khi các thuê bao rời khỏi khu vực được phủ sóng bởi LTE, việc duy trì thường xuyên dịch vụ giữa lõi IMS chạy trên dịch vụ VoLTE và 2G cũng như 3G bằng việc sử dụng tính liên tục của gọi thoại tần sóng vô tuyến đơn (SRVCC) sẽ cần thiết cho việc đảm bảo chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng. 51,4% và 50,2% lần lượt cho rằng hoạt động chuyển vùng/kết nối quốc tế và khả năng tương tác của thiết bị cầm tay là những thách thức lớn để duy trì tính liên tục của mạng 2G và 3G hiện tại. Chỉ 20,8% cho rằng các vấn đề về báo hiệu SIP mới thực sự là thách thức.
Tóm lại, phần lớn các nhà mạng vẫn đang “úp úp mở mở” về kế hoạch triển khai VoLTE của mình. 43,1% sẽ quyết định công bố kế hoạch ra mắt VoLTE một cách mềm mỏng và không công khai để dự phòng đường lui cho mình nếu có bất trắc xảy ra. Trong khi 26,3% cho rằng hoạt động triển khai ấn tượng sẽ được khởi sự ở thị trường tiêu dùng (12,9% nhắm mục tiêu vào thị trường doanh nghiệp đầu tiên); với 17,6% mong muốn giới thiệu VoLTE công khai đến thị trường của họ.
Độc giả quan tâm vui lòng đón đọc ở phần 4 tiếp theo về “Sự bền vững của mạng tương lai”.