Bộ GD&ĐT đề nghị nâng cấp hạ tầng, mở rộng băng thông và giảm giá cước cho học trực tuyến
Nhận định những khó khăn về đường truyền viễn thông trong dạy và học trực tuyến, Bộ GD&ĐT vừa có văn bản gửi Bộ TT&TT về việc hỗ trợ ngành Giáo dục triển khai chuyển đổi số trong bối cảnh phức tạp của đại dịch Covid-19.
Theo đó, Bộ GD&ĐT đề nghị Bộ TT&TT phối hợp thực hiện ba nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hỗ trợ ngành Giáo dục. Thứ nhất là, chỉ đạo các tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông đầu tư nâng cấp hạ tầng, mở rộng băng thông Internet đảm bảo tổ chức tốt các hoạt động dạy học trực tuyến và chuyển đổi số trong giáo dục.
Thứ hai là, chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông xem xét miễn giảm giá cước truy cập Internet cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo (đặc biệt là cước Internet 3G, 4G); giảm giá thuê dịch vụ máy chủ, dịch vụ Internet phục vụ đào tạo từ xa cho các cơ sở giáo dục đại học.
Thứ ba là, chỉ đạo các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ thông tin nghiên cứu, phát triển các giải pháp, nền tảng dạy và học trực tuyến, xây dựng học liệu số; ban hành văn bản hướng dẫn về sử dụng an toàn các phần mềm, công cụ dạy học trực tuyến.
Nếu cả ba vấn đề trên sớm được giải quyết, việc dạy và học trực tuyến sẽ dần được đảm bảo; cả thầy- trò mới yên tâm và phát huy nhiệt huyết, sáng tạo trong các giờ học.
Riêng khó khăn về thiết bị, các địa phương đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ các em với phương châm “không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau”.
Ngày 6 và 7/9, hầu hết địa phương trên cả nước triển khai học trực tuyến cho các cấp học. Tình trạng nghẽn mạng, rớt mạng xảy ra khá phổ biến ở nhiều nơi
Theo phản ánh, tại Hà Nội các địa bàn đều xảy ra tình trạng mạng chậm, mạng yếu, rớt mạng, đặc biệt là khi học phần mềm Zoom. Có nhiều tiết, cả cô và trò cùng bị out khiến việc học gián đoạn, cô trò ức chế, giảm hứng thú dạy- học, chất lượng và thời lượng tiết học không đảm bảo.
Tại TP Hồ Chí Minh, các phần mềm như K12 online, Zoom, Microsoft teams… đều gặp trục trặc khi nhiều học sinh vào được nhưng sau đó bị “văng” ra khỏi lớp liên tục.
Tình trạng nghẽn mạng cũng xảy ra tại tỉnh Hưng Yên khi ngày 6/9, nhiều phụ huynh và học sinh phản ánh do đường truyền, cô trò bị “thoát mạng” cục bộ dẫn đến việc học không được như mong muốn. Tiếp ngày 7/9, việc bị “đẩy” ra khỏi lớp vẫn xảy ra thường xuyên khiến cô trò phiền lòng.
Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ diễn ra tối 6/9, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đánh giá: “Việc dạy học trực tuyến khó khăn, nhưng khó khăn nhất là thiếu thiết bị, thiếu dung lượng đường truyền. Riêng tính việc đường truyền cho hơn 20 triệu học sinh sinh viên, đã khó có đường truyền đảm bảo được; vì vậy cần sự chung tay của cả cộng đồng; cần các cấp, các ngành cùng tháo gỡ…
Thùy Chi (T/h)