Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam mong muốn bộ nhận diện sẽ xuất hiện trong "Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2022"

13:20, 06/07/2022

Để góp phần xây dựng hình ảnh, thương hiệu quốc gia về chuyển đổi số, công nghệ số, đổi mới, công nghiệp sáng tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết định tổ chức cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) "Chuyển đổi số quốc gia" từ tháng 7/2022 đến tháng 9/2022.

Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì buổi lễ.

Xây dựng biểu trưng (logo) về Chuyển đổi số quốc gia là một trong những nhiệm vụ đã được giao tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cuộc thi được tổ chức để chọn mẫu biểu trưng (logo) "Chuyển đổi số quốc gia" nhằm thống nhất sử dụng trong toàn bộ các hoạt động của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia; góp phần xây dựng hình ảnh, thương hiệu quốc gia về chuyển đổi số, công nghệ số, đổi mới, công nghiệp sáng tạo.

Cuộc thi được mở rộng cho mọi đối tượng cá nhân, tổ chức, cơ quan cả trong và ngoài nước tham gia, ngoại trừ các thành viên Ban tổ chức, Hội đồng giám khảo, Ban tư vấn, Tổ thư ký không được gửi tác phẩm tham gia dự thi.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng phát động cuộc thi.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh: Chuyển đổi số trước hết là chuyển đổi nhận thức, vì thế cuộc thi cũng là dịp để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia tìm hiểu, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với cuộc sống nói riêng của mỗi người và sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nói chung của đất nước. Nghệ thuật là sáng tạo, không gò bó, không giới hạn.

Tuy nhiên, để có một số chất liệu cho quá trình sáng tác, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đã chia sẻ một vài gợi ý ban đầu về việc sáng tác biểu trưng. Đồng thời đưa ra lời khuyên với những tác phẩm dự thi hãy bắt đầu mọi thứ từ chính giao điểm của chuyển đổi số và nghệ thuật – với triết lý “vị nhân sinh”. Hãy nhìn và cảm nhận về chuyển đổi số từ chính góc nhìn của nghệ thuật và bằng chính sự rung động của một người làm nghệ thuật, để có thể thăng hoa với tác phẩm của mình.

Ông Nguyễn Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam phát biểu tại buổi lễ phát động.

Chia sẻ tại lễ phát động, ông Nguyễn Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam nhận xét sự kiện này như là bước khởi động cho việc thực hiện kế hoạch Ngày chuyển đổi số quốc gia đầu tiên vào 10/10 sắp tới.

Với lịch trình Ban tổ chức đưa ra, theo ông Nguyễn Long, có thể thấy mong muốn của Bộ TT&TT và Ban tổ chức là bộ nhận diện, biểu trưng “Chuyển đổi số quốc gia” sẽ xuất hiện trong Ngày chuyển đổi số quốc gia đầu tiên – Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2022.

Có cơ hội chứng kiến cả 1 quá trình lịch sử của ngành CNTT nước nhà, ông Nguyễn Long điểm lại: Thời kỳ những năm 70 - 80, biểu tượng đầu tiên của tin học, máy tính là bàn phím và màn hình. Đến đầu những năm 2000, khi thế giới kết nối rộng mở với toàn cầu, các biểu tượng đều gắn với ký tự @.

Với chuyển đổi số, nền tảng, cái lõi để đưa đến giai đoạn phát triển này là máy tính, tin học, CNTT-TT, tự động hóa… Sau đó, mở rộng ra, chuyển đổi số phải lan tỏa được đến mọi người dân, và người dân là người hưởng lợi, là trung tâm của mọi hoạt động.

Một lần nữa bày tỏ mong muốn sớm có được 1 bộ nhận diện, biểu trưng “Chuyển đổi số quốc gia” để nhận diện, ghi dấu thời điểm những ngày đầu tiên Ngày chuyển đổi số quốc gia 10/10 được công nhận, đại diện Hội Tin học Việt Nam cho rằng, sự ra đời của biểu trưng “Chuyển đổi số quốc gia” trước hết sẽ có lợi cho giới CNTT-TT Việt Nam, tạo động lực sáng tạo, đổi mới, phát triển để phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Cùng với đó, cộng đồng cũng hưởng lợi từ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, qua đó minh chứng khả năng Việt Nam có thể vững vàng hội nhập thế giới, trở thành nước có tiềm năng hội nhập và phát triển nhanh. “Cộng đồng CNTT sẽ tham gia đóng góp ý tưởng, hình ảnh để phục vụ cho cuộc thi sáng tác biểu trưng Chuyển đổi số quốc gia”, đại diện Hội Tin học Việt Nam nói.

“Cộng đồng CNTT sẽ tham gia đóng góp ý tưởng, hình ảnh để phục vụ cho cuộc thi sáng tác biểu trưng Chuyển đổi số quốc gia”, đại diện Hội Tin học Việt Nam nói.

Tại buổi lễ, bà Trần Thị Quốc Hiền, Phó cục trưởng Cục Tin học hóa, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi đã giới thiệu thể lệ cuộc thi. Theo đó, các tác phẩm dự thi cần đáp ứng được một số tiêu chí về nội dung như sau:

Yêu cầu tác phẩm dự thi:

Ngoài gợi ý về nội dung được Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ, biểu trưng (Logo) phải gắn với dòng chữ “Chuyển đổi số quốc gia”.

Các tác phẩm dự thi cần tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật như sau:

- Logo có tính duy nhất, biểu tượng cao, sáng tạo, không trùng lặp, tương tự, gây nhầm lẫn với bất cứ logo nào khác, không vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ.

- Màu sắc của logo không quá 4 màu, phù hợp in ấn, phóng to, thu nhỏ, chạm khắc, đắp nổi trên các vật phẩm, chất liệu khác nhau và đảm bảo độ phân giải cao, sắc nét, tương thích khi thể hiện dưới định dạng số và trên các môi trường số.

- Logo phải đạt được những yêu cầu về vẽ thiết kế như: đơn giản, thẩm mỹ, dễ nhớ, dễ nhận biết, ấn tượng với công chúng, thể hiện được bản sắc văn hóa dân tộc (thể hiện qua màu sắc, đường nét, bố cục, ý nghĩa…).

- Tác phẩm thể hiện trên 1 trang giấy trắng khổ A4 (29,7cm x 21 cm). Mặt trước của trang giấy A4 là logo được in màu, kích cỡ mỗi chiều không quá 15cm đặt giữa trang giấy; phía dưới, bên phải của trang giấy là logo thu nhỏ được in đen trắng, kích cỡ mỗi chiều không quá 3cm. Mặt sau của trang giấy A4, tác giả ghi mã số tự chọn gồm 5 chữ số (Ví dụ: 01234).

- Ngoài những nội dung trên, mặt trước, mặt sau trang giấy không được ký tên và không được sử dụng bất cứ ký hiệu nào khác.

- Tác phẩm phải được cung cấp dưới dạng tệp ở định dạng JPEG, PNG, PDF, SVG có độ phân giải cao (ít nhất 300 pixel) với kích thước file không quá 10 MB, có thể chỉnh sửa và mở, được chứa trong 1 CD hoặc 1 USB.

- Mỗi tác giả được gửi từ 1 đến 5 tác phẩm tham gia cuộc thi; mỗi tác phẩm dự thi phải ghi rõ mã số riêng, không trùng mã số với tác phẩm khác

Về giải thưởng:

- 1 tác phẩm đạt giải sẽ được Ban tổ chức cấp giấy chứng nhận của Bộ Thông tin và Truyền thông và tiền thưởng kèm theo là 100 triệu đồng. Trường hợp không lựa chọn được tác phẩm đạt giải, Ban tổ chức sẽ không trao giải hoặc đề nghị tiếp tục kéo dài thời gian dự thi.

Thời gian tổ chức dự kiến:

- Thời gian phát động cuộc thi: Ngày 5-7-2022. 

- Thời gian nhận hồ sơ: Từ ngày 5-7-2022 đến ngày 5-9-2022.

- Chọn và chấm giải thưởng: Từ ngày 6-9-2022 đến ngày 10-9-2022.

Ban tổ chức nhận tác phẩm dự thi theo 2 hình thức:

- Hình thức thứ nhất: Tác giả gửi hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến trụ sở Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Hình thức thứ hai: Tác giả gửi hồ sơ trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (tại địa chỉ https://ideadx.mic.gov.vn).

Về Hội đồng giám khảo

Hội đồng Giám khảo cuộc thi do Ban Tổ chức đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định thành lập. Thành phần Hội đồng Giám khảo sẽ gồm đại diện cơ quan quản lý nhà nước, các nhà chuyên môn có kinh nghiệm và uy tín.

Hội đồng Giám khảo sẽ chấm chọn qua 02 vòng (Vòng sơ khảo và Vòng chung khảo). Kết quả Cuộc thi được thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (tại địa chỉ https://ideadx.mic.gov.vn) và trên các phương tiện truyền thông đại chúng. 

PV